24/01/2025

Ngăn lạm phát vượt 4%

Ngăn lạm phát vượt 4%

Giá nguyên nhiên vật liệu đầu vào, trong đó có xăng dầu, thép xây dựng, đang tăng mạnh, nhưng bà Nguyễn Thu Oanh – vụ trưởng Vụ Thống kê giá, Tổng cục Thống kê – tin tưởng sẽ kiểm soát được lạm phát năm nay dưới 4%.

 

 

Ngăn lạm phát vượt 4% - Ảnh 1.

Ổn định giá cả, nhất là lương thực, thực phẩm là mong muốn của người tiêu dùng. Trong ảnh: mua thực phẩm tại siêu thị – Ảnh Q.ĐỊNH

Tuy vậy, bà Oanh nói để kiềm chế lạm phát trong năm nay, cần thực hiện đồng bộ 5 giải pháp. Bà phân tích:

Anh Box 2

Bà Nguyễn Thu Oanh – vụ trưởng Vụ Thống kê giá, Tổng cục Thống kê

– Chỉ số giá tiêu dùng CPI (lạm phát) tháng 1-2022 tăng 1,94% so với cùng kỳ năm trước, cho thấy áp lực lạm phát cả năm rất lớn. Ngay trong những tháng đầu năm, giá cả hàng hóa tại nhiều nước trên thế giới tăng cao, tác động tới giá cả hàng hóa trong nước.

Tuy nhiên, với kinh nghiệm điều hành lạm phát thành công trong nhiều năm qua của Chính phủ, sự phối hợp hiệu quả của các bộ, ngành, địa phương, tôi tin chúng ta sẽ kiểm soát được CPI năm 2022 khoảng 4% như mục tiêu Quốc hội đề ra.

Cần dự báo các mặt hàng, nguyên vật liệu nào có khả năng thiếu hụt tạm thời và trong dài hạn để có chính sách ứng phó phù hợp… đồng thời thông tin kịp thời, minh bạch, tạo sự đồng thuận trong dư luận với công tác điều hành giá của Chính phủ, ổn định tâm lý người tiêu dùng.

Bà NGUYỄN THU OANH

Nhiều yếu tố nguy cơ đẩy lạm phát

* Xăng dầu, sắt thép là nhiên liệu, nguyên vật liệu đầu vào vừa tăng giá rất mạnh, theo bà điều này ảnh hưởng thế nào đến lạm phát trong thời gian tới?

– Khi giá nguyên nhiên vật liệu thế giới nhiều lĩnh vực tăng mạnh, chúng ta phải nhập khẩu nguyên liệu với mức giá cao sẽ ảnh hưởng đến chi phí sản xuất của doanh nghiệp, giá thành sản phẩm, từ đó đẩy giá hàng hóa tiêu dùng trong nước lên cao. Nền kinh tế đang phụ thuộc rất lớn vào nguyên vật liệu nhập khẩu, theo điều tra năm 2012 của tổng cục khoảng 37%.

Đặc biệt, giá xăng, dầu hiện nay ở mức cao đang ảnh hưởng trực tiếp đến tiêu dùng của người dân, tác động tới các ngành vận tải, làm tăng chi phí lưu thông, đẩy chi phí sản xuất doanh nghiệp lên cao, nên chắc chắn sẽ gây áp lực lớn với lạm phát thời gian tới.

Cũng theo điều tra năm 2012, chỉ riêng giá xăng dầu trong nước chiếm 2 – 3,5% tổng chi phí sản xuất, nên khi xăng dầu tăng giá thì tất cả các ngành sản xuất đều bị ảnh hưởng. Về tiêu dùng thì khoảng 1,52% tiêu dùng người dân là chi tiêu cho xăng dầu, đây là chi phí bắt buộc người dân phải chi trả hằng ngày.

* Nhiều nước đang chịu lạm phát cao, Việt Nam chịu những tác động chính nào có nguy cơ đẩy lạm phát tăng mạnh?

– Nền kinh tế thế giới đang phục hồi, nhiều nước phát triển ghi nhận mức lạm phát cao nhất lịch sử.

Với nền kinh tế có độ mở lớn như Việt Nam, áp lực rủi ro lạm phát nhập khẩu là rất lớn. Lạm phát sẽ chịu tác động của vấn đề tăng giá nguyên nhiên vật liệu trên thế giới như xăng dầu, than, giá vận chuyển. Việc nhập khẩu nguyên liệu với mức giá cao sẽ ảnh hưởng đến chi phí sản xuất, giá thành sản phẩm, từ đó đẩy giá hàng hóa tiêu dùng trong nước lên cao, tạo áp lực cho lạm phát.

Giá nhập khẩu thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi tăng sẽ tác động vào giá thực phẩm. Giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở được tính trong CPI cũng sẽ tăng theo giá nguyên liệu dùng trong xây dựng.

