23/12/2024

Hoạ phân lô bán nền – Kỳ 2: La liệt ‘đất nền, biệt thự ma’

Hoạ phân lô bán nền – Kỳ 2: La liệt ‘đất nền, biệt thự ma’

Cơn bão ‘phân lô bán nền’ đi qua, chỉ một số người hưởng lợi, còn sau đó nhiều khu đất phân lô bán nền bị bỏ hoang nhiều năm, không xây dựng nhà cửa, không có người dân về ở.

 

 

Họa phân lô bán nền - Kỳ 2: La liệt đất nền, biệt thự ma - Ảnh 1.

Một khu đất rẫy tại xã Cư Êbur (Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) đã làm đường, phân lô và rao bán – Ảnh: TR.TÂN

Đất đai mua bán, chuyển nhượng qua nhiều đời chủ giá cứ tăng nhưng vẫn phơi nắng mưa, hoang tàn, lãng phí.

Không khó để thấy các khu đất được phân lô, cắm cọc bỏ hoang hóa ngổn ngang tại nhiều tỉnh thành. Suốt nhiều năm qua, có nhiều khu đất được phù phép biến thành dự án “ma” nhà biệt thự, nhà phố quy mô hoành tráng và chào bán cho khách hàng.

Khi bị phát hiện vi phạm, những khu đất này trở thành những bãi hoang tàn. Họa phân lô bán nền hiện rõ trên từng bãi đất, căn nhà hoang hóa.

 

Bãi hoang “biệt thự” trên rẫy cà phê

Khu đất 8,6ha tại phường Tân Lợi (TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) từ một rẫy bạt ngàn cà phê được Công ty Nam Sơn tự ý san ủi làm đường, lắp điện, hệ thống nước ngầm, nước thải và “hô biến” thành dự án nhà biệt thự bán cho khách hàng. Sau khi bị phát hiện sai phạm, khu đất rộng nằm ngay trung tâm thành phố bị bỏ hoang, cỏ mọc um tùm.

Theo tìm hiểu, năm 2016 UBND tỉnh Đắk Lắk có quyết định phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 và giao Công ty Nam Sơn hoàn thành các thủ tục để làm dự án khu nhà ở thương mại. Tuy nhiên, dù chưa được chuyển đổi mục đích, chưa nộp tiền thuê đất và xin giấy phép… nhưng Công ty Nam Sơn đã san lấp làm đường, xây nhà biệt thự.

Điều đáng nói là việc làm đường, san ủi trái quy định diễn ra từ năm 2018 nhưng mãi đến giữa năm 2019 mới bị phát hiện, xử lý. Dù vậy, doanh nghiệp vẫn phớt lờ, tiếp tục xây dựng thêm nhiều căn biệt thự và công trình khác. Thanh tra Sở Xây dựng Đắk Lắk sau đó đã xử phạt và yêu cầu Công ty Nam Sơn dừng thi công.

Hiện nay, Thanh tra Chính phủ và Ủy ban Kiểm tra trung ương đã vào cuộc yêu cầu UBND tỉnh Đắk Lắk kiểm điểm và xử lý dứt điểm các vấn đề.

Hiện nay trên khu đất chỉ ba căn biệt thự đã xây dựng hoàn thiện có người vào ở, còn lại một số căn nhà xây dở dang “đắp chiếu” cỏ hoang mọc ngập chân tường. Phần đất còn lại để hoang, một số con đường xây dựng dở dang, vật liệu xây dựng ngổn ngang.

 

Toàn người Hà Nội, Sài Gòn mua đấy thôi

Hiện nay, tỉnh Lâm Đồng đã tạm dừng việc tách thửa để tìm kiếm phương án quản lý việc phân lô xẻ nền hữu hiệu. Tuy nhiên, khắp “thủ phủ chè” TP Bảo Lộc và huyện Bảo Lâm ngổn ngang các thửa đất nông nghiệp bỏ hoang, những gốc chè đã bị đào lên trơ gốc.

