23/01/2025

Đề xuất nâng cấp hàng loạt huyện lên thành phố

Đề xuất nâng cấp hàng loạt huyện lên thành phố

Sau khi 3 quận của TP.HCM là Q.2, Q.9, Q.Thủ Đức sáp nhập để hình thành nên TP.Thủ Đức, UBND TP.HCM tiếp tục xây dựng đề án đầu tư – xây dựng các huyện thành quận (hoặc TP thuộc TP.HCM) giai đoạn 2021 – 2030, gồm Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè, Củ Chi và Cần Giờ.

 

 

 

Mới đây, Hà Nội cũng đề xuất chủ trương và quy hoạch vùng huyện Đông Anh, Sóc Sơn, Mê Linh trở thành TP trực thuộc thủ đô.

Lên thành phố dễ hơn quận?

Nói về đề xuất lên thẳng TP thay vì lên quận, Bí thư Huyện ủy Củ Chi Nguyễn Quyết Thắng cho rằng Củ Chi sẽ phát triển theo hướng đô thị sinh thái, TP trực thuộc TP.HCM, để làm đối trọng với Cần Giờ là 2 đô thị sinh thái. Khi lên TP, Củ Chi sẽ không bỏ đất nông nghiệp, kết hợp với nguồn lực huy động bên ngoài để phát triển theo hướng đô thị thông minh, đô thị sinh thái, phát triển nông nghiệp công nghệ cao và công nghiệp công nghệ cao. Đồng thời nâng cao giá trị khai thác đất, hình thành các khu công nghiệp công nghệ cao, thu hút doanh nghiệp sản xuất nông sản sạch, không khuyến khích các ngành thâm dụng lao động, gây ô nhiễm.

Đề xuất nâng cấp hàng loạt huyện lên thành phố - ảnh 1
TP.Thủ Đức được thành lập hơn 1 năm, nhưng đến nay vẫn chưa có một cơ chế đặc thù giúp nơi đây phát triển vượt bậc  ĐÌNH SƠN

Bà Phạm Phương Thảo, nguyên Chủ tịch HĐND TP.HCM, cũng cho rằng Củ Chi không nên lên quận mà nên lên TP. Bởi lẽ, nếu lên quận thì Củ Chi sẽ không giữ được phần nông nghiệp, còn lên TP thì có thể gìn giữ và phát triển các xã nông nghiệp để phát triển các thế mạnh, nhằm thu hút khách du lịch. Nếu lên thẳng TP, H.Củ Chi đã gần như đáp ứng yêu cầu. Trong khi đó, để lên quận thì sẽ có “độ trễ” và đòi hỏi nhiều thời gian hơn.

Lý giải về việc đề xuất đưa các quận, huyện ngoại thành, đặc biệt là Củ Chi lên TP, lãnh đạo UBND TP.HCM cho biết việc này nhằm thực hiện chương trình đột phá đổi mới quản lý TP đã được Đại hội đại biểu Đảng bộ TP lần thứ XI nhiệm kỳ 2020 – 2025 đề ra. TP.HCM sẽ ưu tiên ngân sách tổ chức lập, rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch, nhất là các quy hoạch chung, quy hoạch phân khu đô thị, quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng, quy hoạch chi tiết các khu đô thị mới… Tuy nhiên, đây chỉ mới là đề án, nếu được thông qua sẽ đưa vào vào đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP.HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060 và quy hoạch TP.HCM thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Không nên duy ý chí muốn lên thành phố ngay lập tức mà không quan tâm đến tiêu chuẩn về đô thị, hạ tầng. Có lẽ ý nghĩa sâu xa của ý tưởng này là muốn chuyển đất nông nghiệp thành đất đô thị khi đẩy huyện lên thành phố, nếu như vậy thì việc lên thành phố chưa thật sự cần thiết

TS Cao Vũ Minh, Trường đại học Luật TP.HCM

Chính quyền Hà Nội thì lý giải đề xuất H.Mê Linh lên thẳng TP bởi huyện này được xác định là vùng kinh tế trọng điểm, trong đó lấy phát triển công nghiệp, dịch vụ, đô thị là trọng tâm gắn với phát triển văn hóa, xã hội, đô thị là trọng tâm gắn với phát triển văn hóa, xã hội phía tây bắc thủ đô Hà Nội. Trong khi đó, Đông Anh là huyện có lợi thế lớn về giao thông. Phần lớn đất đai của Đông Anh nằm trong vùng quy hoạch phát triển công nghiệp, đô thị. Đây là điều kiện thuận lợi cho việc giao lưu giữa Hà Nội với các tỉnh đông bắc và là cửa ngõ giao lưu quốc tế. Còn Sóc Sơn là huyện có diện tích rộng thứ 2 của TP, là huyện đầu mối kết nối giao thông thủ đô và các tỉnh phía bắc, trung tâm kết nối giao thương quốc tế qua sân bay Nội Bài. Địa bàn huyện có nhiều công trình an ninh quốc phòng, nhiều tiềm năng phát triển công nghiệp thương mại, dịch vụ. Nếu được lên TP sẽ có thêm cơ chế nguồn lực để trở thành các TP vệ tinh của Hà Nội, vừa giúp giãn dân vừa khai thác các lợi thế nhằm thúc đẩy kinh tế ở những khu vực này và cả TP.Hà Nội phát triển.