Giá dịch vụ giáo dục có thể sẽ tăng trở lại do một số địa phương kết thúc thời gian được miễn, giảm học phí năm học 2021 – 2022 và ảnh hưởng của việc thực hiện lộ trình điều chỉnh giá dịch vụ giáo dục theo nghị định 81/2021/NĐ-CP quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập, giá dịch vụ giáo dục trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo…

Ngăn lạm phát vượt 4% - Ảnh 5.

Cần đồng bộ 5 giải pháp

* Như vậy, sức ép lạm phát năm nay không hề nhỏ. Theo bà, cần làm gì để kiểm soát được lạm phát, giữ vững được ổn định vĩ mô trong dài hạn?

– Để giúp kiềm chế lạm phát trong năm 2022 và những năm tới, theo tôi, cần thực hiện 5 giải pháp.

Thứ nhất, Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương theo dõi chặt chẽ diễn biến giá cả, lạm phát trên thế giới, kịp thời cảnh báo các nguy cơ ảnh hưởng đến giá cả, lạm phát trong nước. Đặc biệt, cần dự báo các mặt hàng, nguyên vật liệu nào có khả năng thiếu hụt tạm thời và trong dài hạn để có chính sách ứng phó phù hợp. Kiểm soát giá nguyên vật liệu đầu vào, tăng cường sử dụng nguồn nguyên liệu trong nước, dần thay thế nguồn nhập khẩu.

Thứ hai, Bộ Công thương và Bộ Tài chính theo dõi sát diễn biến giá xăng dầu thế giới, đồng thời kết hợp Quỹ bình ổn xăng dầu để kiểm soát tăng giá của mặt hàng, tránh tác động tiêu cực đối với CPI.

Thứ ba, đối với các nguyên liệu đầu vào quan trọng như sắt thép, vật liệu xây dựng cần thúc đẩy tăng năng lực sản xuất trong nước, ưu tiên cung ứng cho thị trường trong nước hơn thị trường xuất khẩu. Đồng thời, cần chủ động các biện pháp bình ổn giá các mặt hàng, không để xảy ra các trường hợp tăng giá bất hợp lý.

Thứ tư, điều hành linh hoạt đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra.

Thứ năm, thông tin kịp thời, minh bạch, tạo sự đồng thuận trong dư luận đối với công tác điều hành giá của Chính phủ, ổn định tâm lý người tiêu dùng và ổn định kỳ vọng lạm phát.

Chỉ số lạm phát tăng bao nhiêu phần trăm trong năm nay phụ thuộc rất lớn vào hiệu quả đầu tư công trong quá trình kích cầu đầu tư. Nếu hiệu quả đầu tư công kém, thất thoát lớn, chắc chắn lạm phát sẽ tăng vọt.

TS BÙI TRINH

* Chuyên gia kinh tế BÙI TRINH:

Giảm tác động kép: thu nhập giảm, hàng đắt hơn

 

Anh Box 1

Chuyên gia kinh tế BÙI TRINH

 

Lạm phát năm 2022 tăng bao nhiêu phần trăm phụ thuộc vào 4 yếu tố: chi phí đẩy tăng (chi phí nguyên vật liệu, nhiên liệu đầu vào tăng), hiệu quả đầu tư công, cung tiền tăng, và sự phục hồi của cầu tiêu dùng.

Hiện cả 4 yếu tố này đều đưa đến nguy cơ lạm phát tăng cao trong năm 2022. Bên cạnh đó, nhờ chương trình phục hồi kinh tế quy mô lớn trong năm 2022 – 2023 nên cung tiền đang khá cao, thúc lạm phát tăng. Cầu tiêu dùng cũng đang dần hồi phục cùng quá trình hồi phục, mở cửa nền kinh tế.

Trong năm 2021, lạm phát chưa cao vì sức mua trong nền kinh tế quá yếu, giờ tình hình đã khác trước, sức mua đang cải thiện mạnh.

Việc Chính phủ tung gói hỗ trợ kinh tế theo hướng dành nguồn lực lớn để hỗ trợ đầu tư công, đặc biệt là đầu tư công trình hạ tầng lớn luôn tiềm ẩn rủi ro về đạo đức. Chỉ số lạm phát tăng bao nhiêu trong năm nay phụ thuộc rất lớn vào hiệu quả đầu tư công trong quá trình kích cầu đầu tư. Nếu hiệu quả đầu tư công kém, thất thoát lớn, chắc chắn lạm phát sẽ tăng vọt.

