23/01/2025

Ngành thực phẩm bị kẹp giữa hai luồng áp lực

Ngành thực phẩm bị kẹp giữa hai luồng áp lực

Chi phí vật tư, vận chuyển, giá thành sản xuất tăng cao khiến các doanh nghiệp thực phẩm buộc phải tăng giá bán nếu không muốn thua lỗ. Tuy nhiên, sức mua yếu trên thị trường đặt doanh nghiệp vào tình thế nếu tăng giá sẽ bị ế.

 

 

“Ông lớn” tăng giá thức ăn chăn nuôi

Ngay cuối tháng 3, nhiều công ty thức ăn chăn nuôi (TACN) đã đồng loạt thông báo điều chỉnh giá bán. Công ty TNHH CJ Vina Agri điều chỉnh giá tất cả các loại thức ăn đậm đặc, thức ăn heo con, thức ăn cho bò tăng 400 đồng/kg; thức ăn cho heo nái, heo thịt, gà thịt, gà đẻ, vịt thịt, vịt đẻ, dê tăng 300 đồng/kg. Lý do đơn vị này đưa ra là tình hình giá nguyên liệu sản xuất TACN có nhiều biến động trong thời gian vừa qua, thời điểm áp dụng mức giá mới từ ngày 1.4 cho đến khi có thông báo mới.

Công ty TNHH TACN Việt Trung cũng thông báo điều chỉnh tăng giá thêm 500 đồng/kg các sản phẩm thức ăn đậm đặc và 400 đồng/kg với các sản phẩm thức ăn hỗn hợp. Công ty CP Greenfeed Việt Nam (chi nhánh Vĩnh Long) cũng đưa ra thông báo đến hệ thống đại lý, khách hàng, tăng giá thức ăn cho heo con tập ăn và đậm đặc các loại thêm 400 đồng/kg và tất cả các sản phẩm còn lại sẽ tăng 300 đồng/kg.

Ngành thực phẩm bị kẹp giữa hai luồng áp lực - ảnh 1
Doanh nghiệp chịu áp lực trước chi phí, giá thành sản xuất tăng, nhưng sức mua kém  NGỌC DƯƠNG

Một doanh nghiệp (DN) lớn khác trong ngành TACN là Công ty C.P Việt Nam cũng thông báo kể từ ngày 4.4 sẽ điều chỉnh giá bán các sản phẩm chăn nuôi cá, cụ thể tăng 500 đồng/kg cho thức ăn dùng nuôi cá lóc, cá thát lát, cá biển…; tăng 400 đồng/kg áp dụng cho thức ăn dùng nuôi cá điêu hồng, cá rô phi, cá tra, thức ăn nuôi ếch, cá trê vàng, cá trắm, cá chép…

Công ty TNHH Jafa Comfeed Việt Nam – khu vực miền Nam (Jafta) cũng cho hay, từ 1.4 DN này tăng giá 400 đồng/kg đối với tất cả các sản phẩm của công ty. Công ty TNHH Gold Coin Feedmild Đồng Nai cũng đã tăng giá TACN thêm 400 đồng/kg đối với thức ăn đậm đặc các loại, thức ăn cho vật nuôi tập ăn, mã 301SP; các mẫu thức ăn còn lại cũng tăng giá thêm 300 đồng/kg. Trước đó Công ty TNHH Ausfeed Bình Định đã điều chỉnh giá TACN từ ngày 15.3 đối với sản phẩm thức ăn đậm đặc và thức ăn cho heo con với mức tăng 400 đồng/kg; tăng giá 300 đồng/kg đối với thức ăn gia súc, gia cầm còn lại. Mức tăng này cũng áp dụng đối với cám cá…

Như vậy, so với cùng kỳ năm 2021, hiện giá nguyên liệu TACN đã tăng hơn 35%. Kéo theo đó, giá cám thành phẩm trong nước đã tăng hơn 20% trong năm vừa qua. Đối với mặt hàng phân bón, các công ty trong nước như Đạm Ninh Bình đã thông báo tăng giá 400 đồng/kg phân urea, Công ty Bình Điền cũng tăng giá phân NPK áp dụng từ ngày 1.4.

