Bác sĩ ơi: Nhóm người trẻ nào có nguy cơ đột quỵ?
Bác sĩ ơi: Nhóm người trẻ nào có nguy cơ đột quỵ?
Xung quanh tôi xuất hiện ngày càng nhiều trường hợp đột quỵ ở tuổi còn khá trẻ. Vậy làm thế nào để biết mình có nằm trong nhóm nguy cơ bị đột quỵ hay không? (M.B.Đ, 42 tuổi, Quảng Nam)
Bác sĩ Dương Quang Hải, Phó trưởng Khoa Đột quỵ – Bệnh viện Đà Nẵng, trả lời:
Đột quỵ là tình trạng não bộ bị tổn thương nghiêm trọng do quá trình cung cấp máu lên não bị gián đoạn hoặc giảm đáng kể, khiến não thiếu ô xy, không đủ dinh dưỡng để nuôi các tế bào.
Muốn biết mình có ở trong nhóm nguy cơ cao đột quỵ hay không thì bạn nên đi khám, tầm soát đột quỵ. Cụ thể, bác sĩ sẽ xem bạn có bị các bệnh lý tăng huyết áp, tăng đường huyết, có rối loạn, xơ vữa mạch máu hay không. Đặc biệt, sẽ nhận diện các dị dạng mạch máu não, nhận biết được các vấn đề về tim mạch, nhất là các chứng rối loạn nhịp tim, hoặc bị hẹp, hở van tim… Đây là những nguyên nhân chính gây ra chứng đột quỵ.
Mạch máu não bị tắc (trái) và sau khi được tái thông bằng can thiệp lấy huyết khối (phải) AN QUÂN |
Theo đó, bạn sẽ được tầm soát thông qua các xét nghiệm cũng như biện pháp hình ảnh học. Cụ thể, bác sĩ sẽ khám tổng quát, đo huyết áp, đo điện tim xem có rối loạn hay không, sau đó sẽ tiếp tục thực hiện các xét nghiệm như xét nghiệm mỡ máu, tăng đường huyết, chức năng đông máu. Nếu siêu âm thì sẽ siêu âm tim, siêu âm mạch cảnh (tức là mạch máu từ tim dẫn lên não). Một số trường hợp đặc biệt sẽ được chỉ định chụp mạch não bằng phương pháp CT scan sọ não, chụp MRI não và mạch não để tầm soát các nguyên nhân và có hướng điều trị dự phòng.
Một người sau khi được tầm soát đột quỵ thì tỷ lệ kiểm soát và ngăn chặn nguy cơ đột quỵ là rất lớn. Vì các nguyên nhân gây nguy cơ đột quỵ như hẹp, hở van tim, rối loạn nhịp tim, vấn đề về mạch máu, tăng huyết áp, tăng đường huyết… sẽ được kiểm soát và xử lý sớm.
Để được tầm soát đột quỵ, bạn nên đến các bệnh viện có chuyên khoa đột quỵ, có các bác sĩ có chuyên môn về đột quỵ, hay những cơ sở y tế có đầy đủ các trang thiết bị để tầm soát và cảnh báo.
Nhóm người trẻ được cảnh báo đột quỵ
Người tuổi càng lớn thì nguy cơ đột quỵ càng nhiều do có nhiều bệnh nền phối hợp. Mạch máu ở người lớn tuổi sẽ có nguy cơ xơ vữa, và người lớn tuổi cũng có nguy cơ cao về các bệnh tim mạch, tăng huyết áp, tăng đường huyết. Tuy nhiên, thời gian gần đây cũng ghi nhận rất nhiều bệnh nhân trẻ tuổi (dưới 35 tuổi) xuất hiện các vấn đề sức khỏe dẫn đến tình trạng đột quỵ nói trên. Đặc biệt là ở những người có sử dụng chất cồn, chất kích thích như rượu bia, thuốc lá, những người béo phì, tăng đường huyết, tim mạch, tăng huyết áp sớm.
Nhiều nghiên cứu cho thấy, có nhiều trường hợp đột quỵ rơi vào khoảng thời gian sáng sớm, khi mới thức dậy. Lúc đó nồng độ hormone trong người và một số yếu tố về huyết áp không được kiểm soát tốt, dễ gây ra những cơn đột quỵ. Tất nhiên là những nguy cơ này vẫn trải dài trong những khoảng thời gian còn lại.
Khi xuất hiện các triệu chứng như yếu liệt một bên tay chân, rối loạn cảm giác ở một bên tay chân, méo miệng, liệt một bên mặt, giọng nói thay đổi, nói khó… là những dấu hiệu dễ nhận biết nhất về đột quỵ. Ngoài ra còn có những dấu hiệu khác như bỗng nhiên chóng mặt, rối loạn thị giác, cũng nên được đến bệnh viện sớm để kiểm tra.
Khi có những dấu hiệu nói trên thì phải đến bệnh viện càng sớm càng tốt, không nên tự xử lý tại nhà bằng các phương pháp dân gian như cạo gió, xông hơi… Vì thời gian có các triệu chứng kéo dài càng lâu thì tế bào não bị tổn thương càng nhiều. Cụ thể, nếu tắc mạch máu não mà không được thông lại thì vùng não đó sẽ tổn thương. Hay xuất huyết não, chảy máu không được kiểm soát thì tổn thương não càng lớn, ảnh hưởng đến tính mạng của bệnh nhân, gây khó khăn cho việc phục hồi chức năng sau này.
AN DUY
TNO