Mới chỉ là “siêu quận”

TS Cao Vũ Minh, Trường đại học Luật TP.HCM, cho rằng không nên nóng vội mà cần đi từng bước; việc cưỡng ép đô thị hóa không giúp ích gì cho cơ sở vật chất, cũng như sự chăm sóc cho người dân được tốt hơn khi mà nguồn lực đầu tư chưa có hoặc chưa sẵn sàng. Trong khi đó, chính quyền đô thị hướng đến mục đích cuối cùng là tạo ra sự thuận lợi và mức độ thụ hưởng của người dân. Không nên duy ý chí muốn lên TP ngay lập tức mà không quan tâm đến tiêu chuẩn về đô thị, hạ tầng. Có lẽ ý nghĩa sâu xa của ý tưởng này là muốn chuyển đất nông nghiệp thành đất đô thị khi đẩy huyện lên TP, nếu như vậy thì việc lên TP chưa thật sự cần thiết, theo TS Cao Vũ Minh.

KTS Trần Tuấn dẫn chứng, các nước trên thế giới khi đô thị hóa 60 – 80% thì sống tốt, tự quản trị được, có chia sẻ thuế với chính quyền; cao hơn sẽ thành lập các TP trực thuộc, TP vệ tinh. Điển hình như vùng đô thị Tokyo (Nhật Bản) có 23 TP nhỏ có chính quyền riêng, có quyền hạn riêng, song vẫn phụ thuộc chính quyền vùng Tokyo. Phố Đông Thượng Hải (Trung Quốc) cũng tương đương một TP, có bộ máy lãnh đạo riêng. Bản chất vùng có nhiều TP vệ tinh để không bị sức ép của giao thông, ô nhiễm, giáo dục, y tế. Đặc biệt, khi một TP có nhiều TP trực thuộc sẽ có thêm nguồn lực, cơ chế vượt trội để phát triển và phân phối dân cư, hạ tầng đồng đều ở các nơi, không “dồn nén” quá nhiều vào khu vực trung tâm, từ đó gây quá tải cho hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng đô thị. Nhưng thực tế từ các địa phương như Hải Phòng, Quảng Ninh, TP.HCM… cho thấy dù các TP mới được thành lập nhưng chưa có một cơ chế rõ ràng trong việc phân cấp, phân quyền đủ lớn để những nơi này tự chủ và phát triển. TP.Thủ Đức đến nay chỉ có tác dụng duy nhất là “đẩy” giá nhà đất tăng mạnh kể từ khi được thành lập.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, cũng cho rằng các TP trực thuộc T.Ư đang có cơ chế để thực hiện chính quyền đô thị, nên trong TP có TP trực thuộc là chuyện bình thường. Ngoài TP.Thủ Đức, TP.HCM cũng có thể thành lập TP.Tây Bắc gồm huyện Củ Chi và Hóc Môn để khai thác quỹ đất nông nghiệp phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Đây là điều cần thiết để giãn dân, thích nghi với biến đổi khí hậu, nước biển dâng khi nơi đây có địa hình cao.

Nhưng để các TP trực thuộc này phát huy tác dụng thì cần một cơ chế lớn nhất, cơ chế đặc thù, vượt trội để thu hút đầu tư hạ tầng, khai thác các quỹ đất, phát triển y tế, giáo dục… tương xứng. Đơn giản như việc cấp sổ đỏ cho người dân và doanh nghiệp, có thể phân quyền cho nơi đây được tự cấp mà không cần phải thông qua Sở TN-MT. Người có thẩm quyền chịu trách nhiệm rộng hơn so với thẩm quyền của chủ tịch các quận huyện hiện nay về tự quyết ngân sách, tự bổ nhiệm cán bộ, tự điều hành và chịu trách nhiệm trước lãnh đạo TP. Chứ không phải như TP.Thủ Đức hiện nay chỉ đang là một “siêu quận”, chưa có một chính sách riêng, đột biến nào để phát triển.

“TP có những tiêu chí khác với quận, mà khi trở thành TP, TP đó hoàn toàn có thể chủ động được các định hướng chỉ tiêu, mức độ đô thị hóa riêng, phát huy hiệu quả về đất đai, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân và diện mạo đô thị. Nếu không làm được như vậy sẽ có tác dụng ngược khi gom các quận huyện vào chung một chỗ sẽ tạo ra một bộ máy cồng kềnh, chậm chạp”.

Ông Lê Hoàng ChâuChủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM

 

ĐÌNH SƠN

TNO