Mưu tính riêng từ hợp tác chung

Mưu tính riêng từ hợp tác chung

Sau nhiều năm thương thảo, Trung Quốc và Pháp đã đạt được thoả thuận đầu tiên về hợp tác cùng khai phá thị trường thứ ba.

 

 

Thỏa thuận giúp Pháp trở thành nước đầu tiên hợp tác với Trung Quốc trên phương diện này. Nội dung chính là hai bên cùng nhau chi ra 1,7 tỉ USD để đầu tư vào các dự án phát triển cơ sở hạ tầng ở các nước châu Phi, Đông Âu và Đông Nam Á.

Mưu tính riêng từ hợp tác chung - ảnh 1
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron chào đón Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Điện Elysee ở Paris tháng 3.2019.  REUTERS

Châu Phi được Pháp đặc biệt coi trọng ở thỏa thuận này vì cho tới nay Trung Quốc đã đầu tư trực tiếp rất nhiều vào các nước ở châu lục nói chung cũng như vào các thành viên cộng đồng nói tiếng Pháp nói riêng và Pháp không muốn để cho Trung Quốc độc quyền ảnh hưởng ở những nơi này. Trong khi đó, Trung Quốc lại đặc biệt coi trọng thị trường Đông Âu.

Hợp tác chung nhưng từng bên theo đuổi mục đích và lợi ích chiến lược trước mắt cũng như lâu dài riêng. Định hướng chính sách của Pháp đối với Trung Quốc là hợp tác trên những lĩnh vực có thể hợp tác được, đồng thời đối địch với Trung Quốc về hệ thống chính trị, chính trị, quân sự và an ninh ở một số khu vực trên thế giới. Trung Quốc sử dụng sự hợp tác này với Pháp để tranh thủ các nước châu Âu và phân rẽ họ với EU cũng như để giảm thiểu tai tiếng bất lợi lâu nay về mục đích và cách thức Trung Quốc thực hiện hợp tác đầu tư với các nước châu Phi và Đông Âu cũng như thực hiện dự án Vành đai, Con đường ở hai khu vực này.

Dự án hợp tác chung nhưng mục đích của hai bên không tương đồng nên xung khắc lợi ích về lâu dài khó tránh khỏi. Có lẽ vì ý thức được điều ấy nên hai bên chủ ý khởi đầu ở quy mô nhỏ, như thể vừa làm vừa thử nghiệm. Dù vậy vẫn có thể dự liệu rằng rồi đây sẽ có thêm nhiều đối tác khác nữa làm theo mô hình hợp tác này của Pháp và Trung Quốc.

PHẠM LỮ

TNO