26/12/2024

Giá cả ‘nhảy múa’, kiểm soát lạm phát thế nào?

Tại sao đàm phán Nga – Ukraine vẫn bế tắc?

Đàm phán Nga – Ukraine đã bước sang vòng thứ tư, trong đó có ba vòng đàm phán trực tiếp và một vòng diễn ra dưới hình thức trực tuyến. Ngoài ra, còn có cuộc gặp trực tiếp giữa ngoại trưởng hai nước tại Antalya, Thổ Nhĩ Kỳ, ngày 10-3.

 

 

 

Tại sao đàm phán Nga - Ukraine vẫn bế tắc? - Ảnh 1.

Một binh sĩ Ukraine đứng trước tòa nhà bị phá hủy ở Kiev ngày 12-3 – Ảnh: AFP

Các cuộc đàm phán trên chưa tạo được bất kỳ bước đột phá thực chất nào ngoài một số thỏa thuận ngừng bắn giúp mở hành lang nhân đạo và sơ tán người dân Ukraine. Trong khi đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho rằng có một số tiến triển “tích cực”.

Tại sao đàm phán Nga – Ukraine khó khăn đến vậy và đàm phán này sẽ đi đến đâu?

Thực trạng trên chiến trường

Trong các cuộc chiến tranh hiện đại gần đây, cuộc chiến Nga – Ukraine là một trong những cuộc chiến khó đoán định nhất bởi thông tin bị nhiễu loạn và khó kiểm chứng từ cả hai phía.

Sở dĩ có tình trạng trên vì ngoài cuộc chiến hết sức ác liệt trên chiến trường thì cả hai phía, một bên là Nga và bên kia là Ukraine, Mỹ và phương Tây, cũng đang mở hết tốc lực cho cuộc chiến truyền thông.

Thông tin cho đến nay chúng ta biết được là sự khác biệt về con số thương vong và tổn thất từ cả hai phía; các khó khăn trong chiến dịch quân sự của Nga; và khác biệt trong đánh giá chiến dịch quân sự từ góc nhìn của Nga và Mỹ.

Công bố thiệt hại trong giao tranh từ hai phía (xem đồ họa trong bài) cho thấy vì lý do tuyên truyền, hai bên cố gắng nhấn mạnh đến tổn thất quân sự của phía đối phương, trong khi hạ thấp tổn thất của mình và điều này rất khó kiểm chứng bằng các nguồn tin độc lập.

Qua các thông tin từ cả hai phía, chúng ta cũng biết được rằng chiến dịch quân sự của Nga không hoàn toàn diễn ra thuận lợi.

Chiến dịch này hiện đang vấp phải một số khó khăn nhất định, như: (i) sự kiên cường chống trả của quân đội Ukraine với các vũ khí phòng thủ hiện đại nhận được từ phương Tây như tên lửa chống tăng Javelin, tên lửa đất đối không vác vai Stinger; (ii) các khó khăn trong di chuyển một lực lượng lớn quân đội, vũ khí và hậu cần đi kèm; (iii) sự khắc nghiệt của thời tiết giá lạnh…

Tất cả những điều trên ảnh hưởng không nhỏ đến kế hoạch đánh nhanh thắng nhanh của Tổng thống Putin và giới lãnh đạo quân đội Nga.

Đối với giới hoạch định chính sách quân sự phương Tây, họ cho rằng việc Nga không thể thực hiện được kế hoạch “đánh nhanh thắng nhanh”, “hạ gục” Kiev và các thành phố lớn của Ukraine trong vòng 72 giờ là một “thất bại” quân sự.

Trong các chiến dịch quân sự gần đây do Mỹ lãnh đạo như cuộc chiến Afghanistan và chiến tranh Vùng Vịnh II, mục tiêu của họ là đánh chiếm thủ đô Kabul và Baghdad, rồi bắt sống lãnh đạo đối phương như Tổng thống Saddam Hussein của Iraq. Do đó họ cũng nhìn chiến dịch quân sự của Nga dưới lăng kính như vậy.

Tuy nhiên, đối với giới lãnh đạo quân sự Nga, mục tiêu chính trong “chiến dịch quân sự đặc biệt” tại Ukraine lần này là “đánh sập” cơ sở hạ tầng và sức mạnh quân sự của Ukraine để Ukraine không bao giờ trở thành mối đe dọa quân sự đối với Nga nữa.

Còn chiếm Kiev hoặc các thành phố lớn mà không đạt được các mục tiêu quân sự trên thì cũng vô nghĩa.

Là bên chủ động phát động “chiến dịch quân sự đặc biệt”, Tổng thống Putin khó có thể “tự xuống thang” nếu không đạt được toàn bộ hoặc phần lớn các điều kiện mà Nga đặt ra.

Do đó, thời gian “tĩnh lặng” hiện nay chính là “thời gian vàng” để Nga tăng thế cho mình trên bàn đàm phán bằng cách siết chặt vòng vây, đợi chi viện với sự ủng hộ của thời tiết ấm lên khi tiết trời chuyển từ đông sang xuân.

Tại sao đàm phán Nga - Ukraine vẫn bế tắc? - Ảnh 2.

