24/01/2025

Châu Âu khát… lao động ngoài khối

Châu Âu khát… lao động ngoài khối

Sau hai năm lao đao vì COVID-19, các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) đang nỗ lực khôi phục sản xuất. Tuy nhiên, họ đang gặp phải tình trạng thiếu hụt lao động trầm trọng do nhiều lao động nước ngoài đã về nước để tránh dịch.

 

 

 

Châu Âu khát… lao động ngoài khối - Ảnh 1.

Ông David (thứ hai từ phải sang), làm pha chế tại khách sạn Le Littré ở Paris, cảm thấy rất vui vì đã lâu lắm rồi mới gặp được một nhóm khách đông đúc (nhóm nhà báo châu Á) – Ảnh: Kosuke Takahashi

Trong bài phát biểu về tình hình lao động của khối EU hồi cuối tháng 1, ủy viên Nội vụ EU, bà Ylva Johansson, cho biết khối này đang thiếu từ chuyên gia công nghệ thông tin, bác sĩ, kỹ sư, dược sĩ, giáo viên, y tá cho tới đầu bếp, thợ ống nước, tài xế xe tải, thợ hàn, thợ nề, thợ điện, thợ mộc…

Cần bổ sung lao động cấp bách

Dịch bệnh làm trầm trọng thêm tình hình thiếu hụt lao động ở châu Âu, vốn gặp khó khăn về lao động từ nhiều năm qua. Hai cuộc thế chiến đã cướp đi rất nhiều sinh mạng, trong khi tỉ lệ sinh luôn thấp hơn các châu lục khác. Ví dụ tại Đan Mạch, vào đầu thế kỷ 20 trung bình một phụ nữ có 4-5 người con, thì đến 2015 chỉ còn 1,67 dù Nhà nước đã nỗ lực khuyến khích chuyện gia tăng dân số.

Tại cuộc họp trên, bà Johansson đã đề nghị các nước tạo điều kiện dễ dàng cho công dân mang quốc tịch nước ngoài sinh sống tại đây tham gia thị trường lao động, đặc biệt là những người có tay nghề cao.

Khối EU có khoảng 450 triệu dân, trong đó người trong độ tuổi 15 – 64 chiếm 67,17%, tỉ lệ người trong tuổi lao động có tham gia lao động được ghi nhận vào cuối năm 2021 là 69,3%. Dù vậy, theo chuyên trang kinh tế da.dk, hiện có hơn 1/5 công ty công nghiệp và dịch vụ trong khối, khoảng 1/2 số công ty xây dựng của Thụy Điển và Ba Lan, 1/3 công ty xây dựng của Đức và Litva phải hạn chế sản xuất vì không đủ công nhân có tay nghề.

Các nước ít dân như Đan Mạch thì bị ảnh hưởng nặng do thiếu nguồn cung lao động từ Đức, Ba Lan, Thụy Điển, Romania, Lithuania. Hiện trong khối có khoảng 17 triệu công dân sang làm việc tại một nước thành viên khác, cao gấp đôi cách đây một thập niên. Do dân số cả khối không tăng nên khi nơi này đủ thì nơi khác lại thiếu.

Do vậy, nhiều nước đã hướng tới giải pháp nhập khẩu thêm lao động có thời hạn từ ngoài khối EU. Trước dịch COVID-19, có 8,6 triệu người ngoài khối EU làm việc tại đây, chiếm 4,6% lực lượng lao động.

Bên cạnh đó, những năm gần đây EU còn nhận vào những lao động có trình độ chuyên môn cao, như Đan Mạch tuyển dụng nhiều bác sĩ từ Ấn Độ và Nga. Năm 2018, Đức đã thông qua đạo luật mới nhằm tạo điều kiện dễ dàng cho những công dân ngoài EU mà có trình độ cao đến nước này làm việc.

Mới đây, ông Robert Habeck, bộ trưởng Bộ Kinh tế và hành động khí hậu Đức, cho biết nước này cần 400.000 lao động có trình độ từ các quốc gia khác để bù vào sự thiếu hụt trong các lĩnh vực quan trọng do ảnh hưởng của dịch bệnh.

