26/12/2024

Không khí lạnh hiếm gặp tràn về giữa tháng 5, thiên tai nguy hiểm ra sao?

Trăm năm ‘kẻ chợ’ Sài thành: Bà trùm bán cau khô ở phố chợ An Đông

Chợ An Đông được xây trên nền đất nghĩa địa, từng là nơi trú ngụ của nhiều gia đình trí thức nổi tiếng như nhà văn Nhất Linh, dịch giả Lưu Quốc Nhĩ.

 

 

 

Bóng dáng người phụ nữ trong các tác phẩm để đời của họ ít nhiều mang hình ảnh người nơi đây.

Chợ An Đông nay là Trung tâm thương mại An Đông ở Q.5, TP.HCM. Chợ xưa có đặc trưng của khu chợ có nhà lồng bên trong và những con đường bao quanh cũng là phố chợ lâu đời từ trước 1975 ở Sài Gòn. Theo tài liệu, gốc chợ An Đông là chợ Lá ở đầu đường Trần Tuấn Khải (Trần Phú) – Nguyễn Hoàng (Nguyễn Trãi). Sau này khi chính quyền cũ giải tỏa khu “nhị tì” của người Hoa xưa thì chợ được di dời về vị trí ngày nay. Chợ có 4 mặt hướng ra các con đường An Dương Vương, Nguyễn Duy Dương, Yết Kiêu, Hùng Vương.

Trăm năm 'kẻ chợ' Sài thành: Bà trùm bán cau khô ở phố chợ An Đông - ảnh 1
Bà Cẩm Lợi đứng trước hiệu Cẩm Lợi trước 1975  TƯ LIỆU

“Bà trùm cau vợ ông cao”

Sự háo hức lộ rõ khi nhóm bạn già ở phố chợ An Đông hôm nay hoài niệm về thời thơ ấu. Đó là niềm tự hào của họ khi nhắc về khu phố chợ nhiều thăng trầm nhưng cũng là nơi cư ngụ của nhiều trí thức nổi tiếng trước và sau 1975. Bà Cẩm Lợi, vợ của nhà văn Nhất Linh được ví như người vợ của Tú Xương “Quanh năm buôn bán ở mom sông/Nuôi đủ năm con với một chồng”, từng là cư dân sớm nhất khu phố chợ An Đông buổi đầu mới lập.

Trước 1954, bà Cẩm Lợi có vựa cau ở phố Hàng Bè, Hà Nội cho tới khi bà theo chồng vào phố chợ An Đông. Trong hồi ký Căn nhà An Đông của mẹ tôi, nhà văn Nguyễn Tường Thiết viết phố chợ khi ấy: “Năm 1954, khi chúng tôi dọn đến ở thì khu chung cư An Đông này chưa hoàn toàn xây xong. Tôi khám phá ra là cả cái chợ này lẫn khu chung cư được xây ngay trên bãi tha ma rộng mênh mông. Phố chợ hồi đó chủ yếu là người Bắc di cư năm 1954 và người Hoa mua ở, họp chợ ngay giữa lòng 4 dãy phố bao quanh”.

Những người dân đã sống ở phố chợ An Đông từ năm 1960 tới nay đều nhớ rõ về ngôi nhà số 39 Công trường An Đông xưa, nay là cửa hàng bán đồ thể thao Asia nằm ngay góc phố. Họ nhớ chủ nhà số 39 bởi hồi đó phố chợ chỉ có bà Cẩm Lợi bán cau khô sỉ với số lượng lớn. Gia đình vợ nhà văn Nhất Linh sống ở nơi này gần 20 năm cho tới khi di tản năm 1975. Bà Cẩm Lợi trong hồi ức của những người hàng xóm bây giờ ở khu Công trường An Đông là một phụ nữ gốc Bắc, răng đen, đầu vấn khăn, tính lanh lợi nhưng rất hiền hậu ở phố chợ An Đông. Hiếm người biết chồng bà trùm bán cau khô sỉ ở phố chợ này là nhà văn Nhất Linh.

