Vì sao ngân hàng càng lãi ‘khủng’, giá cổ phiếu càng lao dốc?
Vì sao ngân hàng càng lãi ‘khủng’, giá cổ phiếu càng lao dốc?
Tăng trưởng mạnh mẽ, lợi nhuận tốt nhất trên sàn chứng khoán, song giá cổ phiếu ngân hàng vốn được mệnh danh “cổ phiếu vua” càng lao dốc thê thảm, khiến nhiều cổ đông thua lỗ.
Đua nhau báo lãi khủng
Tại Đại hội đồng cổ đông của Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) vừa diễn ra, ông Từ Tiến Phát, Tổng giám đốc, cho biết trong quý 1/2022, lợi nhuận hợp nhất của ACB khoảng 4.200 tỉ đồng, tăng 35% so với cùng kỳ. Điển hình, tín dụng tăng 5,2% so với đầu năm, huy động tăng 1,6%. Tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) đạt 27%.
Mới đây, Trung tâm Nghiên cứu của SSI (SSI Research), dự báo có 12/13 ngân hàng có kết quả lợi nhuận tăng trưởng dương bao gồm: ACB, BIDV, HDBank, MB, MSB, Sacombank, Techcombank, TPBank, Vietcombank, VIB, VPBank, SHB.
Techcombank có cú rơi khá mạnh khiến nhiều cổ đông thua lỗ, lo sợ TIÊU PHONG |
Một số ngân hàng khác có mức tăng khá như Techcombank đạt 6.500 – 6.700 tỉ đồng, tăng 18 – 21% so với cùng kỳ nhờ tăng trưởng tín dụng mạnh mẽ và chi phí tín dụng giảm. MB đạt khoảng 5.500 tỉ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng khoảng 10 – 11% so với đầu năm. BIDV cũng đạt mức tăng trưởng lợi nhuận 4.200 tỉ đồng, tăng 23,7%.
“Anh cả” của hệ thống là Vietcombank có lợi nhuận trước thuế ước tính đạt 9.500 -10.000 tỉ đồng, tăng 10 – 16% so với cùng kỳ năm 2021. Nguyên nhân là tăng trưởng tín dụng của Vietcombank duy trì mạnh mẽ trong quý (tăng 6%-7%).
Ông Phạm Lưu Hưng, Phó giám đốc Trung tâm SSI Research, cho biết tăng trưởng tín dụng trong quý 1 cao so với cùng kỳ năm 2021 do các ngân hàng đều duy trì được biên lợi nhuận ổn định cũng như xử lý nợ xấu diễn ra khá tốt. Theo ước tính của SSI, tăng trưởng lợi nhuận quý 1 có thể đạt 26%, đây là con số tượng đối cao.
Năm nay, có 2 ngân hàng đột biến lợi nhuận. SHB dự báo đạt 3.200 tỉ đồng tăng 92% so với cùng kỳ nhờ tăng trưởng tín dụng 5% so với đầu năm, và tăng trưởng tiền gửi 2,5% so với đầu năm. Tỷ lệ nợ xấu ở mức 1,5% trong khi NIM ước tính ổn định.
Đáng chú ý nhất là VPBank đã vượt qua Vietcombank trở thành ngân hàng có lợi nhuận cao nhất hệ thống. Một nguồn tin từ lãnh đạo VPBank cho biết, lợi nhuận hợp nhất trước thuế quý 1/2022 của ngân hàng tăng rất mạnh, có thể đạt hơn 11.000 tỉ đồng, tăng gần gấp 3 lần cùng kỳ năm ngoái (4.000 tỉ đồng). Sự tăng trưởng lợi nhuận này đến từ hoạt động kinh doanh cốt lõi lẫn khoản thu nhập bất thường.
Đây là là mức lợi nhuận cao kỷ lục mà một ngân hàng nói chung và VPBank nói riêng đạt được trong vòng một quý. Với kết quả này, khả năng lợi nhuận cả năm của VPBank sẽ có sự bứt phá rất mạnh, đứng trong nhóm ngân hàng có lợi nhuận cao nhất thị trường năm nay.