Nguồn: Reuters, LHQ… – Dữ liệu: BẢO ANH – Đồ họa: N.KH.

Các kịch bản đàm phán

Như hầu hết tất cả các cuộc đàm phán ngoại giao để chấm dứt chiến tranh trên thế giới, cuộc đàm phán để giải quyết việc chấm dứt cuộc chiến Nga – Ukraine không phải là một ngoại lệ. Có ít nhất bốn nhân tố ảnh hưởng đến tiến trình và kết quả đàm phán.

Một là, so sánh lực lượng trên chiến trường giữa các bên tham chiến. Đây là yếu tố quan trọng và mang tính quyết định nhất.

Sở dĩ đàm phán giữa Nga và Ukraine hiện vẫn giằng co và chưa đi đến hồi kết chính là do yếu tố này.

Nga cho rằng họ đang thắng áp đảo trên chiến trường nên không có bất cứ sự nhượng bộ nào đối với các đòi hỏi của mình. Ukraine nghĩ mình đang “ghìm chân” và gây cho Nga những tổn thất nặng nề.

Theo Ukraine, họ đang ở “thế mạnh” vì chiến tranh càng kéo dài thì thương vong, phí tổn và sự phản đối ở trong và ngoài nước Nga càng lớn sẽ khiến Nga sớm “thu quân” trong “thất bại”.

Hai là, lập trường của các bên tham chiến. Hiện nay lập trường của Nga và Ukraine quá khác xa nhau.

Nga kiên quyết với 3 điều kiện, đòi Ukraine: (i) công nhận Crimea thuộc Nga và “nền độc lập” của 2 nước cộng hòa tự xưng là Lugansk và Donetsk; (ii) phi phát xít hóa và phi quân sự hóa; và (iii) không gia nhập NATO.

Trong khi đó, Ukraine cho rằng đây là “tối hậu thư” buộc họ “đầu hàng”, Ukraine chỉ chấp nhận đàm phán khi không có bất kỳ “điều kiện tiên quyết” nào.

Ba là, ý chí của lãnh đạo và sự ủng hộ của người dân. Cả Tổng thống Nga Putin lẫn Tổng thống Ukraine Zelensky đều có cá tính mạnh mẽ, quyết đoán và điều này được thể hiện trong suốt cuộc chiến vừa qua.

Các cuộc thăm dò mới nhất cho thấy ông Putin được 71% người dân Nga ủng hộ, ông Zelensky được sự ủng hộ của trên 90% dân Ukraine. Điều này làm cho 2 nhà lãnh đạo rất khó xuống thang.

Cuối cùng, đó là bối cảnh khu vực và quốc tế. Trước khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự, Mỹ và phương Tây khi đó “xem nhẹ” các lo ngại an ninh của Nga và hai bên thiếu các cuộc tiếp xúc, đàm phán chân thành để có thể tránh được cuộc chiến.

Nhưng giờ đây, các bên liên quan đến cuộc chiến đều gánh chịu thiệt hại nặng nề ở những mức độ khác nhau và đều mong muốn giải quyết cuộc khủng hoảng này thông qua thương lượng, tuy rằng lập trường của các bên hiện quá xa nhau.

Như vậy, đàm phán và cục diện chiến trường trong những ngày tới sẽ cho chúng ta rõ hơn bức tranh hậu chiến.

Điều lý tưởng nhất là các bên đạt được giải pháp thông qua thương lượng. Tất nhiên, Nga sẽ chỉ đồng ý nếu như các điều kiện mình đưa ra được đáp ứng phần lớn hoặc toàn bộ và an ninh của Nga phải được tính đến trong một cấu trúc an ninh mới của châu Âu.

Trong khi hy vọng điều tốt nhất, các bên cũng chuẩn bị cho giải pháp xấu nhất, đó là cuộc chiến kết thúc mà không có bất cứ thỏa thuận nào, theo đúng cách mà các nước lớn chấm dứt cuộc chiến Triều Tiên năm 1953.

Nga không kích căn cứ quân sự gần Ba Lan, 35 người chết

Ngày 13-3, Nga không kích một căn cứ quân sự gần biên giới Ba Lan khiến NATO “nóng mặt”.

Chính quyền Ukraine nói các máy bay Nga đã rót 30 tên lửa xuống Trung tâm quốc tế gìn giữ hòa bình và an ninh (IPSC) nằm ở khu vực Yavoriv, cách thành phố Lviv khoảng 50km và cách biên giới Ba Lan chỉ 25km. Đây là một căn cứ lớn, rộng 360km2, bao gồm một trung tâm đào tạo binh sĩ.

Phía Ukraine cho biết có 35 người thiệt mạng, 134 người bị thương sau vụ tấn công IPSC.

Trong khi đó, tiếng pháo vang rền ở khu vực Kiev trong khi giao tranh dữ dội ở miền đông thủ đô của Ukraine. Tổng thống Volodymyr Zelensky tuyên bố Kiev sẽ tử thủ, còn chính quyền địa phương nói đã trữ lương thực cho 2 tuần bị bao vây.

TRẦN PHƯƠNG

Đại sứ HOÀNG ANH TUẤN (nguyên phó tổng thư ký Asean)
TTO