Những đồi chè, cà phê bạt ngàn đã bị xé nát, bỏ hoang sau một thời gian dài thả nổi hiến đất mở đường để những nhóm kinh doanh bất động sản lậu lợi dụng.

Tiếng là “thủ phủ chè” của Việt Nam nhưng tiệt nhiên không có dấu vết hoạt động làm nông ở đây. Mọi sự im lìm như đã chết. Những dự án được chào bán rầm rộ là thiên đường nghỉ dưỡng, đô thị bậc nhất phía nam Lâm Đồng đã thành những “khu đô thị ma”.

Thôn 13 và 14 xã Đamb’ri, phường Lộc Phát (TP Bảo Lộc) có thể xem là điểm nóng phân lô xẻ nền đất nông nghiệp lớn nhất ở Lâm Đồng. Đồi chè, cà phê bị tách từng thửa 500m2. Thửa nối thửa, đa số đã được sang nhượng qua nhiều đời chủ và không có chủ nào mua đất để tiếp tục làm nông.

Một người phụ nữ (bà P.T.N., quê Vũng Tàu) cầm một xấp sổ đỏ ra gợi ý chúng tôi mua đất. “Đất phù hợp nghỉ dưỡng, view đồi chè, ở thành phố sao bọn em có view này”, bà N. nói.

Chúng tôi nói đến chuyện không có thổ cư, không xây nhà nghỉ dưỡng được thì bà N. cười lớn: “Từ từ rồi “xinhan” với xã mà làm, khó gì. Với lại mua làm của. Có ai vô đây mua đất làm nông đâu mà lo sau này không làm nhà được”.

Chúng tôi hỏi thăm về tỉ lệ người mua đất rồi dựng nhà nghỉ dưỡng hoặc tiếp tục làm nông, bà P.T.N. không ngần ngại nói: “Ai cũng kiếm “cục đất” lận lưng chờ thời, toàn từ Sài Gòn, Hà Nội tới đây thôi. Nghỉ dưỡng là nói cho dễ bán đất, chứ có ai nghỉ dưỡng ở chỗ không có tiện nghi, điện đường trường trạm, xa lắc xa lơ vầy.

Chuyện làm nông á, ai rảnh đi mua đất phân lô tiền tỉ để làm nông không. Cho nên cứ thả đó rồi từ từ kiếm lời. Em có mua đất của chị thì nên nghĩ vậy cho thoải mái. Vài ba năm đất lên, kiếm gấp đôi gấp ba cho vợ con mừng”.

Họa phân lô bán nền - Kỳ 2: La liệt đất nền, biệt thự ma - Ảnh 2.

Khu đất 8,6ha xây biệt thự trên đất rẫy của Công ty Nam Sơn phải dừng thi công, bỏ hoang – Ảnh: TIẾN LONG

Cơn sốt chưa qua, đất “ma” xuất hiện

Các xã Lộc Tân, Lộc Quảng nằm gần quốc lộ 20 từng là nơi rầm rộ những “dự án” nghỉ dưỡng. Nơi này trước đây từng đoàn ôtô kéo về bất kể ngày nào trong tuần, nhưng nay những khu đất đã phân lô bị bỏ hoang như vùng đất “ma”.

Dọc tuyến đường liên thôn tại thôn 4, xã Lộc Tân (huyện Bảo Lâm), hàng loạt “dự án” được quây kín bằng vách tôn, khóa cổng im ỉm. Không hề có hơi thở của một khu dân cư hiện đại, đón đầu đường cao tốc Long Thành – Bảo Lộc như quảng cáo.

Khu đất được tự đặt tên là “dự án” Country Dream 2 ở đường nhựa ngang dọc xé vụn đồi chè. Vườn chè vẫn còn giữ để trang điểm cho khu đất trống này, nhưng đã rất lâu không ai chăm sóc.

