24/11/2024

Mở du lịch, vẫn chờ tháo nút thắt thị thực

Mở du lịch, vẫn chờ tháo nút thắt thị thực

Trở lại sau 2 năm đóng băng vì Covid-19, ngành du lịch kỳ vọng có thêm sự đột phá về chính sách miễn thị thực (visa) để đẩy mạnh thu hút khách đến Việt Nam.

 

 

Mở cửa hoàn toàn du lịch từ ngày 15.3, Việt Nam khôi phục chính sách miễn thị thực cho công dân các nước: Đức, Pháp, Ý, Tây Ban Nha, Vương quốc Anh, Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đan Mạch, Thụy Điển, Na Uy, Phần Lan và Belarus với thời hạn tạm trú 15 ngày kể từ ngày nhập cảnh.

Tuy nhiên, ngành du lịch vẫn trông đợi một chính sách thị thực thông thoáng hơn để tạo lợi thế cạnh tranh trong “giai đoạn vàng” phục hồi hậu Covid-19.

Mở du lịch, vẫn chờ tháo nút thắt thị thực - ảnh 1
Việt Nam đã chính thức mở cửa hoàn toàn du lịch từ ngày 15.3  M.C

Thích Việt Nam nhưng “ngại” visa

Chia sẻ tại Hội nghị Triển khai mở cửa du lịch quốc tế do Tổng cục Du lịch tổ chức ngày 15.3 vừa qua, Đại sứ Nguyễn Quốc Dũng, Đại sứ Việt Nam tại Mỹ cho biết sau 2 năm hạn chế đi lại, nhu cầu du lịch của người Mỹ tăng cao cả trong và ngoài nước.

Du khách Mỹ luôn xem Việt Nam là điểm du lịch hấp dẫn từ cả góc độ thắng cảnh, lịch sử, văn hóa và ẩm thực. Việt Nam thu hút quan tâm của nhiều doanh nghiệp Mỹ dưới góc độ một nền kinh tế năng động, thị trường tiềm năng cho đầu tư kinh doanh. Bên cạnh đó có một lượng lớn người Việt tại Mỹ muốn về thăm thân, đầu tư làm ăn tại Việt Nam.

Tương tự, Đại sứ Phạm Sanh Châu, Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ cũng thông tin thị trường Ấn Độ là thị trường rất tiềm năng với nhu cầu du lịch đám cưới, và ngày càng nhiều người trong giới giàu có của nước này quan tâm tới các điểm đến ở Việt Nam.

Tại Ấn Độ, quốc gia này có 25 triệu người đi du lịch. Họ rất muốn tới Việt Nam, đặc biệt sau khi một số tỉ phú Ấn Độ chọn tổ chức đám cưới tại Đà Nẵng, Phú Quốc và khi Vietjet Air, Indigo mở đường bay thẳng giữa hai nước.

Tiềm năng là rất lớn nhưng theo ông Phạm Văn Du, Giám đốc Công ty Du lịch Xuân Nam, chính sách visa đang tiếp tục là rào cản ngáng đường khách tới Việt Nam. Cụ thể, khách Mỹ, Ấn Độ và đặc biệt là Áo rất thích Việt Nam. Tuy nhiên việc phải làm các thủ tục visa, trả phí ngoài lề cao khiến họ thường xuyên phàn nàn.

“Khách Áo, Ấn Độ đều từ trung lưu trở lên, mức chi tiêu rất lớn. Từ cách nay nhiều năm, mỗi ngày ở Việt Nam, tổng chi của đối tượng khách này đã đạt tới gần 200 USD/người. Trong khi nhiều ngành kinh tế khác đang vật lộn với rất nhiều khó khăn, rào cản để đưa sản phẩm ra nước ngoài, kiếm từng đồng ngoại tệ về thì du lịch lại đang khép cánh cửa, chặn dòng tiền vào nội địa từ du khách quốc tế. Trong bối cảnh nguồn khách đang còn hạn hẹp, thị trường giới hạn, du lịch cần nhân cơ hội mở hết các nút thắt để tăng lợi thế cạnh tranh, mở rộng thị trường, tăng tốc phục hồi sau đại dịch” – ông Du đề xuất.