Cùng với chi phí vận chuyển tăng, nguồn cung khan hiếm do chiến sự xảy ra trên thế giới, nhiều chuyên gia dự báo giá nguyên liệu TACN, phân bón sẽ còn tăng cao hơn nữa.

 

Doanh nghiệp, người sản xuất chịu áp lực

Chi phí tăng mạnh nhưng sức mua yếu đã khiến các DN phải chịu cùng lúc hai luồng áp lực. Bà Huỳnh Kim Chi, Tổng giám đốc Công ty liên doanh bột mì Quốc tế (Intermix), than thở: “Giá nguyên liệu lúa mì nhập khẩu thì tăng cao, nhưng DN không dám tăng giá bán vì sức mua yếu. Người dân không còn tiền hay sao đấy, các mặt hàng thực phẩm rất ế ẩm, bột mì cũng vậy, vật giá đều tăng nhưng giá bán tăng không đáng kể vì sức mua kém”.

Giá nguyên liệu lúa mì nhập khẩu thì tăng cao, nhưng DN không dám tăng giá bán vì sức mua yếu. Người dân không còn tiền hay sao đấy, các mặt hàng thực phẩm rất ế ẩm, bột mì cũng vậy, vật giá đều tăng nhưng giá bán tăng không đáng kể vì sức mua kém

Bà Huỳnh Kim Chi, Tổng giám đốc Công ty liên doanh bột mì Quốc tế (Intermix)

Trao đổi với PV Thanh Niên ngày 1.4, ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi tỉnh Đồng Nai, lo lắng: “Tình hình giá nguyên liệu đầu vào tăng đã kéo giá thịt heo cũng tăng lên mấy ngày qua. Tuy nhiên, sức mua trên thị trường quá yếu, dù có tăng giá mà lượng tiêu thụ giảm thì người bán cũng thua lỗ. Giá heo hơi hiện nay 56.000 – 57.000 đồng/kg, nhưng giá thịt heo mảnh bán ra đến chợ đầu mối chỉ khoảng 65.000 – 70.000 đồng/kg. Nhưng sức mua kém, lượng tiêu thụ không tăng lên, với giá này thì các thương lái chịu lỗ nặng”.

Từ đầu tháng 4, trước áp lực tăng giá đầu vào, một số DN trong chương trình bình ổn thị trường của TP.HCM đã đề nghị tăng giá thịt gia súc 2 – 3%, thịt gia cầm 6 – 12%, trứng gia cầm tăng 6 – 8%. Ông Trương Chí Thiện, Tổng giám đốc Công ty thực phẩm Vĩnh Thành Đạt, cho biết: “Mặt hàng trứng gia cầm trong chương trình bình ổn thị trường của TP.HCM vừa được Sở Tài chính duyệt mức giá mới. Theo đó, từ ngày 1.4, trứng gà từ 28.000 đồng tăng lên 29.500 đồng/10 quả; trứng vịt từ 33.000 đồng/10 quả lên 35.000 đồng/10 quả. Ngoài mặt hàng trứng, giá gà công nghiệp nằm trong chương trình bình ổn từ 40.000 đồng/kg được điều chỉnh lên 45.000 đồng/kg, gà thả vườn 59.000 đồng/kg lên 67.000 đồng/kg, gà ta từ 84.000 đồng/kg lên 92.500 đồng/kg, vịt từ 62.000 đồng/kg lên 68.000 đồng/kg; đùi gà công nghiệp từ 46.000 đồng/kg lên 48.000 đồng/kg…”.

