EU soạn gói trừng phạt mới đối với Nga: Có cấm vận dầu mỏ?
EU soạn gói trừng phạt mới đối với Nga: Có cấm vận dầu mỏ?
Liên minh châu Âu (EU) đang lên kế hoạch cho gói trừng phạt thứ 6 đối với Nga liên quan đến chiến dịch quân sự của Matxcơva ở Ukraine.
Tờ Politico dẫn lời 4 nhà ngoại giao tiết lộ gói trừng phạt này bao gồm một số hình thức cấm nhập khẩu dầu Nga.
Gói trừng phạt mới cũng có thể nhắm vào nhiều ngân hàng Nga hơn bằng cách trục xuất họ khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa rõ mức độ quyết liệt của kế hoạch này sẽ tới đâu nhằm hạn chế một trong những nguồn thu chính yếu của Matxcơva.
Nếu lệnh cấm (của EU) có quá nhiều ngoại lệ, phần còn lại của thế giới sẽ nhìn ra vấn đề.
Một nhà ngoại giao EU nói với Politico.
EU vẫn chia rẽ
Khi cuộc chiến ở Ukraine kéo dài, các nhà lãnh đạo EU ngày càng yêu cầu phải cắt nguồn thu quan trọng của Điện Kremlin đến từ lĩnh vực năng lượng béo bở của Nga, đặc biệt là xuất khẩu dầu và khí đốt.
Hiện thu nhập từ dầu mỏ được cho là nguồn tài chính thiết yếu để Nga duy trì cuộc chiến tại Ukraine. Dù EU lên án mạnh mẽ chiến dịch quân sự của Nga, nhưng khi bàn về cấm vận dầu mỏ, nhiều quốc gia thành viên vẫn còn chần chừ, điển hình là Đức và Hungary.
Theo đó, một lệnh cấm hoàn toàn nhập khẩu dầu từ Nga của EU vẫn vấp phải sự phản đối từ Đức. Berlin đã thông tin tới các quốc gia EU khác rằng nước này sẽ chỉ cân nhắc cắt nguồn dầu từ Nga dựa trên những điều kiện nhất định hiện đang trong quá trình thảo luận với Ủy ban châu Âu.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjarto hôm 18-4 khẳng định Budapest sẽ không ủng hộ bất cứ lệnh trừng phạt nào đối với khí đốt và dầu mỏ của Nga. Đồng thời, một loạt quốc gia gồm: Áo, Czech, Slovakia và Bulgaria đều lo ngại về hệ quả của nền kinh tế trước các lệnh trừng phạt vào năng lượng.
Theo các chuyên gia, bất cứ lệnh cấm nào về dầu mỏ của EU sẽ có sự điều chỉnh giữa các loại dầu của Nga, cũng như cách thức cung ứng dầu, thông qua đường ống hay các tàu chở dầu.
Vào năm 2020, trong tổng số 2,8 triệu thùng dầu thô mỗi ngày mà EU nhập từ Nga, có tới 0,7 triệu thùng/ngày đến từ tuyến đường ống, và phần còn lại từ đường biển.
Về phía các loại dầu mỏ có thể bị cấm, hiện các nhà máy lọc dầu của EU chủ yếu sử dụng loại dầu Ural, loại pha trộn giữa dầu chua nặng của vùng Urals và vùng Volga với dầu nhẹ của Tây Siberia. Nếu EU có động thái cấm vận loại dầu này, điều này sẽ cho thấy sự quyết tâm rất lớn của khối này.
Nga cũng đang xuất khẩu các loại dầu nhiên liệu nặng và dầu nhờn nhẹ, vốn là nguyên liệu cần thiết để sản xuất dầu diesel, và cung ứng trực tiếp 10% số dầu diesel thành phẩm, do đó lệnh cấm ở thời điểm này sẽ là khá nhạy cảm khi châu Âu đang bước vào mùa hè với nhu cầu đi lại sẽ ở mức cao nhất trong năm.
Ít phương án thay thế
Nếu biện pháp cấm vận của châu Âu nhằm vào dầu Ural, phương án thay thế khả dĩ nhất sẽ là các loại dầu thô nhẹ từ Iran và Saudi Arabia. Nhưng các chuyên gia cho rằng thách thức lớn sẽ là vấn đề hậu cần, do dầu của Nga được vận chuyển trực tiếp thông qua các đường ống tới những nhà máy lọc dầu mà không cần tính tới thời gian vận chuyển hay rủi ro trì hoãn khi đi trên biển.
Thực chất, lệnh cấm về dầu sẽ là sự đánh đổi giữa hai bên. Viện nghiên cứu Bruegel có trụ sở tại Brussels ước tính Nga hiện cung ứng 3,5 triệu thùng dầu mỗi ngày trong tổng số 15 triệu thùng EU nhập mỗi ngày trong năm 2021.
“EU là một thị trường lớn đối với Nga và không thể sớm thay thế”, David Muehlemann, chuyên gia tại tổ chức phi chính phủ Public Eye ở Thụy Sĩ, cho biết.
Trong khi đó, ông Marcel Salikhov, giám đốc về kinh tế tại Viện Nghiên cứu năng lượng và tài chính, cho rằng EU phụ thuộc lớn vào khí đốt của Nga, nhưng cũng có nghĩa Nga đang phụ thuộc vào thị trường EU.
The ông Salikhov, Nga chỉ có vài phương án thay thế trong tình hình này, bởi hệ thống đường ống khí đốt của Nga đều hướng tới châu Âu, và khó có thể điều chỉnh hướng nguồn cung tới các thị trường khác. Có thể chuyển hướng sang Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng nước này đang tiêu thụ khá nhiều hàng Nga và khó có thể mua thêm, ông Salikhov nói trên Đài Russia Today của Nga.
Một số ý kiến đang cho rằng châu Á có thể là thị trường thay thế EU của Nga. Tuy nhiên, rào cản với các nước châu Á chính là vấn đề hậu cần trong bối cảnh cuộc chiến ở Ukraine vẫn đang căng thẳng.
“Việc tìm kiếm tàu chở dầu đến Nga ngày càng khó khăn khi các công ty vận tải biển ngày càng cảnh giác hơn với việc gửi tàu đến Nga”, một đại diện của Taiyo Oil (Nhật) nói với Nikkei Asia. Một số công ty bảo hiểm cũng đang từ chối bảo hiểm các chuyến hàng của các tàu chở dầu Nga, công ty cho biết thêm.
380
Theo phân tích dữ liệu của báo Nikkei Asia từ nhà cung cấp cơ sở hạ tầng và dữ liệu thị trường tài chính Refinitiv, kể từ sau chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga, đã có 380 tàu chở dầu từ Nga đi các nước, tăng nhẹ so với 357 tàu cùng kỳ năm ngoái.
Trong đó có 52 chiếc đến Trung Quốc, 28 chiếc đến Hàn Quốc, 25 chiếc đến Ấn Độ, 9 chiếc đến Nhật Bản và 1 chiếc đến Malaysia. Số tàu chở dầu này tăng gấp 8 lần đối với Ấn Độ và 33% đối với Trung Quốc so với cùng kỳ năm ngoái.