24/01/2025

Con bị ‘sốc’ khi chuyển từ học trực tuyến qua trực tiếp

Con bị ‘sốc’ khi chuyển từ học trực tuyến qua trực tiếp

Học trực tuyến kéo dài, cuộc sống có lắm xáo trộn, khó khăn khiến nhiều học sinh rơi vào trạng thái âu lo, buồn chán. Nếu không được chia sẻ, hỗ trợ kịp thời thì có thể dẫn đến những hệ lụy khó lường về tâm sinh lý.

 

 

Đây là chia sẻ của thạc sĩ Đỗ Đình Đảo, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Hữu Thọ (Q.4, TP.HCM), khi đề cập đến những nguy cơ tiềm ẩn về đời sống tâm lý của học sinh trong thời gian vừa qua.

 

Tỏ ra sợ hãi khi đến trường

Chị Nguyễn Thị Thiên Nga (ngụ P.7, Q.Gò Vấp, TP.HCM) cho biết chị có 2 con học lớp 6 tại Trường THCS Quang Trung (Q.Gò Vấp).

Con bị 'sốc' khi chuyển từ học trực tuyến qua trực tiếp - ảnh 1
Học trực tuyến kéo dài gây căng thẳng về mặt tâm lý cho học sinh  GIANG PHƯƠNG

 

Sau tết, khi học sinh (HS) lớp 6 được đi học trở lại sau hơn một học kỳ học trực tuyến tại nhà, 2 con gái sinh đôi cùng học một lớp nhưng khi đi học lại được 1 – 2 bữa thì cô chị nhất quyết không chịu đến trường nữa. Dành thời gian chở con đi chơi riêng, mẹ con tâm sự với nhau, cô bé mới cho biết là có cảm giác hoang mang, lo lắng khi không theo kịp bài học, bị “sốc” vì chuyển đổi từ việc học trực tuyến qua trực tiếp. Cũng thời gian đó, khi vừa đi học lại là các con bước vào đợt kiểm tra học kỳ 1. Điều này đã khiến cô bé gặp áp lực, lo lắng vì sợ điểm kém, không làm được bài.

Dù đã được mẹ an ủi, nhưng trong tuần đầu tiên trở lại trường, cô bé 2 lần không chịu đi học. Một tuần sau đó, khi được mẹ động viên, bé mới chịu đến trường.

Bài kiểm tra học kỳ 1 sau đó, chị Nga cho biết khi nhà trường báo điểm về, chị cũng rất lo vì điểm của con rất thấp. Dù vậy, hiểu được tâm lý của con, chị cố tình “lơ” và động viên con không quá đặt nặng điểm số để có thể ổn định tâm lý cho việc đi học trở lại.

“Con đi học thì gặp rất nhiều vấn đề, từ chuyện học hành đến mối quan hệ với bạn bè, nhiều khi con bị bạn này bạn kia ghét, chê hay bị giáo viên phê bình cũng có thể khiến trẻ gặp khó khăn. Đặc biệt ở lứa tuổi “ô mai”, tâm tính của con cũng thay đổi nhiều. Điều mình có thể giúp con chính là lắng nghe, không quát mắng hay đặt áp lực điểm số. Thay vào đó dành thời gian chia sẻ, động viên để bản thân con có thể vượt qua, giải quyết được vấn đề”, chị Nga chia sẻ.

Còn T.M.L, HS lớp 12 Trường THPT Nguyễn Hữu Thọ (Q.4, TP.HCM), nghẹn ngào kể lại tâm trạng trong những ngày ngừng đến trường, ở nhà học trực tuyến: “Em thuộc týp người hướng nội, thêm vào đó lại học trực tuyến, thời gian ở nhà quá dài nên em lại càng ít có dịp tiếp xúc, giao lưu, chia sẻ với bạn bè. Nhiều khi có thắc mắc, lo lắng, em muốn tâm sự nhưng mọi người trong gia đình cũng bận bịu và lo lắng nhiều vấn đề khác. Bạn bè thì không được gặp, suốt ngày luẩn quẩn trong phòng, nhiều lúc em muốn bỏ học luôn”.

Thầy Đỗ Đình Đảo cho biết trường này có một HS lớp 10, hết thời gian học trực tuyến, quay trở lại trường học trực tiếp thì một thời gian ngắn sau phải bảo lưu kết quả học tập. Theo phụ huynh HS, gia đình cứ nghĩ rằng việc học trực tuyến ở nhà là bình thường, các cháu không phải lo nghĩ gì, chỉ cần chuyên tâm vào việc học. Gia đình bận lo công việc nên cũng không chú ý đến những thay đổi tâm lý. Sau một thời gian, HS này tỏ ra không thích học nữa và có dấu hiệu mệt mỏi. Khi quay trở lại trường học trực tiếp, em không thể hòa nhập được và tỏ ra sợ hãi khi đến trường. Do đó, gia đình phải xin bảo lưu kết quả học tập để có những hỗ trợ tâm lý phù hợp.

 

Đi học là có áp lực

Áp lực điểm số, kết quả học hành, áp lực trước mỗi đợt thi, và thỉnh thoảng có những mâu thuẫn bạn bè, thầy cô… cũng khiến HS mệt mỏi. Đó là chia sẻ của Thiện Nhân, HS Trường THPT Marie Curie (Q.3, TP.HCM) khi nói về những áp lực HS có thể gặp phải.

Thiện Nhân cho rằng mỗi HS khi đi học đều sẽ có những áp lực riêng, và nó như một phần của cuộc sống. “Ám ảnh” lớn nhất của nam sinh này chính là mỗi đợt kiểm tra giữa kỳ, cuối kỳ.

“Ai cũng phải nỗ lực để có kết quả tốt nhất trong học tập, đặc biệt mỗi đợt kiểm tra. Thường tụi em kiểm tra liên tục cả chục môn trong nhiều ngày liên tiếp”, Nhân cho hay.

Dù cha mẹ không đặt quá nhiều mục tiêu nhưng theo Thiện Nhân thì khi đi học, tự mỗi HS đã có áp lực riêng, khách quan từ việc học và cuộc sống hằng ngày. Thiện Nhân cho biết, những áp lực nếu ở trong giới hạn “chịu đựng được” thì sẽ tự cố gắng giải quyết, vượt qua. Ví dụ, khi gặp áp lực trong học hành, nam sinh sẽ điều tiết thời gian, cố gắng học đều các môn để không chịu cảnh “nước đến chân mới nhảy”.

Ngoài ra, Thiện Nhân cũng học cách chấp nhận, ví dụ có thể có những môn học, những bài kiểm tra không đạt kết quả như bản thân mong đợi, cậu cũng học cách chấp nhận và cố gắng hơn vào những lần sau.

Việc đi học, thỉnh thoảng HS cũng sẽ có những xung đột với bạn bè, bất đồng ý kiến với bạn thân… Thậm chí một số bạn có thể không “được lòng” hầu hết bạn bè trong lớp. Do vậy Thiện Nhân cho rằng việc giao tiếp, hòa đồng với bạn bè, thầy cô cũng cần thiết. Việc đi học vì thế cũng sẽ nhẹ nhàng, vui vẻ hơn.

NGUYỄN LOAN – BÍCH THANH

TNO