Đừng để các học sinh F0, F1 phải ‘tự bơi’
Đừng để các học sinh F0, F1 phải ‘tự bơi’
Nhiều phụ huynh ở TP.HCM bức xúc cho biết đa số các trường chỉ tập trung vào việc dạy học trực tiếp mà “bỏ rơi” các học sinh F0, F1 khi các em không được đến trường.
Theo thống kê của Sở Giáo dục và đào tạo TP.HCM, chỉ từ ngày 7-2 đến 2-3, số lượng học sinh các cấp trên địa bàn thành phố nhiễm COVID-19 là 40.385 em. Từ đó kéo theo hơn 100.000 học sinh thuộc diện F1 phải nghỉ ở nhà để cách ly theo quy định của ngành y tế.
Tự học bằng cách… ghi bài
Chị N.H.M., phụ huynh có con học lớp 12 ở một trường THPT trên địa bàn quận 3 (TP.HCM), phản ảnh: “Lớp của con tôi có gần 20 học sinh thuộc diện F0, F1 phải nghỉ ở nhà. Vậy mà nhà trường không hề có phương án dạy học nào cho nhóm đối tượng này. Vợ chồng tôi rất sốt ruột với tình trạng này. Chỉ còn mấy tháng nữa là học sinh lớp 12 sẽ thi tốt nghiệp THPT mà học sinh ở nhà cả tuần không được học trực tuyến gì cả”.
Tương tự, chị Nh.H., phụ huynh có con học lớp 7 ở quận 1, cũng cho biết: “Cô giáo chủ nhiệm liên tục thông báo các trường hợp học sinh là F0, F1 trong group lớp, trong đó có con tôi. Chúng tôi hỏi vậy các cháu ở nhà sẽ học như thế nào, cô giáo nói ban cán sự lớp sẽ livestream lớp học trực tiếp cho các bạn ở nhà cùng xem. Nhưng con tôi bảo học theo hình thức đó không hiệu quả vì lớp rất ồn, cháu nghe không rõ và xem các con số, hình ảnh trên bảng cũng không rõ. Tôi báo lại với cô chủ nhiệm thì cô nói học sinh có thể tự học trên web trường thông qua các bài giảng của giáo viên bộ môn.
Tôi vào web trường và ngồi học cùng con, thực sự cảm thấy rất thất vọng khi thấy bài giảng của giáo viên bộ môn chính là… những nội dung học sinh cần ghi nhớ, cần chép vào tập chứ không phải clip bài dạy của giáo viên”.
Chưa kể, nhiều phụ huynh còn phản ánh với Tuổi Trẻ rằng học sinh tiểu học, THCS không thể tự học. “Học sinh cấp THPT thì còn có thể tự học bởi các em đã lớn, ý thức rõ ràng về trách nhiệm của bản thân. Con tôi một bé lớp 4, một bé lớp 6 mà khi nhiễm COVID-19 nhà trường bảo ở nhà tự học thì đúng là thử thách học sinh và cả phụ huynh. Lứa tuổi này chúng ta cho các cháu học online và có giáo viên nhắc nhở qua màn hình còn đỡ, chứ kêu các cháu tự học thì rất khó” – chị Thủy, phụ huynh ở quận Phú Nhuận, nói.
Sau khi mở trang web của trường lên, xem phần bài giảng của thầy cô giáo và chép bài xong, con tôi nói không hiểu gì cả. Tôi đành phải đóng vai giáo viên. Mà không phải bài nào, môn nào tôi cũng có đủ kiến thức để dạy con. Thế là tôi phải tìm hiểu trên mạng, mẹ học trước và hiểu vấn đề trước rồi giảng giải lại cho con. Như vậy, nhà trường đang đẩy trách nhiệm dạy học của mình về cho phụ huynh?
Một phụ huynh ở quận Phú Nhuận, TP.HCM
Giáo viên lo lắng
Thừa nhận việc cho học sinh cấp THCS tự học sẽ rất khó đạt được hiệu quả cao, ông Nguyễn Xuân Đắc, hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Gia Thiều (quận Tân Bình), cho biết: “Nếu giao cho học sinh tự học thì đa số các em chỉ ghi bài vào vở là coi như xong nhiệm vụ. Còn chuyện học sinh có hiểu bài, có nắm được bài hay không lại là chuyện khác.
Trong khi đó, việc tổ chức lớp học trực tuyến dành riêng cho học sinh F0, F1 cũng không đơn giản vì các giáo viên đã có thời khóa biểu dạy học của họ rồi.
Vì vậy, trường chúng tôi chọn giải pháp trang bị máy móc, đường truyền Internet thật tốt để giáo viên vừa dạy trực tiếp trên lớp vừa dạy trực tuyến cho những học sinh đang ở nhà. Hình thức này đảm bảo được việc học sinh ở nhà nhưng nghe rõ, nhìn rõ bài giảng của giáo viên trên lớp, còn học sinh ở nhà cũng có thể tương tác với thầy cô và các bạn cùng lớp bằng cách phát biểu, trao đổi… Dĩ nhiên, trường chúng tôi có yếu tố thuận lợi là được phụ huynh ủng hộ để mua sắm trang thiết bị phục vụ cho hình thức dạy học này”.
Trên thực tế, hình thức lớp học “2 trong 1” kể trên gần như giáo viên nào ở TP.HCM cũng biết đến nhưng không phải ai cũng thực hiện được.
“Cả trường tôi chỉ có 3 phòng được trang bị hệ thống Internet khá tốt để có thể dạy học 2 trong 1. Các phòng còn lại, nếu muốn dạy 2 trong 1 thì giáo viên phải tự bỏ tiền túi ra để mua cục phát WiFi dùng sim 4G nhưng nhiều lúc đường truyền cũng không ổn định. Vì vậy, tôi rất lo lắng về chất lượng dạy học, nhất là với học sinh lớp 9. Học theo kiểu “được chăng hay chớ” như hiện tại thì làm sao các em đủ năng lực thi tuyển sinh vào lớp 10 công lập?” – một giáo viên Trường THCS Colette (quận 3) thông tin.
*Ông Nguyễn Văn Hiếu (giám đốc Sở Giáo dục và đào tạo TP.HCM):
Không thể để học sinh tự “bơi”
Sở đã nắm được tình hình một số trường phổ thông chưa tổ chức dạy học cho những học sinh F0, F1 phải nghỉ ở nhà cách ly theo quy định của Bộ Y tế.
Tại buổi họp giao ban chuyên môn mới đây, tôi đã yêu cầu các nhà trường là chậm nhất ngày 11-3 phải có kế hoạch dạy học theo hướng thích ứng – linh hoạt với tình hình dịch bệnh như hiện nay. Trong đó, không thể để học sinh F0, F1 nghỉ ở nhà phải tự “bơi” mà nhà trường phải có biện pháp căn cơ dạy học cho những em này.
Tùy vào điều kiện cụ thể của từng đơn vị, các trường sẽ chọn hình thức tổ chức lớp học online dành riêng cho những học sinh F0, F1. Có thể tổ chức mỗi khối 1 lớp học online/bộ môn), cũng có thể chọn lựa hình thức dạy học “2 trong 1” nhưng với điều kiện có đủ máy móc, trang thiết bị, bảo đảm rằng học sinh ở nhà cũng có thể xem, nghe bài giảng, tương tác với giáo viên như ở lớp học trực tiếp…