08/01/2025

Giáo viên ký khống học bạ: Để người khác vào điểm thay là sai quy định

Giáo viên ký khống học bạ: Để người khác vào điểm thay là sai quy định

Điểm học bạ sẽ tùy cấp học nhưng phải được chính giáo viên bộ môn, giáo viên chủ nhiệm chấm và vào điểm. Ngoài ra, để tránh sai sót các trường bắt buộc phải đối chiếu, kiểm tra chéo cẩn thận trước khi vào sổ.

 

 

Giáo viên trực tiếp vào điểm và chịu trách nhiệm

Sổ học bạ được các trường dùng để theo dõi, ghi kết quả học tập và hạnh kiểm của học sinh qua mỗi học kỳ, mỗi năm. Nhiều năm gần đây, khi các trường đại học, cao đẳng mở rộng phương thức xét tuyển thì điểm học bạ là một trong những phương thức được rất nhiều học sinh sử dụng để ứng tuyển vào các trường.

Việc vào điểm như thế nào cũng được Bộ GD-ĐT quy định rõ ràng và nó được thực hiện ở mỗi cấp học khác nhau.

Theo bà Vũ Thị Ngọc Dung, Hiệu trưởng Trường THPT Bùi Thị Xuân (Q.1, TP.HCM) cho biết mỗi năm giáo viên sẽ có 2 lần vào điểm học bạ cho học sinh, đó là vào cuối học kỳ 1 và cuối học kỳ 2.

Trong học bạ, trang bên trái sẽ có 3 cột điểm, gồm điểm trung bình các môn của 2 học kỳ và điểm tổng kết cuối năm. Ngoài ra còn có cột ký tên. Trong đó, cuối học kỳ 1 giáo viên bộ môn sẽ ghi điểm của từng học sinh vào hàng bộ môn của mình, còn giáo viên chủ nhiệm sẽ ghi vào phần xếp loại học lực và điểm trung bình của tất cả các môn.

Giáo viên ký khống học bạ: Để người khác vào điểm thay là sai quy định - ảnh 1
Việc vào điểm học bạ cho học sinh rất quan trọng được các trường làm rất kỹ, giáo viên chủ nhiệm và giáo viên bộ môn là người trực tiếp vào điểm

Khi học sinh hoàn thành chương trình học và làm bài kiểm tra cuối học kỳ thì giáo viên mới vào điểm từng môn ở cột học kỳ 2. Giáo viên chủ nhiệm sẽ ghi điểm tổng kết trung bình cả năm và lúc này mới xếp loại hạnh kiểm, nhận xét và ký tên. Và cuối cùng, ban giám hiệu sẽ ký xác nhận kết quả học tập, hạnh kiểm của năm đó cho từng học sinh.

“Điểm của môn nào thì giáo viên đó chịu trách nhiệm, còn giáo viên chủ nhiệm là người nhận xét, tổng kết. Nhưng để tránh sai sót thì bất kỳ một con điểm nào trước khi vào học bạ thì ngoài việc giáo viên chủ nhiệm phải rà soát lại điểm từng môn, từng học kỳ thì trường đều cho giáo viên kiểm tra chéo các lớp lẫn nhau”, bà Dung nói và cho biết tới khâu cuối cùng, ban giám hiệu còn phải kiểm tra xem xếp loại có đúng không mới xác nhận.

Trong quá trình kiểm tra chéo, nếu có sai lệch thì người kiểm tra phải lập biên bản và báo cáo lại cho bộ phận học vụ để xử lý lại theo đúng quy trình.

Dù vậy, theo bà Dung những năm gần đây gần như tất cả các trường đã dùng sổ điểm điện tử, giáo viên không phải ghi điểm vào sổ học bạ bằng tay như trước đây nữa mà đều được làm bằng máy tính. Bộ phận học vụ sẽ chịu trách nhiệm kiểm tra lại điểm do giáo viên nhập, sai ở đâu báo lại ở đó.

Còn trang bên phải là phần nhận xét, đánh giá của giáo viên chủ nhiệm. Đặc biệt, ở phần hạnh kiểm phải họp giữa giáo viên chủ nhiệm với các giáo viên bộ môn, sau khi điểm đã vào đúng thì giáo viên sẽ xét hạnh kiểm, chốt xong mới được ghi học bạ.

Còn ở bậc tiểu học, theo bà Vũ Thị Thương, giáo viên chủ nhiệm lớp 1, Trường tiểu học Ngô Quyền (Q.Bình Tân, TP.HCM) thì việc theo dõi quá trình học tập của học sinh vừa thông qua sổ học bạ vừa có phiếu đánh giá. Học kỳ 1 và giữa kỳ, sau khi cho học sinh làm bài kiểm tra thì giáo viên sẽ in kết quả ra giấy và gửi về cho phụ huynh cùng nắm quá trình học của con.

