24/12/2024

Rộng cửa cho tư nhân rót vốn vào sân bay

Rộng cửa cho tư nhân rót vốn vào sân bay

Tổng nhu cầu vốn đầu tư vào sân bay giai đoạn 2021 – 2030 là hơn 400.000 tỉ đồng.

 

 

Song theo Cục Hàng không, đại dịch Covid-19 khiến Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam không còn dồi dào nguồn lực, cơ hội cho nhà đầu tư tư nhân tham gia vào hạ tầng sân bay là rất lớn với nhu cầu hơn 200.000 tỉ đồng.

 

ACV “đuối sức” vì Covid-19

Theo Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không (CHK), sân bay toàn quốc thời kỳ 2021 – 2030, nhu cầu vốn đầu tư các công trình thiết yếu của CHK giai đoạn 2021 – 2030 là khoảng 403.106 tỉ đồng.

Trong đó, lớn nhất là nguồn vốn đầu tư cho Cảng hàng không quốc tế (HKQT) Long Thành với 109.000 tỉ đồng để đầu tư 1 đường cất hạ cánh, đường lăn, sân đỗ và nhà ga T1. Ngoài ra, việc xây dựng nhà ga T3 và khu bay phía nam của Cảng HKQT Nội Bài cũng cần tới 96.598 tỉ đồng, hay mở rộng đầu tư nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất cần 12.233 tỉ đồng.

Cả 21 sân bay hiện có đều cần được đầu tư thêm đường cất hạ cánh, đường lăn hoặc đầu tư sân đỗ, nhà ga. Riêng giai đoạn 2021 – 2030, cần đầu tư xây dựng mới 5 sân bay gồm CHK Lai Châu (4.350 tỉ đồng), CHK Nà Sản (4.085 tỉ đồng), CHK Sa Pa (4.200 tỉ đồng), CHK Quảng Trị (3.885 tỉ đồng) và CHK Phan Thiết (10.936 tỉ đồng).

Rộng cửa cho tư nhân rót vốn vào sân bay - ảnh 1

 

Sân bay Điện Biên đang được đầu tư nâng cấp  M.HÀ

Đề án xã hội hóa hạ tầng CHK vừa được Cục Hàng không báo cáo lên Bộ GTVT cho thấy, Tổng công ty CHK Việt Nam (ACV) hiện quản lý 21 CHK, trong đó 15 sân bay có lãi. Ngoài ra, 6 sân bay khác đang lỗ gồm Côn Đảo, Đồng Hới, Cà Mau, Tuy Hòa, Rạch Giá, Điện Biên, song được bù đắp nguồn thu từ các CHK có lãi trong hệ thống. ACV có trách nhiệm đầu tư nâng cấp, mở rộng các công trình thiết yếu tại 21 CHK do ACV đang quản lý và khai thác.

Báo cáo cuối năm 2019, ông lớn hàng không này cho biết bố trí đủ 100% nhu cầu vốn cho các dự án đầu tư công trình thiết yếu theo quy hoạch của 21 CHK giai đoạn 2021 – 2025. Đồng thời, ACV cũng bố trí được hơn 36.000 tỉ đồng từ vốn tích lũy tự có của doanh nghiệp (DN) để đầu tư Cảng HKQT Long Thành giai đoạn 1. Với kế hoạch 2026 – 2030, DN này khẳng định vẫn tiếp tục đảm bảo dòng tiền tích lũy để tiếp tục đầu tư (khoảng 120.529 tỉ đồng).

Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 đã giáng một đòn mạnh vào kế hoạch dự kiến này. Báo cáo của ACV và Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại DN cho biết, do ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, nguồn thu và lợi nhuận dự kiến 2020 – 2025 của ACV giảm sút nghiêm trọng. Lợi nhuận trước thuế trước đây dự kiến là 71.624 tỉ đồng, nay chỉ còn dự kiến 36.903 tỉ đồng (giảm 34.721 tỉ đồng), khiến ACV không cân đối đủ nguồn lực đầu tư phát triển 21 CHK đang quản lý, khai thác. Trong giai đoạn 2021 – 2025, ACV sẽ tập trung ưu tiên nguồn lực đầu tư Cảng HKQT Long Thành giai đoạn 1 và các sân bay đang đầu tư như Tân Sơn Nhất, Nội Bài, Phú Bài, Điện Biên…

Đầu tư vào hạ tầng sân bay cần nguồn vốn rất lớn, trong khi thời gian thu hồi vốn lại kéo dài, vì thế không chỉ mở ra cơ hội mà nhà nước cần có thêm các chính sách hỗ trợ cho nhà đầu tư.

Ông Bùi Doãn Nề, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội DN hàng không Việt Nam (VABA)

Cục Hàng không cho biết nhu cầu huy động nguồn vốn xã hội hóa đầu tư kết cấu hạ tầng khoảng 204.615 tỉ đồng, chiếm tới 50% nhu cầu vốn đầu tư hạ tầng sân bay trong gần 10 năm tới.

Sẽ có thêm nhiều sân bay PPP như Vân Đồn?