Lạm phát tăng cao sẽ tác động trực tiếp tới túi tiền người dân, họ sẽ phải bỏ nhiều tiền hơn để mua hàng hóa. Hơn nữa, lạm phát tăng cao cũng tác động trực tiếp tới lĩnh vực sản xuất, làm giảm giá trị gia tăng của sản xuất, giảm thu nhập lao động, khiến GDP chung của nền kinh tế sụt giảm.

Tóm lại lạm phát tăng cao sẽ tạo ra tác động kép, thu nhập người dân giảm đi trong khi họ phải bỏ nhiều tiền hơn để mua hàng hóa.

Cẩn thận áp lực từ gói hỗ trợ phục hồi kinh tế

Bà Nguyễn Thu Oanh: Khi dịch COVID-19 được kiểm soát, nhu cầu dịch vụ ăn uống ngoài gia đình, dịch vụ du lịch, vui chơi, giải trí tăng trở lại cũng tác động không nhỏ tới CPI chung. Tình hình rủi ro về thiên tai và thời tiết bất lợi có thể làm tăng giá cục bộ một số mặt hàng trong năm 2022.

Ngoài ra, khi kinh tế tăng trưởng dưới tác động của các gói hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế sẽ khiến nhu cầu tiêu dùng và đầu tư gia tăng gây sức ép không nhỏ lên giá cả hàng hóa, tạo áp lực lạm phát.

Cảm nhận áp lực tăng giá ngày càng rõ

034C6C4E-0058-466F-B894-6EA4D40991DA 4(Read-Only)

Giá nguyên vật liệu đầu vào tăng tạo áp lực lên mặt bằng giá cả hàng hóa hiện nay. Trong ảnh: người dân mua rau tại chợ Tân Sơn Nhất, quận Gò Vấp, TP.HCM chiều 18-2 – Ảnh: QuANG ĐỊNH

Chị Dung (ngụ quận 7, TP.HCM) cho biết mỗi lần đi chợ gần nhà, khoảng 200.000 đồng là được một ngày cơm tươm tất, giờ phải hơn 300.000 đồng, từ rau, cá đến thịt, hành ngò mọi thứ đều tăng giá.

“Sáng nay, ra ngoài ăn sáng mỗi tô phở đã tăng 8.000 đồng so với trước Tết. Thu nhập giảm, nhưng chi tiêu vẫn phải nhiều hơn vì giá cả tăng là bài toán rất đau đầu”, chị Dung nói.

Ngay sau Tết Nguyên đán, nhiều nhà phân phối, nhà bán lẻ nhận được thông báo tăng giá với nhiều mặt hàng thiết yếu như sữa, thực phẩm chế biến, gạo, mì…

Cụ thể, từ ngày 15-2, Frieslandcampina Việt Nam áp giá bán lẻ mới, 21 sản phẩm sữa dinh dưỡng công thức cho trẻ từ 0 tháng tuổi đến 6 tuổi của hãng này đều tăng giá. Trước đó, Vinamilk và Nestlé cũng điều chỉnh giá một số sản phẩm, trong đó Vinamilk điều chỉnh 62 sản phẩm trong phạm vi 5%.

Chị Hoàng, đại lý phân phối nước ở TP Thủ Đức (TP.HCM), cho biết ngay đầu năm 2022, các hãng cung cấp nước uống đều thông báo tăng giá bình quân 3.000 đồng/bình 20 lít vì chi phí vận chuyển và chi phí bao bì biến động. Đây là loại nước được sử dụng rộng rãi trong các gia đình, xí nghiệp… “Khách quen chuyển sang nước nấu ở nhà, nên đơn hàng cũng giảm. Nhân viên đi giao nước than rảnh quá”, chị Hoàng nói.

Các doanh nghiệp chế biến thực phẩm cũng phải tính lại bài toán chi phí vì đầu vào giá tăng mạnh. Ông Lưu Huỳnh, giám đốc marketing Công ty TNHH Meizan CLV, thừa nhận nguyên liệu để sản xuất các sản phẩm chế biến từ bột mì đã tăng rất mạnh và chưa có dấu hiệu dừng lại.

“Giá bột mì chưa làm gì đã lên 12.000 – 15.000 đồng/kg. Nguyên liệu tăng nhưng các nhà sản xuất cũng đang nhìn nhau để điều chỉnh giá vì sức mua sau Tết đang rất thấp. Nhiều doanh nghiệp không còn hàng dự trữ mới tăng giá bán lẻ mạnh”, ông Huỳnh cho hay.

Ngay cả những mặt hàng nước tẩy rửa, vải, quần áo… cũng có giá mới. Nhiều nhà phân phối cho biết giá hàng hóa tăng nên dù muốn làm chương trình khuyến mãi sau Tết cũng khó. Hiện các mặt hàng thực phẩm tươi sống như thịt, rau củ quả cũng nằm trong vòng xoáy tăng giá.

N.BÌNH

BẢO NGỌC thực hiện
TTO