Trăm năm 'kẻ chợ' Sài thành: Bà trùm bán cau khô ở phố chợ An Đông - ảnh 2
Nhóm bạn già ở phố chợ xưa nay vẫn giao hảo và nhắc nhớ chuyện xưa  LÊ VÂN

Ông Ba Tèo, 63 tuổi, từng là đứa trẻ hay chạy qua nhà bà Cẩm Lợi chơi khi xưa kể lại: “Mấy đứa trẻ phố chợ khi đó thường gọi chồng bà Lợi trùm bán cau là “ông cao” vì tướng ổng dong dỏng cao, lại rất ít nói, thường chỉ ra vô nhà chứ hiếm khi nói chuyện với hàng xóm. Bả quý trẻ con lắm, hễ đứa nào qua chơi cũng cho chút bánh kẹo. Mãi sau này, khi ông chồng bả tự tử ở căn nhà này thì hàng xóm mới biết “ông đó cũng có vẻ làm lớn”, nhưng ít người biết chồng của bà trùm bán cau khô cũng là một nhà văn nổi tiếng thời ấy”.

Ở bên hông chợ An Đông bây giờ còn có nhà của nhà văn, dịch giả Lưu Quốc Nhĩ, từng nổi tiếng khi dịch truyện của tác giả Quỳnh Dao từ trước 1975. Ông Hiền, 68 tuổi ở số nhà 61 Công trường An Đông kể: “Hồi đó tui mê truyện Quỳnh Dao lắm, sau 1975 có thời nó là loại “tiểu thuyết 5 xu”, bị cấm. Mấy đứa thanh niên tụi tui thường lén mua về đọc. Sau này mới biết cái ông dịch truyện lại sống ngay gần nhà mình. Hồi 2019 ổng mất nè, đám tang có nhiều người nổi tiếng ghé lắm”.

“Chú Tiều khùng” là ai ?

“Chú Tiều khùng” là người phụ việc nhà bà Cẩm Lợi. Chuyện ông Tiều khùng có gì mà những người lão làng ở phố chợ An Đông xưa lại nhớ mãi? Ông Ba Tèo, sinh ra ở khu phố chợ này lý giải: “Vì ông Tiều này ai cũng quen biết từ hồi chợ mới về đây, còn nhóm họp chưa có nhà lồng. Ổng cũng là một phần lịch sử của chợ này chứ bộ. Hồi đó, ổng đi lang thang khắp các sạp chợ xin ăn, sống nhờ vào đồ ăn thừa của dân chợ mà béo trắng. Lúc tui còn nhỏ thường theo đám bạn chọc ổng mà không khi nào ổng lùa uýnh. Chỉ thấy ổng giơ con dao phay lên trời chỉ chỉ rồi la hét là mấy đứa đã bỏ chạy tán loạn”.

Trăm năm 'kẻ chợ' Sài thành: Bà trùm bán cau khô ở phố chợ An Đông - ảnh 3
Chợ An Đông buổi còn họp nhóm chưa nhà lồng  TƯ LIỆU

Trong hồi ký, nhà văn Nguyễn Tường Thiết tả về chú Tiều: “Chú Tiều ở tuổi trung niên, đầu hói, quanh năm mặc cái quần xà lỏn phô tấm thân lực lưỡng. Nhưng chú lại bị bệnh khùng, suốt ngày nói năng lảm nhảm bằng tiếng Tàu nên chả ai hiểu chú nói gì. Chú Tiều sống lây lất trong chợ, được mẹ tôi mướn mỗi khi cần có người làm việc nặng”. Ông Hiền kể: “Khi nhà bà Cẩm Lợi chuyển đi nước ngoài, ông Tiều còn ở nhờ vỉa hè số nhà 41 Công trường An Đông mấy năm rồi mất”.

Chú Ba Tèo còn nhớ nhiều kỷ niệm về một thời chợ trong lòng phố: “Chợ họp từ sáng sớm, tới trưa là thu dọn hết rồi. Giấc chiều có các quán ăn, cà phê bày bán. Sau này khi lính Mỹ vào thì khu chung cư cất thêm lầu 4, chỉ dành riêng cho lính Mỹ ở. Họ ăn chơi tiệc tùng sáng đêm, tới giấc sáng sớm là giờ của dân chợ. Thế nên, ở khu này nhỏ tới lớn dù dân nghèo cũng biết đủ món ăn chơi thời ấy”.

Phố chợ xưa nay có phần im ắng hơn bởi trung tâm thương mại được xây mới, hầu hết các ngành hàng đều vào các khu phân định trong nhà lồng chợ. Những người dân phố chợ như ông Hiền, ông Ba Tèo ráng giữ chút hương xưa bằng việc bán buôn nho nhỏ trước nhà. Dân phố chợ ngày xưa cũng đi gần hết, một lớp dân mới tạo nên diện mạo lạ lẫm như hôm nay ở khu chợ lâu đời với những người cũ như ông Hiền, ông Ba Tèo còn ở lại.

(còn tiếp)

LÊ VÂN

TNO