Bộ NN-PTNT vừa tổ chức hội thảo tăng cường công tác quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh TACN. Trước mắt, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến khuyến khích và kêu gọi các tập đoàn, DN lớn hoạt động sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực chăn nuôi tiếp tục đồng hành với Bộ, chung tay hỗ trợ người chăn nuôi; có kế hoạch, giải pháp sản xuất phù hợp, có lộ trình từng bước để kiểm soát giá sản phẩm TACN thành phẩm, tránh gây thêm khó khăn cho người chăn nuôi và gây ra biến động lớn về giá TACN trên thị trường.

Về lâu dài, nhiều giải pháp được Bộ NN-PTNT đưa ra gồm: Tăng cường giải pháp nâng cao chất lượng dinh dưỡng, hạ giá thành sản phẩm TACN thông qua việc đẩy mạnh nghiên cứu đánh giá dinh dưỡng TACN, nguyên liệu bằng phần mềm phân tích chuyên dụng; sản xuất thức ăn hỗn hợp dựa trên phân tích chỉ tiêu dinh dưỡng áp dụng vào các đối tượng ở các vùng, miền… Giao Viện Chăn nuôi thường xuyên cập nhật trên trang web, phương tiện truyền thông để công bố rộng rãi các kết quả nghiên cứu như vi lượng thay thế, nghiên cứu sử dụng các nguồn protein trong nước (vỏ hàu, bột đá…).

Theo ông Trương Chí Thiện, ban đầu các DN trứng gia cầm đề xuất tăng giá 9 – 10%, nhưng sau khi cân nhắc, Sở Tài chính chỉ duyệt mức tăng 5%. Giá các mặt hàng nằm trong chương trình bình ổn hiện đang chênh lệch khá nhiều so với giá bên ngoài thị trường. Ví dụ như giá trứng gà ngoài thị trường gần 3.000 đồng/quả, trứng vịt 3.700 đồng/quả. Ông Nguyễn Ngọc An, Tổng giám đốc Công ty Vissan, cho biết hiện nay nguyên vật liệu, chi phí đầu vào tăng cao như heo hơi tăng 10%, thức ăn chăn nuôi tăng 25%, xăng dầu tăng 40%… ; tuy nhiên sức mua yếu, công ty chia sẻ với người tiêu dùng và chấp nhận giảm lợi nhuận nên vẫn giữ giá thịt gia súc tham gia bình ổn thị trường, chưa điều chỉnh tăng trong đợt này. Còn ông Phạm Thanh Hùng, Phó tổng giám đốc Công ty thực phẩm Ba Huân, cũng thừa nhận: “Dù không muốn tăng giá nhưng tình hình chung buộc phải điều chỉnh, chúng tôi cố gắng chia sẻ với người tiêu dùng bằng cách vẫn áp dụng mức giá chung này cho cả loại trứng size lớn 65 gr”.

Trong khi sức mua trên thị trường xuống khá thấp, tổng đàn vật nuôi và sản lượng sản xuất tại các DN, trang trại, hộ chăn nuôi đang tăng lên. Ước tính tổng số heo của cả nước tính đến thời điểm cuối tháng 3.2022 tăng khoảng 4,2% so với cùng thời điểm năm 2021; sản lượng thịt heo hơi xuất chuồng quý 1/2022 ước đạt 1,04 triệu tấn, tăng 4,3% so với cùng kỳ năm 2021 và đạt 24% kế hoạch năm 2022. Tổng số gia cầm của cả nước tính đến thời điểm cuối tháng 3 cũng tăng khoảng 2,4% so với cùng thời điểm năm 2021; sản lượng thịt gia cầm hơi xuất chuồng quý 1 ước đạt 507.300 tấn, tăng 5,3% và đạt 25% kế hoạch năm 2022; sản lượng trứng gia cầm quý 1 ước đạt 4,6 tỉ quả, tăng 4,5% so với cùng kỳ năm 2021.

QUANG THUẦN

TNO