Đồng tình, TS Lương Hoài Nam, thành viên Hội đồng tư vấn du lịch, nhận định chính sách visa còn tác động trực tiếp đến việc thu hút các nguồn vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam qua các kênh.

Từ sau khi chính sách mở cửa cho Việt kiều và người nước ngoài được mua nhà ở Việt Nam, nhiều doanh nghiệp đã đầu tư vào phân khúc này để đón đầu chính sách. Vài năm trở lại đây, du lịch nghỉ dưỡng ngày càng phát triển mạnh, nâng tầm đẳng cấp du lịch Việt, song chính sách này không thể phát huy hết hiệu quả khi người mua bất động sản cần phải xin visa để về “ngôi nhà thứ hai” của mình.

“Nếu chính sách visa của Việt Nam chưa thể thoáng được như Malaysia, Singapore, thì ít nhất cũng cần được như Thái Lan. Cần phải nhân cơ hội này tháo nút thắt visa đã cản trở du lịch, kinh tế Việt Nam trong suốt nhiều năm qua”, ông Nam nói.

Mở du lịch, vẫn chờ tháo nút thắt thị thực - ảnh 2
Kỳ vọng chính sách thị thực thông thoáng sẽ tăng khả năng cạnh tranh cho Việt Nam trong giai đoạn phục hồi du lịch  ĐẬU TIẾN ĐẠT

Mở mạnh visa, rộng cửa đón khách

Trong ngày đầu tiên Việt Nam chính thức thông báo mở cửa du lịch, rất nhiều địa phương đã đồng loạt kiến nghị nới chính sách visa để tăng khả năng thu hút du khách.

Bà Trương Thị Hồng Hạnh – Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng, cho biết để đón và phục vụ khách quốc tế quay lại, hiện 45% số cơ sở lưu trú tại Đà Nẵng mở cửa phục vụ khách và 150 đơn vị lữ hành đang hoạt động trở lại với nhiều sản phẩm du lịch mới. Các thị trường mà Đà Nẵng hướng tới là Hàn Quốc, Đài Loan, Trung Quốc, Thái Lan, Nhật Bản, sau đó là thị trường khách Đông Nam Á, thị trường châu Âu, Úc, Mỹ… dịp cuối năm.

Để đón cơ hội “phá băng” ngành du lịch Đà Nẵng, bên cạnh đề xuất trường hợp du khách bị F0 trong quá trình du lịch sẽ được điều trị tại khách sạn để có sự chủ động hơn trong kiểm soát dịch bệnh, bà Hạnh kiến nghị nới rộng thời gian lưu trú cho du khách được miễn visa lên 30 ngày để tăng khả năng thu hút du khách.

Ông Bùi Quốc Thái – Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Kiên Giang cũng đề nghị Chính phủ xem xét miễn visa cho du khách khi đến Phú Quốc trong thời gian 30 ngày.

TS Lương Hoài Nam kiến nghị mở mạnh hơn, miễn visa cho toàn bộ các nước EU, Úc, New Zealand. Hai thị trường lớn là Trung Quốc và Mỹ, nếu chưa miễn được thì đề nghị cấp visa dài hạn 5 – 10 năm như một số nước đang cấp cho chính công dân Việt Nam.

“Thời hạn lưu trú cần tăng lên 30 – 45 ngày. Càng kéo dài thời gian lưu trú của khách càng giúp du lịch thu được nhiều ngoại tệ tại chỗ. Đồng thời, cho phép khách được phép nhập cảnh nhiều lần trong một chuyến du lịch. Với quy định bây giờ, du khách ra khỏi Việt Nam sang các nước lân cận không quay lại Việt Nam được nữa. Quy định này vô hiệu hóa khả năng biến Việt Nam thành một trung tâm hàng không và du lịch đường dài” – ông Nam chỉ rõ.

 

HÀ MAI

TNO