Cũng theo bà Thương, cuối năm giáo viên chủ nhiệm sẽ vào điểm tổng kết cả năm và viết học bạ. Đối với lớp 1, 2, 3 thì chỉ có điểm hai môn là toán và tiếng Việt; lớp 4, 5 thì sẽ gồm điểm các môn: toán, tiếng Việt, khoa, sử địa. Các môn học còn lại thì giáo viên sẽ đánh giá, ghi theo từng mức như: tốt, hoàn thành, đạt, cần cố gắng… Riêng với lớp 1 và lớp 2, khi học theo chương trình giáo dục phổ thông mới thì giáo viên có thể nhận xét gộp chung các môn.

Việc vào điểm cũng tùy trường, có trường thì cho giáo viên in bảng điểm rồi dán vào học bạ, có trường yêu cầu viết trực tiếp. Nhưng giáo viên dù thực hiện bằng cách nào thì giáo viên chủ nhiệm phải là người trực tiếp vào điểm, nhận xét học sinh, không ai được làm thay.

 

Nếu vào điểm sai phải xử lý thế nào?

Quá trình ghi điểm vào sổ học bạ đều được làm rất kỹ, nhưng theo bà Dung thỉnh thoảng vẫn có một vài sai sót, ví dụ như giáo viên nhập nhầm điểm, nhầm hàng… Khi phát hiện sai sót giáo viên chủ nhiệm có quyền sửa điểm nhưng phải thông qua bộ phận học vụ và ghi xác nhận nội dung sửa, lý do sửa…

Việc sử dụng sổ học bạ điện tử đã giúp giáo viên tính toán dễ dàng và ít khi có sai sót hơn so với việc tính toán bằng tay như trước đây.

“Một số trường muốn học sinh có sổ học bạ đẹp nên thường để bộ phận học vụ chép điểm. Nhưng trên nguyên tắc việc để cho người khác không phải là giáo viên bộ môn, giáo viên chủ nhiệm vào điểm trong học bạ là sai. Mỗi học bạ đều phải do giáo viên vào điểm, ký xác nhận và chịu trách nhiệm”, bà Dung nói thêm.

Chưa kể, sổ học bạ còn là cuốn sổ lưu dấu thời đi học của học sinh nên theo bà Dung việc cô giáo tự nhận xét, ký tên như một dấu tích để các em có ấn tượng, kỷ niệm khi lưu giữ sau này.

Tương tự, theo ông Cao Đức Khoa, Hiệu trưởng Trường THCS Huỳnh Khương Ninh (Q.1) quá trình vào điểm của bậc THCS cũng tương tự như bậc THPT, mỗi sổ học bạ cũng có nhiều trang cho mỗi năm học khác nhau. Mỗi trang cũng sẽ gồm 3 cột điểm cho học kỳ 1, học kỳ 2, và điểm tổng kết trung bình cuối năm.

Theo ông Khoa thì học bạ chỉ lưu giữ điểm trung bình các môn của cả học kỳ, còn điểm thành phần (điểm kiểm giữa kỳ, cuối kỳ, kiểm tra miệng…) người dạy sẽ lưu vào sổ ghi điểm của giáo viên và nhập lên hệ thống của trường. Từ điểm thành phần, giáo viên sẽ tính theo công thức để ra được điểm trung bình mỗi kỳ học.

Theo ông Khoa thì quá trình vào điểm giáo viên phải làm rất kỹ, tránh sai sót tối đa, vì sửa học bạ rất rắc rối. Theo quy định trước khi vào điểm, mỗi trường đều có 3 đợt kiểm tra chéo, giáo viên sẽ kiểm tra, dò lại điểm cho học sinh để tránh sai sót. Quá trình kiểm tra cũng được ghi biên bản rõ ràng.

Việc sửa điểm trong học bạ được phép nhưng theo ông Khoa phải làm đúng nguyên tắc và quy trình. Trước tiên giáo viên phải có lý do chính đáng, hợp lý. Khi sửa lại phải viết bằng bút màu đỏ, ghi rõ nội dung sửa và được hiệu trưởng xác nhận, đóng dấu vào chỗ sửa mới hợp lý.

“Dù vậy việc sửa học bạ ít khi xảy ra, giáo viên phải tránh tối đa vì sửa nhiều nhìn cuốn sổ mất tính thẩm mỹ, ảnh hưởng đến học sinh. Và quy định bắt buộc là điểm của giáo viên nào thì giáo viên đó vào sổ”, ông Khoa nói thêm.

Theo Thông tư số 58 ngày 12.12.2011 của Bộ GD-ĐT về quy chế đánh giá, xếp loại HS bậc THCS và THPT thì trách nhiệm của giáo viên bộ môn là tính điểm trung bình môn học (đối với các môn học đánh giá bằng cho điểm), xếp loại nhận xét môn học (đối với các môn học đánh giá bằng nhận xét) theo học kỳ, cả năm học và trực tiếp ghi vào sổ gọi tên và ghi điểm, vào học bạ. Tham gia đánh giá, xếp loại hạnh kiểm từng học kỳ, cả năm học của học sinh.

Còn trách nhiệm của giáo viên chủ nhiệm là tính điểm trung bình các môn học theo học kỳ, cả năm học; xác nhận việc sửa chữa điểm, sửa chữa mức nhận xét của giáo viên bộ môn trong sổ gọi tên và ghi điểm trong học bạ.

NGUYỄN LOAN

TNO