Cần làm gì khi axit uric cao bất thường?
Cần làm gì khi axit uric cao bất thường?
Tôi giới tính nam, 35 tuổi, tập gym 3 – 4 ngày mỗi tuần, không hút thuốc, không bia rượu. Chỉ số axit uric của tôi năm nay là 535 µmol/l cao hơn tham chiếu rất nhiều. Xin bác sĩ hướng dẫn tôi cách giảm axit uric. (P.V.N, Đà Nẵng)
Tiến sĩ – bác sĩ Nguyễn Tấn Dũng, Phó giám đốc Bệnh viện C Đà Nẵng, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Thấp khớp học VN, trả lời:
Chỉ số axit uric trong máu cao hơn tham chiếu cho phép đối với nữ được xác định là trên 360 µmol/l, ở nam là trên 420 µmol/l. Nồng độ axit uric cao có thể là dấu hiệu của nhiều tình trạng bao gồm hội chứng rối loạn chuyển hóa, bệnh gút, bệnh thận và ung thư.
Điều bạn cần làm trước tiên là làm bộ xét nghiệm chuyển hóa để xem các chỉ số chuyển hóa của bạn. Trong đó, chỉ số axit uric là một trong những chỉ số độc lập về rối loạn chuyển hóa, đặc biệt là do chế độ ăn uống không thích hợp, uống nhiều bia rượu, ăn nhiều hải sản, nội tạng động vật, các loại đậu hạt (đậu hòa lan…). Nồng độ axit uric máu trên 420 µmol/l là đã bắt đầu tình trạng bão hòa tạo thành các tinh thể urat lắng đọng trong mô khớp gây nên bệnh gout.
Nếu bạn có chế độ vận động tốt, không bia rượu, dinh dưỡng ổn định mà axit uric máu vẫn tăng cao bất thường thì cũng cần xét yếu tố gia đình (bố, anh ruột) có bệnh gout hay không, hay một rối loạn chuyển hóa kiểu gia đình (béo phì, đường huyết, axit uric cao…) để có hướng xử lý phù hợp.
Đối với trường hợp của bạn, cần xem xét có khi nào bạn khởi phát đau khớp ở những vị trí thấp nhất (ở bàn chân, vị trí cổ chân và ngón chân cái), có sưng, nóng, đỏ và tự hết hay không. Đau đột ngột (sau một đêm thức dậy, chân bị lạnh, hay sau một bữa tiệc, ăn hải sản, nội tạng nhiều…) thì đã đủ tiêu chuẩn để chẩn đoán bệnh gout. Khi đó, bạn cần gặp bác sĩ chuyên khoa cơ xương khớp để được chẩn đoán, điều trị.
Theo tôi, trường hợp bệnh của bạn có thể là hội chứng tăng axit uric máu nguyên phát do rối loạn về chuyển hóa, với chỉ số axit uric máu 535 µmol/l. Theo Hội Thấp khớp học của Mỹ, châu Âu và VN, với một người có chỉ số axit uric trên 500 µmol/l thì nên tư vấn điều trị không dùng thuốc như điều chỉnh chế độ ăn, tập luyện. Nếu sau 3 tháng mà axit uric máu vẫn không giảm thì sẽ dùng thuốc hạ axit uric máu liều thấp (Allopurinol) có theo dõi nồng độ axit uric máu định kỳ theo chỉ định của bác sĩ.
Bạn 35 tuổi, tập gym đều đặn, không sử dụng bia rượu thì cần lưu ý điều chỉnh giảm chế độ ăn có chứa purine cao có trong các loại hải sản, nội tạng động vật, các loại đậu hạt đặc biệt là đậu hòa lan, cá trích biển (ảnh). Khi phát hiện axit uric máu tăng đột ngột, bạn cần tăng cường uống các loại nước khoáng (loại không đường) để giúp trung hòa axit uric trong máu, tránh ngưng kết thành urat.
Câu hỏi xin gửi về địa chỉ: [email protected]
AN DY
TNO