24/11/2024

Giá hàng hoá ‘e dè’ vì sức mua yếu

Giá hàng hoá ‘e dè’ vì sức mua yếu

Sau gần 1 tuần xăng tăng giá gần 1.000 đồng/lít, giá cả nhiều mặt hàng thiết yếu vẫn khá ổn định do sức mua yếu.

 

 

Tại các siêu thị và chợ lẻ ở TP.HCM, nhóm hàng rau củ quả chưa có nhiều biến động, do nguồn hàng còn dồi dào; nhóm hàng thịt heo và thịt gia cầm giảm, chỉ nhóm hàng thủy sản tươi sống tăng giá mạnh do nhu cầu tăng cao.

Giá thịt heo, gà giảm

Theo bộ phận thông tin thị trường Công ty thức ăn chăn nuôi Anova Feed, khoảng vài ngày nay giá thịt heo hơi bắt đầu đi xuống sau nhiều ngày chững giá. Ngày 16.2, giá heo hơi giảm nhẹ 1.000 đồng/kg ở một số tỉnh thành trên toàn quốc.

Cụ thể tại miền Bắc, giá heo hơi giảm nhẹ ở một số tỉnh: Phú Thọ, Hưng Yên, Thái Bình, thu mua quanh mốc từ 55.000 – 57.000 đồng/kg. Tại Ninh Thuận, Huế, Quảng Trị, giá heo hơi cũng theo đà giảm nhẹ, thu mua từ 56.000 – 57.000 đồng/kg. Tại miền Đông và miền Tây, giá heo điều chỉnh ở một vài nơi: Bà Rịa-Vũng Tàu, Tây Ninh, An Giang. Nếu so với bình quân tháng trước tết thì giá thịt heo đang tăng khoảng 6.800 đồng/kg, tuy nhiên, nếu so với cùng kỳ năm trước thì giá thịt heo đã giảm hơn 30.000 đồng/kg. Hiện nay giá thịt heo mảnh trên thị trường vẫn ở mức 65.000 – 70.000 đồng/kg.

Giá hàng hóa 'e dè' vì sức mua yếu - ảnh 1
Thịt heo và rau quả không tăng theo giá xăng là do nguồn cung dồi dào  CHÍ NHÂN

Bên cạnh giá thịt heo, giá thịt gà cũng đang giảm nhẹ sau tết do nhu cầu tiêu dùng đã qua giai đoạn cao điểm. Giá thịt gà lông màu ngắn ngày trên cả nước đã đồng loạt giảm từ 3.600 – 4.000 đồng/kg so với tháng trước, còn 46.000 – 47.000 đồng/kg. Thịt vịt cũng giảm nhẹ và đang đứng ở mức 41.500 đồng/kg…

Trong khi đó, một số doanh nghiệp thức ăn chăn nuôi như De Heus, CTCP MNS Feed, CJ Vina Agri thông báo tăng giá bán thức ăn chăn nuôi từ 200 – 300 đồng/kg, áp dụng từ ngày 16 – 18.2. Đây cũng là đợt tăng giá thứ 10 kể từ cuối năm 2020. Lý do là giá nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi có nhiều biến động, tăng cao trong thời gian qua.

Ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, phân tích: “Ở thời điểm hiện tại, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, kèm theo căng thẳng chính trị giữa Nga và Ukraine khiến các nước cũng như các doanh nghiệp có xu hướng tăng cường tích trữ vì lo ngại giá hàng hóa leo thang. Bên cạnh đó, giá xăng dầu cũng tăng phi mã, chi phí vận chuyển, logistics đẩy giá nguyên liệu tăng theo. VN hiện đang phụ thuộc 90% nguyên liệu của thế giới nên giá cả sẽ biến động theo xu hướng chung, rất khó để trách các công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi. Vấn đề giá thịt heo trong nước không tăng mà còn đang giảm mấu chốt nằm ở sức mua và nguồn cung thịt heo trên thị trường đang dư thừa”.