“Pha loãng”, nợ xấu và tin đồn
Trái với sự thăng hoa về lợi nhuận, giá cổ phiếu ngân hàng lại lao dốc không phanh. Thống kê cho thấy, trong tuần qua cổ phiếu của ABB giảm 7,59%, tiếp đến là TPB giảm 7,09%, HDB giảm 6,9%, TCB giảm 6,65%, BID giảm 6,21%, MBB giảm 5,42%, EIB giảm 5,13%, BVB giảm 5,1%, PGB giảm 4,85%, MSB giảm 4,48%, VAB giảm 4,29%. Đó là 11 cổ phiếu ngân hàng giảm mạnh nhất.
Cổ đông Techcombank (mã TCB) có lẽ đang là những người lo lắng hơn cả khi cuối tuần qua giá bị “gãy” ngưỡng hỗ trợ trung hạn quanh mốc 47.000 đồng. Đây là giá đã 3 lần nâng đỡ cổ phiếu này trong suốt 10 tháng trở lại đây.
“Tôi mua TCB hơn 50.000 đồng/cổ phiếu với kỳ vọng lợi nhuận, tăng trưởng tốt cũng đột biến về bán lẻ. Thế nhưng chưa đầy 2 tuần đã lỗ hơn 10%. Giá lại thủng hết cả các ngưỡng hỗ trợ dài hạn thì không biết còn rơi về đâu nữa”, một cổ đông của nhà băng này chia sẻ.
Vốn hóa lớn, phát hành quá nhiều cổ phiếu để tăng vốn khiến cổ phiếu ngân hàng bị “pha loãng” quá mức
NGỌC THẮNG
|
Dù kết quả hoạt động kinh doanh tăng trưởng đột biến, song nghịch lý với SHB là giá cổ phiếu này cũng liên tục lao dốc. Cụ thể, giá cổ phiếu SHB giảm từ mức hơn 25.400 đồng vào cuối năm 2021 xuống còn 19.450 đồng phiên giao dịch cuối tuần qua (15.4), tương đương mức giảm hơn 23,4%. Đặc biệt, sau vụ việc tại Tân Hoàng Minh cùng tin đồn thất thiệt xuất hiện, cổ phiếu SHB giảm liên tục kể từ ngày 4.4 (mức giảm lên tới gần 13%).
Cổ phiếu HDB gắn với tên tuổi của của tỉ phú Nguyễn Thị Phương Thảo VietJet Air cũng mất hơn 3,6% trong phiên giao dịch cuối tuần qua. Trong vòng 2 tuần trở lại đây, HDB giảm trên 10% và đang có mức giá 26.300 đồng/cổ phiếu.
Nguyên nhân khiến cổ phiếu ngân hàng giảm mạnh, ngoài xu hướng chung của thị trường còn xuất phát từ những lo lắng của các nhà đầu tư kéo dài từ tuần trước. Lo lắng từ chính sách giám sát chặt dòng vốn vào bất động sản, cộng với việc rà soát hoạt động phát hành trái phiếu, giao dịch, bảo lãnh phát hành trái phiếu bất động sản. Cùng với những tin đồn bắt bớ ông chủ ngân hàng lan khắp thị trường khiến các cổ đông càng sợ hãi hơn, và để phòng tránh rủi ro họ cũng phải “nhanh tay” bán trước.
Nợ xấu bởi Covid-19, lãi suất tăng lên trong thời gian tới cũng tác động tiêu cực tới nhóm này. Ngoài ra, cổ phiếu ngân hàng được cho là nhóm có vốn hóa lớn nhất trên thị trường chứng khoán. Các ngân hàng ồ ạt phát hành tăng vốn điều lệ thông qua chia thưởng cổ tức bằng cổ phiếu, phát hành thêm… khiến áp lực “pha loãng” quá lớn.
Trong khi đó, dòng tiền “rẻ” sau 1 năm bùng nổ bởi Covid-19 từ các gói kích thích, lãi suất thấp đã không còn. Dòng tiền lớn rút ra đầu tư vào sản xuất kinh doanh. Đây chính là nguyên nhân khiến thanh khoản toàn thị trường sụt giảm, đương nhiên nhóm cổ phiếu ngân hàng chịu ảnh hưởng đầu tiên.
Theo các chuyên gia, với cổ phiếu ngân hàng việc đầu tư lướt sóng trong giai đoạn hiện nay tiềm ẩn nhiều rủi ro, thậm chí nhiều cổ đông trong 1 tháng trở lại đây gánh chịu thiệt hại, thua lỗ lớn. Với cổ phiếu này thì chỉ nên đầu tư để nắm giữ dài hạn sẽ thích hợp hơn.
TIÊU PHONG
TNO