Người phụ nữ sống cạnh “dự án” Country Dream 2 cho hay: “Bà con mua rồi thả đó, không thấy xây nhà cũng không thấy hái chè. Chừng năm nữa thì vườn chè kiệt sức”.

Đất được rào chắn thành từng lô nhỏ và bỏ hoang. Những con đường nhựa rộng nằm im ỉm không có người đi. Quan sát khu vực này nhiều năm, chúng tôi ghi nhận từ một khu vực rất đông cò đất, người “săn” đất tụ tập mỗi ngày vào năm 2020, giờ nơi đây vắng vẻ như nhiều năm trước đó. Những căn nhà mẫu trong các “dự án” cũng bị bỏ hoang.

Đây là những “dự án” được bán cho những người chờ đường cao tốc đi qua và sân bay Lộc Phát để đổi đời. Đến nay, đường cao tốc chưa khởi công (và khởi công ở hướng khác, không đi qua khu vực nói trên – PV) và sân bay Lộc Phát được xác nhận chỉ là “bánh vẽ”.

Ông Lê Văn Tuế, chủ tịch UBND xã Lộc Quảng (Bảo Lâm), nhìn nhận việc hiến đất mở đường ở hầu hết các dự án bất động sản không phép: không phải để làm vườn, sản xuất nông nghiệp mà để phục vụ mục đích riêng.

“Mặc dù tỉnh Lâm Đồng đã có văn bản điều chỉnh vấn đề này nhưng thực tế nó vẫn diễn ra và chúng tôi chỉ lo lắng về hệ lụy lâu dài – vùng trồng cà phê, vùng nông nghiệp trù phú sẽ dần biến mất” – ông nói.

 

Mảnh đất tách tư, băm vụn đất đai

9.000 là số thửa mới hình thành trong 4 năm tại TP Bảo Lộc. Theo đó, từ năm 2018 đến năm 2021, từ 3.873 thửa ban đầu đã hình thành 12.736 thửa, tức là “mảnh đất tách tư”, tác động đến hơn 1.200ha đất. Việc tách thửa rầm rộ diễn ra trong 3 năm từ 2019 đến 2021 và hình thành tại TP Bảo Lộc “điểm nóng” vi phạm.

Tại huyện Bảo Lâm có những dự án lậu với diện tích từ vài chục đến cả trăm hecta. Trong thời gian từ năm 2018 đến 2021, có 77 hồ sơ hiến đất làm đường với tổng diện tích hơn 155ha, trong đó tập trung nhiều ở các xã Lộc Quảng, Lộc Tân, Lộc Ngãi, Lộc An, Lộc Thắng…

Sau khi hiến đất làm đường, tổng số thửa mới hình thành hơn 16.000 thửa (trong 3 năm), trong đó năm 2019 có 3.760 thửa đất mới hình thành. Năm 2020 và 2021 bùng nổ tách thửa tại huyện Bảo Lâm, năm 2020 có 6.260 thửa mới và năm 2021 có hơn 6.883 thửa mới.

UBND huyện Bảo Lâm ghi nhận tại các khu vực tách thửa nhiều công trình nhà kiên cố và tiền chế đã hình thành, có trường hợp hình thành một lúc hơn 80 căn nhà (The Tropicana Garden 1, xã B’lá, huyện Bảo Lâm), có trường hợp hình thành các công trình lớn cùng diện tích san gạt hơn 100ha (dự án Sun Valley, xã Lộc Quảng, huyện Bảo Lâm).

Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ, diện tích hiến đất làm đường đa số thuộc các dự án bất động sản lậu (không có các giấy phép đầu tư dự án). Ngoài ra, diện tích đất hiến để làm đường ban đầu là vùng chè, cà phê, sau khi hiến đất tại các khu đất này hình thành các thửa nhỏ để kinh doanh, hoạt động nông nghiệp không diễn ra.

 

Không có lơ là “cho qua” thì sao phân lô, bán nền được?

