28/12/2024

10 ngày, thép 3 lần tăng giá

10 ngày, thép 3 lần tăng giá

Những ngày đầu tháng 3, thép xây dựng 3 lần tăng giá. Nhiều mặt hàng khác cũng tăng khiến hàng loạt nhà thầu đối mặt nguy cơ vỡ trận, nhiều công trình có thể vỡ tiến độ.

 

 

 

10 ngày, thép 3 lần tăng giá - Ảnh 1.

Giá thép xây dựng tăng nhanh, nhiều công trình có nguy cơ vỡ tiến độ – Ảnh: BẢO NGỌC

Tại khu vực miền Bắc, giá thép cây D10 CB300 Hòa Phát từ ngưỡng 17,12 triệu đồng/tấn vào đầu tháng, tăng lên các mức giá khoảng 17,42 triệu đồng/tấn (ngày 4-3), 17,83 triệu đồng/tấn (ngày 6-3), 18,43 triệu đồng/tấn (ngày 11-3).

Tại khu vực phía Nam, giá thép Miền Nam loại thép cuộn, thép cây cũng được tăng giá bán 3 lần theo đà tăng giá chung của thị trường thép. Giá thép cuộn Miền Nam từ 17,26 triệu đồng/tấn đã lên mức 18,57 triệu đồng/tấn. Thép cây xây dựng loại D10 CB300 giá từ 17,46 triệu đồng/tấn đã lên mức 18,78 triệu đồng/tấn. Tính chung, giá bán buôn thép xây dựng các loại đã tăng từ 600.000 – 1,4 triệu đồng/tấn. Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Quốc Hiệp – chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC) – cho biết ximăng và nhiều loại vật liệu xây dựng cũng tăng giá. Hiệp hội đã nhiều lần kiến nghị với các bộ, ngành, Chính phủ nhưng đến nay vẫn chưa có biện pháp hữu hiệu để tháo gỡ cho các nhà thầu xây dựng. Theo tính toán của VACC, thép xây dựng chiếm khoảng 18 – 20% giá thành xây dựng chung cư cao tầng, với công trình xây dựng cầu đường chi phí thép xây dựng lớn hơn nên ảnh hưởng rất lớn tới giá thành xây dựng. Nếu các cơ quan quản lý nhà nước không kiểm soát, hạ nhiệt giá, nhiều công trình sẽ vỡ tiến độ, buộc phải dừng thi công. “Ngành xây dựng hiện đóng góp khoảng 8-9% GDP cả nước, nếu ngành xây dựng bị tê liệt chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới mục tiêu tăng trưởng kinh tế khoảng 6% năm nay”, ông Hiệp nói.

10 ngày, thép 3 lần tăng giá - Ảnh 2.

Giá vật liệu xây dựng ở miền Tây đang tăng cao – Ảnh: C.HẠNH

Cũng theo ông Nguyễn Quốc Hiệp, hầu hết các nhà thầu xây dựng đang rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan, nhận thầu công trình rồi nhưng giá thép tăng đột biến nên “làm cũng chết, không làm cũng chết”. Nếu thi công công trình thì càng làm càng lỗ, ngược lại không tiếp tục thi công sẽ bị phạt tiến độ, thậm chí không được thanh toán phần khối lượng đã thi công.

Với các công trình tư nhân, nhà thầu và chủ dự án ngồi lại với nhau để tính điều chỉnh hợp đồng. Nhưng đối với các công trình đầu tư công, nhiều nhà thầu chấp nhận dừng dự án, chịu phạt nên ảnh hưởng tới tiến độ chung.

Hiện đơn giá vật liệu do sở xây dựng địa phương công bố thường “lạc hậu”, một phần do các sở cũng có cái khó. Công bố giá theo thị trường thì đơn giá thanh toán cao sẽ hụt ngân sách tỉnh, nên nhiều khi họ “cố tình” đưa ra thấp.

Để đảm bảo tính khách quan, Bộ Xây dựng đứng ra khảo sát, công bố đơn giá vật liệu theo vùng, khu vực, như vậy sẽ sát với thị trường hơn.

 

“Nóng” giá vật liệu xây dựng ở miền Tây

Không chỉ riêng giá sắt thép mà các mặt hàng vật liệu xây dựng khác như ximăng, cát, đá, gạch ống, gạch men… ở ĐBSCL cũng đồng loạt tăng giá. Ximăng tăng từ 5.000 – 7.000 đồng/bao, cát xây dựng tăng từ 30.000 – 40.000 đồng/m3

Tại TP Cần Thơ, ông Phạm Quốc Minh – chủ doanh nghiệp phân phối cát đá xây dựng – cho biết hiện không dám báo giá trước cho khách hàng vì giá vật liệu đầu vào đang “nhảy múa” từng ngày. “Hiện tại đang trong mùa khô nên nhiều người chọn làm thời điểm xây dựng. Nhưng hiện nay giá tăng quá cao, lượng hàng đầu vào không ổn nên tôi cũng rất ngại báo giá với khách hàng”, ông Minh cho biết.

Nhiều nhà thầu cho hay chi phí vật liệu xây dựng chiếm khoảng 65 – 70% giá dự toán xây dựng công trình. Do đó, thực trạng tăng giá đã trực tiếp ảnh hưởng đến chi phí đầu tư của nhiều dự án, công trình, nhà ở.

 

BẢO NGỌC – CHÍ HẠNH
TTO