23/12/2024

Tuyển sinh ĐH 2022: Khó lọc ảo chung các phương thức

Tuyển sinh ĐH 2022: Khó lọc ảo chung các phương thức

Năm nay, Bộ GD-ĐT dự kiến sẽ lọc ảo chung tất cả phương thức xét tuyển đại học. Tuy nhiên, các trường cho rằng việc này rất khó thực hiện và cũng không thể lọc ảo hết được.

 

 

Tuyển sinh ĐH 2022: Khó lọc ảo chung các phương thức - Ảnh 1.

Thí sinh, phụ huynh tham dự Ngày hội tư vấn tuyển sinh – hướng nghiệp 2022 do báo Tuổi Trẻ tổ chức tại TP Cần Thơ vào ngày 20-3 – Ảnh: Q.ĐỊNH

Theo bà Nguyễn Thu Thủy, vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD-ĐT), mùa tuyển sinh năm 2022 trường sử dụng các phương thức xét tuyển khác điểm thi tốt nghiệp THPT, nếu chỉ xét học bạ thì có thể sử dụng hệ thống đăng ký xét tuyển của Bộ GD-ĐT.

Sau thời gian thí sinh đăng ký nguyện vọng sẽ tải nguyện vọng và điểm học bạ của thí sinh về để xét, tải danh sách trúng tuyển lên hệ thống của Bộ GD-ĐT để lọc ảo cùng với các phương thức khác.

Nếu xét bằng phương thức khác học bạ, hoặc dựa trên học bạ nhưng phức tạp hơn, cần một hệ thống riêng thì phải thông báo rõ cho thí sinh để đăng ký, nộp hồ sơ xét tuyển cho trường đồng thời đăng ký nguyện vọng trên hệ thống của Bộ GD-ĐT. Các trường có thể chạy phần mềm xét tuyển trước nhưng sẽ tải danh sách trúng tuyển lên hệ thống của Bộ GD-ĐT để lọc ảo cùng với các phương thức khác.

 

Trúng tuyển ảo do đâu?

Lý giải về tình trạng trúng tuyển ảo, theo TS Nguyễn Đức Nghĩa – nguyên phó giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM, là do các trường có nhiều phương thức xét tuyển độc lập với nhau. Các trường muốn tuyển đạt chỉ tiêu nên đưa ra nhiều phương thức, trong khi thí sinh cũng muốn trúng tuyển ở tất cả các phương thức mình chọn.

Để giảm thiểu tác động của trúng tuyển ảo, trung bình các trường ĐH phía Nam đã gọi trúng tuyển 175% chỉ tiêu theo phương thức xét điểm thi tốt nghiệp. Ở phương thức xét học bạ, có trường gọi 300% chỉ tiêu nhưng chỉ có 10% thí sinh nhập học.

Các phương thức xét tuyển khác có kết quả trúng tuyển trước xét bằng điểm thi. Do đó, các trường buộc thí sinh đã trúng tuyển các phương thức khác phải xác nhận nhập học bằng cách nộp giấy chứng nhận kết quả thi tốt nghiệp THPT bản chính trước khi xét tuyển phương thức điểm thi tốt nghiệp. Thí sinh đã xác nhận nhập học sẽ không được xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp nữa do đã bị loại khỏi dữ liệu xét tuyển.

Ông Nguyễn Đức Nghĩa nhận định: “Khó có thể đăng ký xét tuyển tất cả phương thức trên cùng một hệ thống và lọc ảo chung tất cả các phương thức xét tuyển trong năm nay. Bởi việc xét tuyển của các trường đại học hiện rất đa dạng với hơn 20 phương thức. Mỗi phương thức có thời gian xét tuyển, tiêu chí và điều kiện ở mỗi trường khác nhau nên phần mềm khó đáp ứng được. Hiện khá nhiều trường đã xét học bạ, có kế hoạch gọi trúng tuyển đối với thí sinh đã tốt nghiệp THPT. Kỳ thi đánh giá năng lực đợt 1 năm 2022 của ĐH Quốc gia TP.HCM vừa diễn ra với hơn 79.000 thí sinh dự thi và đã có khoảng 300.000 nguyện vọng xét tuyển đã được thí sinh đăng ký. Nếu quy định đăng ký xét tuyển trên cùng một hệ thống của bộ thì liệu thí sinh có phải “xóa bài làm lại””.

