23/11/2024

Bước ngoặt chuyển hướng chiến lược của Đức ở Indo-Pacific

Bước ngoặt chuyển hướng chiến lược của Đức ở Indo-Pacific

Dưới thời của Thủ tướng Olaf Scholz, Đức đang từng bước thể hiện rõ quan điểm thay đổi chiến lược mạnh mẽ hơn đối với châu Á hay rộng hơn là khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.

 

 

Đó là nhận định của các chuyên gia quốc tế khi trả lời Thanh Niên ngày 30.4 về chuyến công du của Thủ tướng Olaf Scholz đến Nhật Bản mới đây.

Thay đổi ưu tiên

Ngày 29.4, tờ South China Morning Post đưa tin Thủ tướng Scholz chọn Nhật Bản làm điểm đến đầu tiên để công du châu Á kể từ khi nhậm chức vào tháng 12.2021. Trong cuộc họp báo chung với người đồng cấp Nhật Bản Fumio Kishida ngày 28.4, Thủ tướng Scholz nhấn mạnh: “Chuyến đi của tôi là một tín hiệu chính trị rõ ràng rằng Đức và Liên minh Châu Âu (EU) sẽ tiếp tục và tăng cường gắn kết với khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương (Indo-Pacific)”.

Về phía Nhật Bản, Thủ tướng Kishida cho biết ông và người đồng cấp Scholz nhất trí rằng với tư cách là thành viên của Nhóm 7 quốc gia công nghiệp phát triển (G7), hai nước có trách nhiệm hợp tác với nhau để chấm dứt chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine, khôi phục hòa bình, ổn định và trật tự quốc tế càng nhanh càng tốt. Bên cạnh đó, Thủ tướng Kishida cho biết Nhật hy vọng sẽ hợp tác chặt chẽ với Đức với tư cách là đối tác chiến lược về “nhiều thách thức khác nhau mà cộng đồng quốc tế phải đối mặt, bao gồm cả các ứng phó với Trung Quốc”.

Bước ngoặt chuyển hướng chiến lược của Đức ở Indo-Pacific - ảnh 1
Tàu hộ tống Bayern của Đức ghé thăm Việt Nam vào tháng 1.2022  THỤY MIÊN

Thực tế gần đây, Đức dần có nhiều động thái nhằm tăng cường hiện diện và ảnh hưởng ở Indo-Pacifc. Nổi bật về quân sự, vào năm ngoái, nước này đã điều động tàu hộ tống Bayern (F217) thực hiện chuyến hải hành đến khu vực Indo-Pacific. Chuyến hải hành kéo dài qua đến năm nay và ghé thăm nhiều nước như: Việt Nam, Pakistan, Ấn Độ, Úc, Nhật Bản…

Trả lời Thanh Niên, TS Timothy R.Heath (chuyên gia nghiên cứu cấp cao, Tổ chức RAND, Mỹ) nhận xét: “Quả thực, việc Thủ tướng Scholz thăm Nhật trước Trung Quốc báo hiệu mối quan ngại của châu Âu rằng Trung Quốc có thể có chung xu hướng xét lại của Nga”. Bởi người tiền nhiệm của ông Scholz là bà Angela Merkel đã chọn Trung Quốc làm điểm đến đầu tiên ở châu Á.

“Chuyến công du của ông Scholz cũng cho thấy châu Âu và Mỹ đang mong muốn tăng cường quan hệ với các quốc gia châu Á có chung cam kết duy trì trật tự dựa trên luật lệ, cũng như sự lo ngại về mục đích của Trung Quốc liên quan trật tự quốc tế. Đức tỏ ra mong muốn mở rộng quan hệ thương mại với tất cả các nước châu Á và giảm bớt sự phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc”, TS Health nói thêm.

Cũng trả lời Thanh Niên, TS C.J.Jenner (chuyên gia nghiên cứu về địa chính trị tại Đại học Oxford, Anh) nhận định: “Ông Scholz báo hiệu một sự thay đổi chiến lược từ chính sách khu vực của bà Angela Merkel. Trong thời gian bà Merkel giữ chức thủ tướng, Berlin đã ưu tiên các mối quan hệ với Bắc Kinh hơn tất cả các bên khác ở Indo-Pacific”.

 

Hạn chế phụ thuộc vào Trung Quốc

Tại cuộc họp báo chung với người đồng cấp Đức, Thủ tướng Nhật Bản đã nhấn mạnh: “Cuộc khủng hoảng Ukraine làm lung lay nền tảng của trật tự quốc tế không chỉ ở châu Âu mà còn ở châu Á. Cần phải tránh mọi nỗ lực nhằm thay đổi hiện trạng, đặc biệt là ở Đông Á”. Theo TS Jenner, những lời này của Thủ tướng Kishida đang đề cập đến vấn đề Đài Loan và Tokyo không muốn Bắc Kinh tiến hành chiến dịch quân sự nhằm vào Đài Bắc.

Bước ngoặt chuyển hướng chiến lược của Đức ở Indo-Pacific - ảnh 2
Thủ tướng Scholz và người đồng cấp Kishida gặp nhau ngày 28.4  REUTERS

“Ngoài sức mạnh quân sự, năng lượng cũng ảnh hưởng đến sự cân bằng quyền lực ở châu Á và châu Âu, đặc biệt là trong các giai đoạn xung đột hoặc tranh chấp quốc tế. Sự khắc phục để hạn chế phụ thuộc của Đức và Nhật Bản vào Nga về khí đốt là một thách thức đáng kể đối với hai nhà lãnh đạo Scholz và Kishida”, TS Jenner nhận định và dẫn chứng rằng Nhật Bản có thể phải tốn thêm một khoản khá lớn để nhập khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) nhập khẩu nếu nước này rời khỏi dự án Sakhalin-2 LNG ở Nga. Bên cạnh đó, Nga là nhà cung cấp khí đốt hàng đầu của Đức.

Ngoài ra, ông Jenner cho rằng ngoài việc khắc phục tình trạng nguồn cung cấp năng lượng bị đe dọa, quan hệ đối tác Tokyo – Berlin ngày càng sâu sắc còn nhằm tăng cường hợp tác kinh tế trong các lĩnh vực như công nghệ 5G và các khía cạnh khác của an ninh kinh tế.

“Về sự thay đổi quan điểm đối với Trung Quốc và Nga, thì Nhật Bản và Đức đang muốn đảm bảo rằng các chuỗi cung ứng trở nên ít phụ thuộc hơn vào một quốc gia nào đó. Đây là lợi ích quốc gia của Nhật Bản, Đức và các quốc gia khác trước những mối đe dọa ngày càng tăng đối với trật tự quốc tế toàn cầu”, TS Jenner nhận định.

NGÔ MINH TRÍ

TNO