Tuy nhiên, giải pháp này đã vấp phải sự phản đối của nhiều hiệp hội lao động vì EU vẫn có khoảng 15 triệu người trong tuổi lao động còn thất nghiệp. Trên thực tế, trong số các lao động thất nghiệp này, có nhiều người không đi làm do kén chọn công việc hoặc do thu nhập từ công việc không cao hơn tiền trợ cấp thất nghiệp.

Nhập khẩu lao động: 3 bên cùng có lợi

Nhiều nước châu Âu đang cố gắng tìm giải pháp. Ví dụ, Đan Mạch áp dụng một số sáng kiến nhằm khuyến khích những người còn nhàn rỗi đi làm việc, chẳng hạn như tăng giới hạn mức lương phải chịu thuế thu nhập cá nhân, đẩy mạnh công tác dạy nghề cho thanh niên…

Bên cạnh đó, Thủ tướng Đan Mạch Frederiksen hứa sẽ thảo luận với cộng đồng doanh nghiệp về việc nới lỏng các quy định về lao động nhập cư.

Trên quy mô EU, Ủy ban châu Âu vào tháng 6-2021 đã khởi động sáng kiến “Đối tác nhân tài”, trong khuôn khổ hiệp ước mới về di cư và tị nạn, nhằm thu hút lao động từ các nước đang phát triển.

Nghị viện EU cũng đề xuất Ủy ban châu Âu sớm lên kế hoạch tiếp nhận những người có kỹ năng thấp và trung bình để giảm tình trạng lao động bất hợp pháp, đồng thời đảm bảo cho họ những quyền lợi chính đáng về tiền lương, điều kiện và giờ làm việc.

Có nhiều lao động phổ thông nhập cư bị bóc lột, phải làm việc trong những điều kiện không an toàn, thậm chí phạm pháp do thiếu thông tin hoặc bị các mạng lưới lao động “chui” lừa đảo. Thậm chí mới đây một phụ nữ người Nicaragua giúp việc nhà cho nữ Thủ tướng Thụy Điển Magdalena Andersson bị phát hiện là người lao động bất hợp pháp.

Trong năm nay, khối EU sẽ áp dụng bộ quy định mới về lao động nhập cư để phát triển các kênh nhập khẩu lao động hợp pháp, ngăn chặn chuyện tuyển dụng gian dối, lừa đảo và nạn bóc lột người lao động.

Nhập khẩu lao động có thể được xem như một giải pháp “3 bên cùng có lợi”: nước thuê mướn lao động thì không tốn chi phí đào tạo, nước xuất khẩu lao động có nguồn thu và giải quyết được tình trạng thất nghiệp, người lao động thì có thu nhập lẫn kinh nghiệm làm việc trong một môi trường phát triển.

Quan trọng hơn cả, sự phối hợp tốt giữa các bên sẽ giảm thiểu được những rủi ro ngoài ý muốn mà những người lao động có nguy cơ gặp phải nếu sa vào những mạng lưới buôn người.

Làm pha chế ở Paris lương cao dù ít… khách

Trò chuyện với đoàn nhà báo châu Á đang công tác ở Paris vào tối 25-2, ông David – người Hong Kong, làm nghề pha chế cho quán bar trong khách sạn Le Littré ở quận 6 – cho biết do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên rất ít khách uống rượu tại quán bar của ông như trước dịch.

Theo quan sát của người viết, “kinh đô ánh sáng” Paris, từng thu hút gần 40 triệu du khách vào năm 2019 (thời điểm trước dịch), rất thưa vắng vào thời điểm này do có ít du khách. Hiện Pháp chưa mở visa du lịch cho du khách quốc tế (những du khách trong khối EU được đi lại tự do nếu có “hộ chiếu vắc xin”).

Theo ông David, không chỉ nghề pha chế mà còn nhiều công việc khác ở Paris đang rất thiếu hụt lao động do vắng khách và nhiều lao động nghỉ để tránh dịch.

“Tuy nhiên, các khách sạn ở Paris vẫn rất cần người pha chế, nên đây cũng là lý do để chúng tôi thỏa thuận mức lương cao hơn với chủ sử dụng lao động” – ông David nói.

QUỲNH TRUNG

QUẾ VIÊN (từ Đan Mạch)
TTO