23/01/2025

Tuyển sinh sớm, nhiều lựa chọn

Tuyển sinh sớm, nhiều lựa chọn

Từ 1-3, hàng loạt trường đại học bắt đầu nhận hồ sơ xét tuyển bằng phương thức điểm học bạ. Không chỉ trường tư, nhiều trường công cũng lần đầu xét tuyển bằng phương thức này.

 

Tuyển sinh sớm, nhiều lựa chọn - Ảnh 1.

Thí sinh nộp hồ sơ xét tuyển theo phương thức học bạ tại Trường ĐH Công nghệ TP.HCM vào ngày 18-2-2022 – Ảnh: M.G

Khoảng tháng 7-2022, thí sinh mới có kết quả thi tốt nghiệp THPT. Chỉ những thí sinh tốt nghiệp THPT mới đủ điều kiện xét tuyển đại học. Vì sao các trường nhận hồ sơ xét tuyển sớm như vậy?

Thí sinh có thể cân nhắc ngành mình thích và chọn thời điểm xét tuyển phù hợp. Dù trúng tuyển phương thức nào thì sinh viên sẽ học cùng nhau, chương trình như nhau. Do đó thí sinh không nên chờ đợi một phương thức nào đó mà mất cơ hội vào ngành, trường mình mong muốn.

Ông Phạm Thái Sơn (giám đốc Trung tâm tuyển sinh và truyền thông Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM)

Xét tuyển trước, tốt nghiệp THPT sau

Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM là đơn vị nhận hồ sơ xét tuyển sớm nhất, ngay từ 1-1-2022. Cũng như hầu hết các trường đại học khác, trường này xét tuyển điểm 5 học kỳ THPT (trừ học kỳ 2 lớp 12). Ông Phạm Thái Sơn – giám đốc Trung tâm tuyển sinh và truyền thông Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM – cho biết trường đã nhận được khoảng 200 hồ sơ của thí sinh.

“Số lượng thí sinh quan tâm đến phương thức này rất lớn. Nhiều bạn muốn có thông tin và nộp hồ sơ sớm, không cần chờ kết quả học kỳ 2 lớp 12. Những năm trước, với đợt xét tuyển này (kết thúc vào tháng 5) trường thường nhận được 4.000 – 5.000 hồ sơ. Thí sinh đủ điều kiện trường sẽ gửi thông báo dự kiến trúng tuyển, thí sinh nộp giấy chứng nhận tốt nghiệp THPT về trường sẽ trúng tuyển chính thức” – ông Sơn nói.

Cũng nhận hồ sơ xét tuyển học bạ từ tháng 1-2022 nhưng Trường ĐH Gia Định chỉ xét đối tượng đã tốt nghiệp THPT. Ông Trịnh Hữu Chung – phó hiệu trưởng Trường ĐH Gia Định – cho biết trong đợt xét tuyển đầu tiên này, trường nhắm đến đối tượng bộ đội xuất ngũ, thí sinh năm trước không đi học do lo ngại COVID-19. Đây là những người đã tốt nghiệp THPT. Đến nay, trường đã nhận được vài trăm hồ sơ. Trong khi đó, Trường ĐH Ngoại ngữ – tin học TP.HCM xét tuyển học bạ từ 1-3 và chỉ dành cho học sinh đang học lớp 12.

Từ 1-3, Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM bắt đầu nhận hồ sơ xét tuyển học bạ 5 học kỳ (trừ học kỳ 2 lớp 12) cho các ngành tuyển sinh. Mỗi thí sinh được đăng ký tối đa 20 nguyện vọng. Như vậy, trong đợt này trường chỉ tuyển thí sinh đang học lớp 12.

Ông Trần Thanh Thưởng – phó trưởng phòng tuyển sinh và công tác sinh viên Trường đại học Sư phạm kỹ thuật TP.HCM – cho biết vì số chỉ tiêu xét học bạ không nhiều nên trường không tuyển thí sinh tốt nghiệp THPT những năm trước.

“Thí sinh rất quan tâm đến phương thức này, hỏi rất nhiều nên trường nhận hồ sơ cũng như là một phương thức “ghi danh” để trường xét tuyển. Thí sinh đủ điều kiện chỉ trúng tuyển chính thức khi tốt nghiệp THPT. Học hay không là quyền thí sinh” – ông Thưởng nói thêm.