Ngày 18-4, chuyện làm đường giao thông trái phép, xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp cũng “nóng” tại hội nghị lần thứ 9 của BCH Đảng bộ tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Bí thư Tỉnh ủy Bà Rịa – Vũng Tàu Phạm Viết Thanh nói nếu không có sự nhúng tay, lơ là, cho qua của bí thư, chủ tịch xã phường, cơ quan quản lý, kể cả chủ tịch huyện thì làm sao có chuyện phân lô bán nền được.

“Phải làm rõ trách nhiệm các đồng chí đứng đầu cấp ủy. Chỉ thị, nghị quyết có đủ rồi tại sao không làm được”, ông Thanh nói. Ông Thanh cũng nhấn mạnh vì uy tín trước Đảng, trách nhiệm trước nhân dân nên phải nghiêm trị, đồng thời phải tuyên truyền vận động vì quá nhiều bài học trong việc đất đai, tài nguyên mà mất cán bộ.

Cùng ngày, UBND TP Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) đã kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với chủ tịch xã Ea Kao Phan Văn Trường và phó chủ tịch xã này là ông Lê Hồng Thái vì để phân lô bán nền, xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp.

ĐÔNG HÀ – TRUNG TÂN

 

Hà Nội: rầm rộ phân lô trồng… cỏ dại

Ghi nhận của Tuổi Trẻ tại nhiều tỉnh, thành phố ở phía Bắc như Hà Nội, Bắc Giang, Vĩnh Phúc… cho thấy tình trạng đất của các cá nhân sau khi được tách thửa, phân lô phần lớn bỏ hoang phế, lãng phí.

Những khu vực mà phóng viên ghi nhận dù ở vị trí đẹp nhưng sau khi phân lô hầu hết đều có “kịch bản” tương tự không xây dựng nhà cửa mà chủ yếu được đầu cơ rồi trao tay, “lướt sóng” bán kiếm lời.

Kể từ đầu năm 2020 đến nay, người dân ở khu vực Bãi Dài (thuộc xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội) không khỏi ngỡ ngàng khi trên địa bàn liên tiếp xuất hiện “nhà đầu tư” về gom đất rồi tách thửa, phân lô ngay giữa làng quê. Có thửa đất chỉ rộng vài trăm mét vuông đến những thửa rộng 3.000 – 4.000m2 nhanh chóng được chia thành các lô nhỏ rộng vài chục mét để rao bán.

Người dân sinh sống hàng chục năm nay ở khu vực Bãi Dài cho biết tình trạng phân lô rầm rộ ngay giữa các thôn trên địa bàn xã Tiến Xuân diễn ra từ đầu năm 2020. Thời gian gần đây, để tránh bị “soi”, chủ đất thường chỉ để lại số điện thoại ở khu đất mà không quảng cáo rầm rộ như trước.

“Chủ có đất phân lô và khách đến giao dịch chủ yếu là người dân ở nội thành Hà Nội đi theo từng tốp ngã giá với nhau, hoàn toàn không có dân địa phương tham gia” ông Hảo (61 tuổi, xã Tiến Xuân) cho hay.

Dọc con đường liên xã khu vực Bãi Dài chỉ khoảng 1km nhưng cũng có đến gần 10 thửa đất được tách thửa, chia lô. Trong đó, có thửa được tách thành 108 lô đất rộng từ 60 – 100m2 không khác gì một dự án phân lô bán nền được cấp phép.

Những thửa đất đã được chia lô trên địa bàn xã Tiến Xuân phần lớn có nguồn gốc từ đất nông nghiệp, trồng cây lâu năm (có một phần đất ở).

Anh - QUANG THE

Sau phân lô là cho cỏ dại mọc (ở xã Bình Yên, Thạch Thất, Hà Nội) – Ảnh: Q.THẾ

Cũng trên địa bàn huyện Thạch Thất, chỉ cách Bãi Dài khoảng vài cây số, là thôn Sen Trì (xã Bình Yên) cũng có đến cả trăm miếng đất lớn nhỏ được phân lô từ nhiều năm nay. Bà Lê Thị Hương (57 tuổi, xã Bình Yên) cho biết khoảng hơn 10 năm trước vợ chồng bà dành dụm tiền mua một lô đất làm quà tặng cho con trai nhưng đến nay vẫn bỏ hoang.

