23/01/2025

Bố mẹ cần làm gì khi con xem MV của Sơn Tùng M-TP?

Bố mẹ cần làm gì khi con xem MV của Sơn Tùng M-TP?

Thay vì cấm đoán con xem những tác phẩm có nội dung tương tự MV There’s no one at all của Sơn Tùng M-TP, TS tâm lý học Lê Nguyên Phương cho rằng cha mẹ nên ngồi lại để hỏi con mình có bị cô đơn hay không?

 

 

Báo Thanh Niên đã có cuộc trao đổi với TS tâm lý học Lê Nguyên Phương xung quanh MV There’s not one at all của ca sĩ Sơn Tùng M-TP đang gây ra tranh cãi trong dư luận vài ngày qua.

Theo TS Phương, hình ảnh nhân vật chính trong MV này có hành vi giống như tự tử nhưng vẫn là một cái kết mở. Tuy nhiên, những hình ảnh này xuất hiện trong đúng thời điểm xảy ra nhiều vụ trẻ tự tử khiến dư luận nảy sinh nhiều ý kiến trái nhiều.

Bố mẹ cần làm gì khi con xem MV của Sơn Tùng M-TP? - ảnh 1
TS tâm lý học Lê Nguyên Phương chia sẻ với Báo Thanh Niên về nội dung MV There’s not one at all của Sơn Tùng M-TP.  NGUYỄN BẮC

“Nếu chúng ta công bằng mà nói, hình ảnh ở cuối trong clip của Sơn Tùng M-TP vẫn chưa kết luận được là nhân vật chính trong đó tự tử hay là như thế nào. Và đó cũng là tranh luận hay là lý lẽ đưa ra để ủng hộ tác phẩm mới nhất của Sơn Tùng M-TP.

Đứng từ một phương diện, chúng ta có thể xem tác phẩm âm nhạc mới nhất của Sơn Tùng M-TP góp phần cảnh báo về nguy cơ tự tử ở giới trẻ trước những áp lực xã hội, đặc biệt là khi trẻ phải sống trong một gia đình hay một xã hội, một nhà trường mà không có được sự chấp nhận, yêu thương, hỗ trợ và cảm thấy lạc lõng trong những môi trường đó.

Tuy nhiên, trong bối cảnh những vụ tự tử xảy ra liên tiếp trong thời gian qua, chúng ta cũng có thể nhìn thấy đây chỉ là một hiện tượng đu trend, cố gắng, nỗ lực để bám theo một xu hướng của xã hội để tự quảng bá cho mình”, TS Phương cho biết.

Cũng theo TS Lê Nguyên Phương, nếu hình ảnh trong clip của Sơn Tùng M-TP là tự tử thì nó có thể gây ảnh hưởng đến những người trẻ tuổi, vốn là fan hâm mộ của thần tượng này. Những vụ việc tương tự trong quá khứ đã dẫn đến nhiều hệ lụy nghiêm trọng.

TS Phương chia sẻ: “Tôi muốn nhắc đến một hiện tượng hay một hiệu ứng mà chúng ta có tên khoa học là Hiệu ứng Werther. Hiệu ứng Werther này lấy từ tên tác phẩm vào năm 1774 của Goethe có tên Nỗi buồn của chàng trai trẻ Werther, nói về việc một chàng trai trẻ tự sát vì thất tình. Xã hội lúc đó đã lên án Goethe và ngăn cấm phát hành tác phẩm này. Vì người ta cho rằng ít nhất việc tự sát như một hậu quả của tác phẩm này đã xảy ra ở Ý, Leipzig (Đức) và Copenhagen (Đan Mạch).

Năm 1970, chuyên gia tâm lý David Philips đã làm một nghiên cứu sau vụ tự sát của nữ tài tử, minh tinh màn bạc Marilyn Monroe của Hoa Kỳ. Sau cái chết của cô này thì có tới 300 vụ tự tử tiếp theo. Và người ta đã đặt một từ thông thường là bắt chước tự tử. Nó còn có tên khác là tự tử lan tỏa hay tự tử lây nhiễm.

Bố mẹ cần làm gì khi con xem MV của Sơn Tùng M-TP? - ảnh 2
Hình ảnh được xây dựng trong MV There’s not one at all về một cậu bé mồ côi, cô đơn và thường xuyên bị bắt nạt  NGUYỄN BẮC

Đó là một hiện tượng có thật, chứ không chỉ là hiện tượng trên giấy tờ, trên nghiên cứu. Sau khi có một vụ tự tử của một nhân vật nổi tiếng dù là trong lĩnh vực chính trị hay lĩnh vực nghệ thuật, đặc biệt là những minh tinh màn bạc trong nghệ thuật như chúng ta thấy ở Hàn Quốc, thì các vụ tự tử đều gia tăng. Đặc biệt khi biến các vụ tự tử trở nên hào nhoáng hoặc biến những nhân vật tự tử đó thành những anh hùng.”

Bố mẹ cần làm gì khi con xem MV của Sơn Tùng M-TP? - ảnh 3
Sau khi phát hành, There’s not one at all đã bị cơ quan quản lý “tuýt còi”  NGUYỄN BẮC

Người hâm mộ Sơn Tùng M-TP chiếm đa phần là những người trẻ tuổi, theo TS Phương. Nhiều bậc phụ huynh khi nghe đến MV này đã cấm đoán con mình xem clip. Tuy nhiên, tâm lý của trẻ có thể xuất hiện tình trạng phản kháng bằng nhiều cách.

“Cha mẹ nếu biết con đã xem clip này thì hãy ngồi xuống cùng với con để phân tích xem đứa trẻ trong clip đã cô đơn như thế nào? Hỏi con mình xem con có cô đơn như thế không?

Chúng ta sống trong xã hội có xu hướng tránh những vấn đề nhạy cảm. Không! Những vấn đề nhạy cảm là những vấn đề càng nên phải thảo luận thì nó mới tạo được sự thông hiểu, gắn bó lẫn nhau giữa những người trong xã hội. Và đặc biệt ở đây, khi chúng ta nói về gia đình”, TS Phương chia sẻ.

TS Lê Nguyên Phương nhận bằng Ths tâm lý giáo dục và chứng chỉ hành nghề tâm lý Học đường tại Đại học California State Long Beach (CSULB) và bằng TS lãnh đạo giáo dục chuyên ngành tâm lý giáo dục tại University of Southern California (USC).

TS Lê Nguyên Phương đã hành nghề tâm lý học đường từ năm 2002 tại các trường trung học phổ thông, trung học cơ sở và tiểu học. Tại các trường này ngoài việc phục vụ học sinh trong chương trình giáo dục đặc biệt dành cho học sinh tự kỷ, chậm trí, có rối loạn về cảm xúc, và khuyết tật khả năng học tập, TS Lê Nguyên Phương còn chịu trách nhiệm điều hành các chương trình tham vấn nhóm, tổ chức tổ can thiệp khủng hoảng, và cung cấp dịch vụ tham vấn cá nhân cho nhiều học sinh…

NGUYỄN BẮC

TNO