Nhiều trường đại học khác như Hồng Bàng, Công nghệ TP.HCM, Kinh tế tài chính TP.HCM, Văn Lang, Ngân hàng TP.HCM, Hoa Sen, Ngoại ngữ – tin học TP.HCM… xét tuyển học bạ đợt đầu tiên năm 2022 từ 1-3 cho cả đối tượng tốt nghiệp THPT và đang học lớp 12. Trong đó, từ ngày 14-2 đến 31-3, Trường ĐH Công nghệ TP.HCM nhận hồ sơ xét tuyển học bạ đợt 1 cho đối tượng đã tốt nghiệp THPT và đang học lớp 12 (xét tuyển 5 học kỳ). Ông Nguyễn Trần Ngọc Phương – phó trưởng phòng tư vấn truyền thông Trường ĐH Công nghệ TP.HCM – cho biết đến nay trường đã nhận 450 hồ sơ xét tuyển của thí sinh, phần lớn là học sinh lớp 12.

“Thí sinh muốn nộp sớm để có thêm an tâm, chủ động lựa chọn và đăng ký theo nguyện vọng của mình. Chỉ khi thí sinh tốt nghiệp THPT và xác nhận nhập học bằng cách nộp chứng nhận tốt nghiệp về cho trường thì thí sinh mới trúng tuyển chính thức” – ông Phương nói.

Trúng tuyển nhiều, nhập học ít

Trong vài năm qua, học bạ trở thành phương thức xét tuyển chủ lực ở nhiều trường đại học khi chỉ tiêu cho phương thức này tăng lên nhanh chóng và chỉ tiêu xét điểm tốt nghiệp THPT giảm đi. Cũng vì vậy mà số trường xét tuyển học bạ ngày càng nhiều. Năm nay, Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM lần đầu tiên xét tuyển học bạ cho các chương trình đại học chất lượng cao, quốc tế song bằng. Đáng chú ý là chỉ tiêu cho phương thức xét học bạ chiếm từ 60 – 85% tổng chỉ tiêu các ngành, số chỉ tiêu ít ỏi còn lại dành cho phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT. Các chương trình đại học đại trà không xét học bạ.

Vì không giới hạn số trường, nguyện vọng khi xét học bạ dẫn đến việc thí sinh “rải” học bạ ở rất nhiều trường, không có hệ thống lọc ảo chung khiến cho tỉ lệ thí sinh trúng tuyển phương thức này nhưng không nhập học rất lớn. Theo nhiều trường, tỉ lệ thí sinh trúng tuyển phương thức xét học bạ nhập học thực tế chỉ khoảng 30 – 40%.

Ông Nguyễn Trần Ngọc Phương cho biết số lượng trường xét học bạ nhiều nên nhiều khi thí sinh đi nộp hồ sơ xét tuyển sẽ làm luôn một vòng “city tour” khiến cho tỉ lệ ảo lên hơn 50%. Ông Trần Thanh Thưởng cho biết năm trước số thí sinh trúng tuyển xét học bạ nhập học vào trường chỉ khoảng 30%.

Trong khi đó, ông Phạm Thái Sơn cho biết do thí sinh có thể xét tuyển nhiều trường, bằng nhiều phương thức khác nhau nên tỉ lệ ảo của trường luôn ở mức khoảng 60% so với tổng số thí sinh gọi trúng tuyển.

Phí xét tuyển chênh nhau… 10 lần

Với phương thức xét học bạ, hầu hết các trường đại học ngoài công lập thu 30.000 đồng/hồ sơ. Các trường công lập có phí xét tuyển chênh lệch rất lớn. Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM thu phí 15.000 đồng/nguyện vọng, Trường ĐH Kinh tế – luật (Đại học Quốc gia TP.HCM) thu 25.000 đồng/nguyện vọng cho một số phương thức xét tuyển. Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM thu 30.000 đồng/nguyện vọng. Nhiều trường đại học công lập khác thu từ 100.000 đến 150.000 đồng/nguyện vọng, cao hơn 10 lần so với mức thấp nhất. Trong đó, Trường ĐH Điện lực và Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM thu 100.000 đồng/nguyện vọng, Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM thu 150.000 đồng.

 

MINH GIẢNG
TTO