“Con trai tôi cưới vợ ở riêng, nhưng đất vẫn để đó do gia đình chưa có nhu cầu xây dựng nhà cửa. Hai năm nay cháu rao bán hơn 10 triệu đồng/m2 mà chưa có người mua”, bà Hương nói.

Bà Hương cho biết không chỉ bà mà người dân ở thôn Sen Trì “choáng ngợp” vì chỉ trong thời gian dịch COVID-19 trên địa bàn thôn lại “xuất hiện” thêm cả trăm lô đất nền đang được rao bán rầm rộ.

Ghi nhận của Tuổi Trẻ cho thấy ngoài huyện Thạch Thất thì một số xã thuộc huyện Quốc Oai (Hà Nội) có những thửa đất phân lô từ hơn 10 năm trước đến nay vẫn bỏ hoang để cỏ dại bủa vây.

QUANG THẾ

 

Buôn làng quay cuồng với giá đất

Trong khi xu hướng chung là tích tụ đất nông nghiệp tạo nên những cánh đồng mẫu lớn để sản xuất, nuôi trồng quy mô tập trung thì tại nhiều tỉnh thành đất nông nghiệp đang bị chia năm xẻ bảy, băm nát manh mún để trở thành các loại hình bất động sản với các tên mỹ miều “đất vườn sinh thái”, “đất nghỉ dưỡng”. Thực trạng này đặt ra vấn đề có nên cho tách thửa đất nông nghiệp hay không?.

 

Nhà nhà làm “dự án” trên rẫy

7h sáng, khu Đồi Chuối thuộc tổ dân phố 7, phường Tân Lợi ở cao nguyên Buôn Ma Thuột (Đắc Lắk) thức tỉnh bởi tiếng xe chở đất san lấp qua lại inh ỏi.

Khu vực này xưa nay vốn là vườn rẫy của người dân tộc thiểu số trồng cà phê và điều, nay nhiều người đầu tư vào mua gom, tự ý san lấp đất, ủi đường, rải đá dăm để tạo lối đi rồi phân thành nhiều “sổ đỏ” (tối thiểu 500m2) để hợp thức việc phân lô. Dù ở đây toàn bộ là đất nông nghiệp nhưng bị xẻ nát, chia nhỏ, băm tươm.

Lúc chúng tôi đến, trên khu đồi, một số xe ủi đang ủi cây và san phẳng từng khoảng đất. Đồi cây xanh ươm bị san phẳng, trơ trọi sỏi đá. Mùi khói khét của cây rẫy bị đốt vẫn còn bốc lên xông thẳng vào mũi.

Trên những cụm rễ cây cà phê bị đốn còn sót lại chằng chịt bảng giấy “Bán đất tại đây”. Nhiều mảng tường nhà dân dọc hai bên đường nham nhở số điện thoại rao bán đất được sơn xanh, đỏ. Quang cảnh biến một vùng đất như trở thành “văn phòng giao dịch đất đai”.

Gần đó, bà Hồ Thị Phương (45 tuổi, giáo viên một trường cấp II tại TP Buôn Ma Thuột) mua thửa đất số 164 tờ bản đồ số 11 từ bà H’Lat Ênuôl (52 tuổi, trú xã Cư Êbur) với tổng diện tích gần 5 sào. Bà Phương sau đó đã tự ý san lấp mặt bằng, ủi đường, rải đá dăm.

Lúc 10h ngày 15-12-2021, UBND phường Tân Lợi phát hiện bà Phương tổ chức thi công, rải đá dăm trên đoạn đường dài 165m, rộng 6m (diện tích 990m2).

