24/01/2025

Giả danh giải cứu đặc sản

Giả danh giải cứu đặc sản

Nhiều loại đặc sản như tỏi Lý Sơn, hành tím Vĩnh Châu, rau củ Đà Lạt… được rao bán nhan nhản với đủ mức giá, trong đó nhiều loại lập lờ nguồn gốc, xuất xứ để ăn theo.

 

Giả danh giải cứu đặc sản - Ảnh 1.

Nông dân Lý Sơn mất mùa tỏi – Ảnh: TRẦN MAI

Ngay trong vụ tỏi Lý Sơn mất mùa không đủ hàng bán, nhiều tài khoản Facebook vẫn quảng cáo mua “giải cứu” nông dân.

 

Hoa mắt với ma trận hành tỏi

Trước Tết, chị Nguyễn Trang (quận Phú Nhuận, TP.HCM) đặt mua 2kg tỏi cô đơn Lý Sơn trên một trang Facebook sau khi nhìn thấy quảng cáo “Giải cứu #tỏi_cô_đơn Lý Sơn giúp bà con nông dân chỉ với giá 299.000 đồng/kg”.

“Khi đó tôi vội mua nhiều thực phẩm cho Tết, cùng với lý do dịch bệnh rất nhiều nông sản bị ùn ứ nên tin tưởng. Sau đó một người bạn cho tôi biết tỏi Lý Sơn không đủ mà bán, lấy đâu mà giải cứu nên bán tín bán nghi”, chị Trang kể.

Không ngờ từ đó đến nay cứ mở Facebook là chị Trang thấy quảng cáo bán giải cứu tỏi cô đơn Lý Sơn. Không chỉ một mà có nhiều nơi quảng cáo như vậy.

Để kiểm tra lại thông tin, ngày 9-4 chị Trang vào một trang quảng cáo có tên “Chợ Nông Sản” thì được người bán cam kết tỏi Lý Sơn chính hãng, giao hàng vào TP.HCM sau 2 – 3 ngày. Kèm theo đó là hình ảnh một tờ giấy chứng nhận VietGAP với dòng chữ mờ không đọc được nội dung.

Hay một trang khác có tên “HTX Nông Sản Việt” cũng đăng quảng cáo “Tỏi cô đơn Lý Sơn – Giải cứu giúp nông dân Quảng Ngãi mùa khó khăn” với giá 180.000 đồng/500g và 290.000 đồng/kg.

Còn ở trên các sàn thương mại điện tử, giá tỏi Lý Sơn chênh lệch đến khó tin. Trong đó, nhiều tài khoản quảng cáo “tỏi Lý Sơn – đặc sản Quảng Ngãi” với giá 55.000 – 70.000 đồng/kg.

Qua liên hệ, một người bán cho biết được mùa nên hạ giá còn 65.000 đồng/kg. “Khách cần bao nhiêu có bấy nhiêu, tỏi cô đơn Lý Sơn cũng 400.000 – 500.000 đồng/kg và hàng dồi dào”, người bán khẳng định.

Trong khi đó, cửa hàng Vua tỏi Lý Sơn (quận Bình Thạnh) đang bán 3 loại với tỏi Lý Sơn nhiều tép giá 160.000 đồng/kg, loại ít tép giá 210.000 đồng/kg, và tỏi cô đơn giá 1,5 triệu đồng/kg. Cửa hàng này cho biết do năm nay mất mùa nên mức giá trên đã tăng nhiều so với mọi năm.

“Các năm trước tỏi loại 2, loại 3 không dưới 100.000 đồng/kg, không thể có giá 60.000 – 70.000 đồng/kg tỏi Lý Sơn được, tỏi cô đơn Lý Sơn giá càng cao vì hiếm”, đại diện cửa hàng khẳng định.

Tương tự, đặc sản hành tím Vĩnh Châu (Sóc Trăng) hiện được bán khá nhiều với đủ loại giá trên nhiều trang mạng chỉ 10.000 – 15.000 đồng/kg đến 30.000 – 40.000 đồng/kg.

Bà Nguyễn Bích Nga – chủ một quầy rau củ chuyên bán sỉ tại chợ Bà Chiểu (quận Bình Thạnh) – cho biết giá hành tím Vĩnh Châu đang ở mức 30.000 – 45.000 đồng/kg tùy loại, trong khi hành nhập khẩu từ 10.000 – 25.000 đồng/kg.

“Tuy nhiên, lượng hàng Vĩnh Châu không nhiều như hàng nhập nên có trường hợp người ta mua hành Ấn Độ nhưng nói là hành Vĩnh Châu để móc túi người tiêu dùng”, bà Nga cho hay.

Giả danh giải cứu đặc sản - Ảnh 2.

Quảng cáo “giải cứu” tỏi Lý Sơn tràn lan trên mạng – Ảnh chụp màn hình

Không đủ bán lấy đâu mà giải cứu

Ông Triệu Chỉnh Hên – chủ cơ sở thu mua hành tím Văn Thành (Sóc Trăng) – cho biết giá thành sản xuất hành tím Vĩnh Châu trên dưới 10.000 đồng/kg. Giá hành tím tăng nhanh thời gian qua với mức mua vào hiện là 20.000 – 28.000 đồng/kg tùy loại. Do đó, nếu hành có giá bán quá rẻ có thể là hàng của Ấn Độ, Trung Quốc, Thái Lan…

“Hành Ấn Độ với nhiều thời điểm các đầu mối bán sỉ chỉ trên dưới 5.000 đồng/kg. Do đó, không ít trường hợp hành nhập khẩu đội lốt hành Vĩnh Châu để móc túi người dân, thậm chí kêu gọi giải cứu”, ông Hên khẳng định.