Thực tế, so với giai đoạn trước năm 2010, sự góp mặt của tư nhân trong lĩnh vực hạ tầng sân bay đang ngày càng gia tăng, tuy tỷ lệ chưa cao. Ngoài việc DN tư nhân tham gia đầu tư xã hội hóa dự án nhà ga hành khách Đà Nẵng, Cam Ranh, dự án sân bay tư nhân duy nhất hiện nay là sân bay Vân Đồn do Sun Group đầu tư (gần 7.500 tỉ đồng). Tuy nhiên, với đề án xã hội hóa hạ tầng CHK mới này, dự kiến sẽ có thêm nhiều sân bay tư nhân tương tự Vân Đồn sẽ được đầu tư trong thời gian tới.

Hiện đã có nhiều DN tư nhân đề xuất nghiên cứu, đầu tư các CHK, trong đó Vietjet từng đề nghị đầu tư các sân bay Chu Lai, Cát Bi, Tuy Hòa, Điện Biên. Trong đó, sân bay Chu Lai cũng thu hút quan tâm từ ông lớn khác như Vingroup. Tập đoàn IPPG của tỉ phú Johnathan Hạnh Nguyễn đề xuất được đầu tư sân bay Phú Quốc và Tuy Hòa. Tập đoàn FLC muốn đầu tư vào sân bay Đồng Hới. Trong khi T&T đề xuất và được chấp thuận nghiên cứu đầu tư sân bay Quảng Trị, DN này cũng đề xuất được đầu tư sân bay Cà Mau…

Báo cáo với Bộ GTVT, Cục Hàng không cũng đề xuất với các sân bay mới sẽ áp dụng mô hình đối tác công – tư (PPP). Hiện PPP sân bay đã được áp dụng tại Cảng HKQT Vân Đồn, Phan Thiết và đang được nghiên cứu áp dụng cho CHK Sa Pa và Quảng Trị. Với các CHK này, hầu hết phương án tài chính sẽ không khả thi nên cần có sự tham gia góp vốn của các địa phương trong phương án đầu tư cũng như hỗ trợ nhà đầu tư trong quá trình vận hành.

Với CHK do ACV đang quản lý, khai thác, có 2 phương án, trong đó phương án 1 kêu gọi đầu tư toàn bộ công trình thiết yếu tại CHK (trừ khu bay) theo hình thức PPP; phương án 2 kêu gọi đầu tư xã hội hóa từng hạng mục riêng lẻ (như nhà ga hành khách, nhà ga hàng hóa)…

Theo ông Bùi Doãn Nề, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội DN hàng không Việt Nam (VABA), thị trường hàng không Việt Nam được đánh giá là một trong những thị trường phát triển nhanh nhất khu vực. Để đáp ứng cơ sở hạ tầng khi thị trường phục hồi, phải sớm đầu tư, nâng cấp mở rộng các sân bay hiện có cũng như đẩy nhanh xây dựng các sân bay mới, tránh tình trạng ùn tắc, quá tải.

“Không chỉ ACV mà nguồn lực nhà nước cũng có hạn, thu hút các nguồn đầu tư khác, nhất là vốn tư nhân là cần thiết. Nhưng đầu tư vào hạ tầng sân bay cần nguồn vốn rất lớn, trong khi thời gian thu hồi vốn lại kéo dài, vì thế không chỉ mở ra cơ hội mà nhà nước cần có thêm các chính sách hỗ trợ cho nhà đầu tư”, ông Nề chia sẻ.

Cũng theo ông Nề, sự quan tâm của nhiều tập đoàn lớn trong nước vào đầu tư sân bay cho thấy sức hút lớn của lĩnh vực này. Thực tế, việc DN tư nhân tham gia đầu tư sân bay không chỉ là khía cạnh ngắn hạn về bài toán tài chính hay hoàn vốn trong thời gian ngắn, mà bản thân địa phương và nhà đầu tư được hưởng nhiều lợi ích gián tiếp từ việc mở rộng hay xây mới sân bay. Điển hình như Vân Đồn, sân bay này hiện còn lâu nữa mới thu đủ bù chi, song lợi ích mang lại cho kinh tế – xã hội Quảng Ninh là rất lớn từ thu hút đầu tư, kích cầu du lịch. Về phía nhà đầu tư cũng sẽ hưởng lợi gián tiếp từ các hoạt động đầu tư khác tại Vân Đồn hay Quảng Ninh…

 

Huy động vốn PPP những sân bay nào ?

Không chỉ với nhóm CHK, sân bay mới, Cục Hàng không đề xuất PPP với cả đầu tư, mở rộng các sân bay lớn hiện nay. Cụ thể, với sân bay nhóm 1 (Nội Bài, Đà Nẵng, Cam Ranh, Phú Quốc, Long Thành, Tân Sơn Nhất), ngoài khu bay, hạ tầng thiết yếu được giao cho Bộ GTVT, ACV; dự kiến sẽ huy động 100% nguồn vốn xã hội để đầu tư các công trình dịch vụ hàng không và phi hàng không theo hình thức kinh doanh.

Tại sân bay nhóm 3 (Điện Biên, Nà Sản, Đồng Hới, Pleiku, Buôn Ma Thuột, Rạch Giá, Cà Mau và Côn Đảo), Bộ GTVT sẽ chuyển giao khu bay, ACV chuyển giao công trình hạ tầng thiết yếu cho địa phương chủ động huy động nguồn lực đầu tư. Trường hợp các địa phương không huy động đủ nguồn lực sẽ sử dụng phương thức PPP… Đặc biệt nhóm các sân bay mới sẽ huy động nguồn vốn xã hội đầu tư toàn bộ CHK theo hình thức PPP, giao cho địa phương thực hiện.

MAI HÀ

TNO