Bà Phương cũng đang thi công, rải đá dăm một đoạn đường khác dài 50m, rộng 5m (diện tích 300m2). Về việc tại sao bà Phương san ủi đất nhưng tên người bị xử phạt 13 triệu đồng lại là bà H’lat, ông Lê Anh Tuấn – chủ tịch UBND phường Tân Lợi – khẳng định hành vi vi phạm là của bà Phương nhưng trên sổ đỏ lúc này vẫn đứng tên bà H’lat do chưa sang tên.

Quyết định cũng buộc người vi phạm “sử dụng đất đúng mục đích, không phân lô bán nền”. Tuy nhiên, ông Tuấn thừa nhận việc xử phạt chỉ mới xử lý hành vi vi phạm về việc tự mở đường chứ chưa xử lý hành vi có dấu hiệu hủy hoại đất, làm biến dạng địa hình theo nghị định 91 của Chính phủ.

lam dong

Đồi chè ở xã Đamb’ri (TP Bảo Lộc, Lâm Đồng) đã bị xóa sổ để phân thành những lô đất nhỏ – Ảnh: M.VINH

Đâu đâu cũng bán đất rẫy

Sát khu Đồi Chuối là Buôn Dhă Prong (thôn 7, xã Cư Êbur, TP Buôn Ma Thuột) – quê nhà của cố nghệ sĩ Y Moan – cũng đang quay cuồng trong cơn sốt đất, phân lô bán nền. Hàng chục khu vực đã bị giới đầu cơ bao chiếm, tự ý mở đường, rải đá dăm để phân lô và rao bán với giá hơn 2 tỉ đồng/sào (1.000m2).

Một khu đất cách nhà cố nghệ sĩ nhân dân Y Moan tầm 1km đã được giới đầu cơ hình thành “khu dân cư” tự phát, có view (tiếp giáp) hồ, view ruộng rất bài bản. Đường bêtông rộng 6-8m, dài hàng trăm mét nối từ đường hiện hữu cắt ngang qua rẫy, dẫn đến khu “đất view”.

Thêm một đoạn đường dài hàng trăm mét đã được lu nền, rải đá cấp phối, nhiều bi, cống thoát nước đã được chuẩn bị để thi công như công trình nhà nước. Một hàng rào tôn kẽm được dựng lên để che đi khu vực đồi đang được san ủi, tạo mặt bằng hướng ra hồ, ruộng lúa.

Một “cò” đất xưng thuộc Công ty bất động sản H.T. cho hay: “Chỗ này đang rất sốt, phía trên đã phân lô, bán sạch rồi. Khu đất view đẹp rất hiếm, tụi em đã san gạt bằng phẳng rồi. Đất đây chưa có thổ cư, phải đợi hợp thức hóa sau này, nhưng không mua là hết”, người này chắc chắn.

Gần khu view hồ này, một khu đất rộng được xây bao tường rào, làm nhà lục giác. Một tuyến đường băng qua rẫy cà phê, dài khoảng 300m được đổ đá cấp phối, nối thẳng vào khu đất này nhưng đã bị phát hiện, cày phá.

Ai cũng làm “cò” đất

H’Minh – một người trú tại Buôn Dhă Prong – cho biết gần 2 năm nay khắp buôn làng đâu đâu cũng bán đất rẫy, đâu đâu cũng “cò đất”. Giá đất có nơi lên hơn 2 tỉ đồng/sào nên người dân bán hết cho giới đầu cơ, các công ty bất động sản để phân lô. Nhận tiền người dân làm nhà, mua sắm chứ không nghĩ đến mua đất ở khu vực khác hay chuyển đổi nghề.

“Mình hiểu rõ nơi nào có rẫy muốn bán nên có khách cũng dẫn đi môi giới, kiếm thêm. Giờ cả buôn quay cuồng trong các cuộc bàn tán về giá đất, view đẹp”, H’Minh cho hay.

MAI VINH – TIẾN LONG – TRUNG TÂN
TTO