 

Gây khó cho trường và thí sinh

PGS.TS Đỗ Văn Dũng – nguyên hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM – cho rằng luật cho phép trường tuyển nhiều đợt với nhiều hình thức. Những năm gần đây, các trường đã tuyển sinh đồng thời theo nhiều phương thức khác nhau. Có trường tuyển 7 – 8 phương thức đa dạng hình thức thi, xét tuyển hoặc kết hợp thi và xét tuyển…

“Các phương thức xét tuyển khác nhau thường có tỉ lệ nhập học khác nhau và phụ thuộc vào loại trường THPT. Ví dụ học sinh trường chuyên chúng tôi gọi đúng chỉ tiêu thì các em chỉ vào được 30%, với xét học bạ thì số thí sinh nhập học so với số trúng tuyển cũng rất thấp. Đó là chưa kể số thí sinh trúng tuyển đại học nhưng lại chọn học cao đẳng, trung cấp, đi du học… nên không ai có thể nắm chính xác hết được số liệu. Riêng đối với xét tuyển bằng kết quả thi THPT, có trường để đạt tỉ lệ nhập học 98% thì phải gọi đến 200%. Do đó, phương án Bộ GD-ĐT đưa ra cũng không thể lọc ảo hết được” – ông Dũng khẳng định.

TS Lâm Thành Hiển – hiệu trưởng Trường ĐH Lạc Hồng – cũng cho rằng không nên vì lý do lọc ảo mà Bộ GD-ĐT làm như vậy để “tước đoạt” quyền tự chủ của các trường và cả thí sinh. Đề án tuyển sinh đã được trường xây dựng dự kiến với thời gian xét tuyển khác nhau theo các phương thức khác nhau. Bên cạnh đó, các trường đang hướng đến tự chủ tuyển sinh để tránh lệ thuộc nhiều vào kỳ tốt nghiệp THPT và tuyển được người học đáp ứng đúng nhu cầu đào tạo theo định hướng của từng trường. Nay với việc lọc ảo lại tiếp tục gây khó cho các trường trong việc chủ động tuyển sinh.

 

Thí sinh lo lắng

Nhiều thí sinh dự thi đánh giá năng lực ĐH Quốc gia TP.HCM đợt 1 vừa qua lo lắng vì không biết kết quả kỳ thi được sử dụng thế nào với những quy định mới trong xét tuyển của Bộ GD-ĐT.

“Vừa qua, tôi đã đăng ký 15 nguyện vọng bằng kết quả thi đánh giá năng lực vào các trường thuộc ĐH Quốc gia TP.HCM. Dự kiến kết quả xét tuyển phương thức này sẽ được công bố trước ngày 5-6. Thi xong tôi rất hy vọng được trúng tuyển sớm bằng phương thức này nhưng nghe bảo sẽ có quy định mới trong xét tuyển nên tôi rất hoang mang” – bạn Trần Thùy Trang, thí sinh ở quận Gò Vấp (TP.HCM), chia sẻ.

TS Võ Văn Tuấn (phó hiệu trưởng thường trực Trường ĐH Văn Lang)

Chưa nên quy định

Năm nay, Bộ GD-ĐT không thông tin sớm nên trường chúng tôi nhận hồ sơ xét học bạ đợt 1 từ ngày 1-3 đến 30-4. Nay bộ yêu cầu phải chạy lọc ảo chung tất cả phương thức, trong đó có xét học bạ, trường chưa biết phải làm sao. Thí sinh lớp 12 năm nay suốt ba năm học THPT gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng dịch COVID-19. Do vậy không nên thay đổi nhiều trong phương thức xét tuyển, gây hoang mang cho các em.

Năm nay, bộ chưa có quy định sớm thì việc lọc ảo chung không khả thi và hiệu quả. Đã vậy mỗi phương thức xét tuyển có nhiều tiêu chí và phương án khác nhau nên không thể lọc ảo chung cho các phương thức. Theo tôi, bộ chưa nên quy định lọc ảo chung cho tất cả các phương thức trong đợt 1 năm nay nếu chưa có sự chuẩn bị kỹ.

TRẦN HUỲNH
TTO