Cũng chính vì bị “giả xuất xứ” nhiều lần hành tím Vĩnh Châu có thời điểm bị kéo giá xuống mức rất thấp dẫn đến thua lỗ.

“Nhà nước cần có chính sách chống hàng nhái, giả, bảo hộ tốt hơn như việc hạn chế cho nhập hành tím giống như các nước đã làm để bảo vệ nông sản của họ”, ông Hên cho biết.

Việc giải cứu tỏi cô đơn Lý Sơn khiến người dân và chính quyền huyện đảo bức xúc. Bởi thực tế năm nay thời tiết xấu, vụ tỏi mất mùa thê thảm.

Bà Trần Thị Nhân (thôn Đông An Vĩnh, huyện Lý Sơn) cho biết do ảnh hưởng của thời tiết đầu vụ và cuối vụ, cây tỏi kém phát triển, phần lớn diện tích tỏi héo rũ, thân cây còi cọc, chết dần… “Đây là vụ tỏi thảm hại, không có tỏi thường để bán, tỏi cô đơn càng không có nhiều lấy đâu ra mà giải cứu”, bà Nhân nói.

Ông Phạm Văn Công – giám đốc Công ty cổ phần Dori (Lý Sơn) – đang rất lo lắng không đủ tỏi cung ứng cho đối tác do năm nay sản lượng tỏi giảm, kích cỡ và ngoại hình xấu. “Giá tỏi thô tại nhà dân trên đảo Lý Sơn chưa sơ chế đã là 100.000 – 120.000 đồng/kg loại thường và 1 – 1,1 triệu đồng/kg tỏi cô đơn. Giải cứu tỏi cô đơn Lý Sơn là tin thất thiệt gây nhiễu loạn thị trường”, ông Công nói thêm.

Theo chính quyền huyện Lý Sơn, vụ tỏi 2021 – 2022 nông dân huyện đảo Lý Sơn trồng hơn 320ha, năng suất, sản lượng tỏi thu hoạch giảm nhiều nhất trong vòng 5 năm trở lại đây.

“Bình thường mỗi năm Lý Sơn thu được khoảng 2.400 tấn (tỏi cô đơn chỉ khoảng 1 tấn) thì năm nay sản lượng chỉ đạt 1/3. Vì du lịch đã mở cửa trở lại nên người dân chưa xuất bán tỏi thường và tỏi cô đơn số lượng lớn vì còn để bán cho du khách, lấy đâu ra tỏi ùn ứ mà giải cứu”, ông Đặng Tấn Thành – phó chủ tịch UBND huyện Lý Sơn – nói.

 

Nhiều lần giải cứu giả

Theo UBND huyện Lý Sơn, năm 2021 vì dịch bệnh, việc vận chuyển hàng hóa từ đảo vào đất liền gặp khó khăn, huyện có văn bản gửi đến các cơ quan chức năng hỗ trợ tiêu thụ tỏi cho người dân. Còn những lần “giải cứu” khác là tung tin giả.

Như năm 2015, một người đã bày tỏi Lý Sơn ra hè phố Hà Nội kêu gọi giải cứu.

Năm 2017, một số trang Facebook kêu gọi giải cứu.

Năm 2018, một CEO start-up lên chương trình Thương vụ bạc tỉ “chém gió” về tỏi Lý Sơn.

Năm 2020, một chủ tài khoản Facebook có lượt theo dõi lớn cũng đưa thông tin sai sự thật về tỏi Lý Sơn và bị phạt.

 

Rau quả Trung Quốc giá rẻ vẫn ngập tràn

Trong khi nông sản Việt Nam xuất qua Trung Quốc rất khó khăn vì COVID-19 thì nông sản nước này vẫn rất phổ biến tại Việt Nam, đặc biệt các mặt hàng thế mạnh như khoai tây, cà rốt, hành tây, trái cây…

Cà rốt, khoai tây, hành tây của Trung Quốc thường thấp hơn 7.000 – 10.000 đồng/kg so với hàng Đà Lạt nên các loại rau củ này thường được người bán “hô biến” thành hàng Đà Lạt.

Theo chợ đầu mối Hóc Môn (TP.HCM), hiện có gần chục loại rau trái Trung Quốc về thường xuyên, và giá bán ra tại chợ thường thấp hơn 20 – 50% so với hàng cùng loại các nước. Ngoài ra, một số loại trái cây Trung Quốc có giá rẻ hơn rất nhiều so với sản phẩm ngoại nhập các nước khác như nho đỏ 70.000 đồng/kg; lê và táo 30.000 – 40.000 đồng/kg; quýt 25.000 đồng/kg.

Nhiều người bán cho biết nho và táo là 2 mặt hàng trái cây Trung Quốc được người bán “đội lốt” thành hàng Mỹ, Úc… nhiều nhất do ngoại hình tương đối giống.

TRẦN MAI – NGUYỄN TRÍ
TTO