23/12/2024

Donetsk và Luhansk: từ tuyên bố tự trị đến được Nga công nhận độc lập

Donetsk và Luhansk: từ tuyên bố tự trị đến được Nga công nhận độc lập

Hai vùng Donetsk và Luhansk tuyên bố tự trị từ năm 2014 và vừa được Tổng thống Nga Vladimir Putin công nhận là cộng hòa độc lập.

 

 

Hai vùng Donetsk và Luhansk nằm ở miền đông Ukraine là khu vực chuyên về hoạt động khai khoáng. Donetsk được coi là thành phố lớn nhất của vùng này và từng có tên là Stalino. Đây là một trong số các trung tâm sản xuất thép chính của Ukraine, có dân số 2 triệu người, theo AFP.

Donetsk và Luhansk: từ tuyên bố tự trị đến được Nga công nhận độc lập - ảnh 1
Một địa điểm tại thành phố Donetsk  REUTERS

Luhansk trước đây gọi là Voroshilovgrad, là thành phố công nghiệp với 1,5 triệu dân. Cư dân chủ yếu tập trung tại các vùng lưu vực, tại biên giới Nga ở bờ phía bắc của biển Đen, nơi có trữ lượng than lớn.

Năm 2014, sau cuộc biến động chính trị tại Ukraine, hai vùng Donetsk và Luhansk tuyên bố tự trị và xung đột với quân đội Ukraine. Việc tuyên bố độc lập được thực hiện sau các cuộc trưng cầu dân ý nhưng không được quốc tế công nhận.

Kiev và phương Tây cáo buộc Moscow kích động cuộc nổi dậy và hỗ trợ lực lượng ly khai nhưng Nga bác bỏ hoàn toàn các cáo buộc.

Donetsk và Luhansk: từ tuyên bố tự trị đến được Nga công nhận độc lập - ảnh 2
Trực thăng quân sự của Ukraine bay gần một mỏ than ở Donetsk  REUTERS

Những nỗ lực giải quyết xung đột tại miền đông Ukraine dẫn đến các thỏa thuận Minsk vào năm 2015, theo đó các bên cam kết ngừng bắn và rút vũ khí hạng nặng khỏi chiến tuyến. Tuy nhiên, các vụ tấn công qua lại vẫn diễn ra thường xuyên và cả hai bên đều tố cáo nhau vi phạm. Xung đột đến nay đã khiến hơn 14.000 người thiệt mạng, theo AFP.

Thỏa thuận Minsk cũng vạch ra lộ trình trao quyền tự trị lớn hơn cho hai vùng này và bầu cử theo luật pháp Ukraine. Tuy nhiên, những nội dung này vẫn chỉ nằm trên giấy và các bên chỉ trích nhau không nỗ lực thực hiện.

Donetsk và Luhansk đòi quyền độc lập và tách hoàn toàn khỏi Ukraine. Các vùng này bầu ra lãnh đạo riêng của mình. Theo đó, “Cộng hòa Nhân dân Donetsk” tự xưng có “Tổng thống” là ông Denis Pushilin, được bầu vào năm 2018 sau khi lãnh đạo trước đó là ông Alexander Zakharchenko thiệt mạng trong một vụ nổ tại quán cà phê ở Donetsk. Ông Leonid Pasechnik là “Tổng thống” của “Cộng hòa Nhân dân Luhansk” tự xưng.

Donetsk và Luhansk: từ tuyên bố tự trị đến được Nga công nhận độc lập - ảnh 3
Ông Denis Pushilin, lãnh đạo vùng Donetsk  REUTERS
Donetsk và Luhansk: từ tuyên bố tự trị đến được Nga công nhận độc lập - ảnh 4
Ông Leonid Pasechnik, lãnh đạo vùng Luhansk  REUTERS

Xung đột tái bùng phát giữa hai vùng này và quân chính phủ Ukraine từ giữa tháng 2. Ngày 18.2, lãnh đạo hai vùng này ra lệnh sơ tán dân thường sang Nga và lệnh tổng động viên để chuẩn bị phòng thủ trước khả năng tấn công của quân chính phủ Ukraine nhằm giành lại quyền kiểm soát. Phía Kiev bác bỏ hoàn toàn cáo buộc này.

Ngày 21.2, ông Pushilin và ông Pasechnik đề nghị Tổng thống Nga Vladimir Putin công nhận hai vùng Donetsk và Luhansk là cộng hòa độc lập với lý do là nhằm ngăn chặn nguy cơ dân thường thiệt mạng, trong đó có công dân Nga đang sống tại các vùng này, theo TASS.

Donetsk và Luhansk: từ tuyên bố tự trị đến được Nga công nhận độc lập - ảnh 5
Tổng thống Putin (bìa phải) và lãnh đạo hai vùng Donetsk và Luhansk trong buổi lễ ký quyết định công nhận độc lập tại Moscow ngày 21.2   REUTERS

Tổng thống Putin triệu tập cuộc họp Hội đồng An ninh quốc gia để nghe ý kiến của các quan chức cấp cao về việc này và sau đó ký sắc lệnh chính thức “công nhận độc lập và chủ quyền của Cộng hòa Nhân dân Donetsk và Cộng hòa Nhân dân Luhansk”.

Nhà lãnh đạo gọi đây là quyết định cần thiết, đã bị trì hoãn từ lâu và tuyên bố tự tin rằng “công dân Nga và toàn bộ các lực lượng yêu nước” ủng hộ quyết định của ông.

Quyết định vấp phải phản ứng dữ dội từ Liên Hiệp Quốc và các nước phương Tây.

 

VI TRÂN

TNO