Theo ông Công, hơn 10 năm trước chỉ có vài doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chăn nuôi, còn hiện tại thì có quá nhiều “ông lớn” trong nước lẫn nước ngoài nhảy vào đầu tư, khiến cho thị trường thêm chật chội. Tuy nhiên, do hiện nay tình hình kinh tế cả nước vẫn chưa trở lại bình thường như trước khi có dịch bệnh. Trường học, công ty, nhà máy sản xuất, du lịch, dịch vụ vẫn còn chưa mở cửa đầy đủ, nên sức mua còn yếu là điều dễ hiểu. Phải đến vài tháng nữa khi mọi thứ đã phục hồi bình thường thì giá thịt mới có thể tăng lên. Về lâu dài, ông Công cho rằng nông dân và các hợp tác xã cần phải áp dụng các tiến bộ khoa học, cải thiện năng suất, liên kết để hạ giá thành sản xuất.

Thủy sản tươi sống tăng

Trong khi đó, thủy hải sản luôn phải có hàng mới để đáp ứng nhu cầu thị trường nên giá cả phụ thuộc nhiều ở khâu vận chuyển và phân phối. Cho nên, mỗi khi giá xăng dầu biến động sẽ tác động lên nhóm hàng này rất nhanh.

Dịch vụ ăn uống “tăng giá ngầm”

Anh Nguyễn Minh Tâm, nhân viên văn phòng ở Q.3, cho biết do thường lui tới những quán quen mà anh cảm nhận rất rõ áp lực của giá cả lên các dịch vụ ăn uống hằng ngày của dân văn phòng. Sau dịch, từ ly cà phê đến hộp cơm tấm hay tô mì, tô phở… mọi thứ đều tăng 3.000 – 5.000 đồng, giá bình dân bây giờ đã là 40.000 – 45.000 đồng cho một suất ăn nói chung. Sau tết, và sau đợt xăng dầu tăng giá mạnh vừa qua, nhiều dịch vụ ăn uống chưa tăng thêm, nhưng áp lực tăng giá đã là rất rõ. Cũng hộp cơm tấm đó nhưng miếng sườn đã mỏng đi một chút; Cơm văn phòng buổi trưa ít đi vài cọng rau, tô mì tàu buổi tối bớt 1 – 2 miếng thịt…

Theo các chủ vựa thủy sản, các mặt hàng thủy hải sản sau Tết Nguyên đán đến nay đã tăng giá do đây là những món mà người dân thích mua để cúng khai trương, cúng Thần tài. Chưa kịp giảm trở lại thì xăng “bồi thêm một cú” khiến giá tiếp tục nhích lên thêm 5.000 – 10.000 đồng/kg tùy loại. Hiện giá cá lóc sống khoảng từ 85.000 – 100.000 đồng/kg tùy kích cỡ, cua thịt không dây loại 4 con/kg giá 530.000 – 540.000 đồng/kg, giá tôm càng sông sống loại 10 – 20 con/kg giá 440.000 – 450.000/kg, tôm thẻ sống khoảng 180.000 – 220.000 đồng/kg, tôm thẻ nhỏ ướp đá từ 100.000 – 120.000 đồng/kg, giá cá điêu hồng, mè vinh, cá trắm, ba sa… bình quân 65.000 – 90.000 đồng/kg, tùy loại và kích cỡ.

Các chủ vựa thủy sản ở chợ đầu mối Bình Điền (TP.HCM) cho biết: Thủy sản tươi sống vận chuyển khó khăn hơn nhiều so với hàng đông lạnh nên giá cao và dễ biến động theo giá cước vận tải, đặc biệt là xăng dầu. Mặt khác, nguồn hàng trong bà con nông dân cũng đang khan hiếm đẩy giá cả nhóm hàng này tăng cao.

Ông Nguyễn Hữu Nguyên, nông dân tỉnh An Giang, thừa nhận từ sau tết đến nay giá cá thịt trắng nuôi bè đang được thị trường TP.HCM tiêu thụ mạnh; giá tăng từ 10.000 – 15.000 đồng/kg lên mức cao bất ngờ 40.000 – 50.000 đồng/kg. Trong khi đó, tại các tỉnh ven biển miền Tây, giá tôm các loại cũng đang ở mức cao do nguồn cung khan hiếm. Tại Sóc Trăng, ông Dương Văn Sẻn, nông dân nuôi tôm ở xã Hòa Tú 1 (Mỹ Xuyên, Sóc Trăng) thông tin giá đã tăng từ 7.000 – 10.000 đồng/kg tùy loại so với hồi trước tết.

 

QUANG THUẦN – CHÍ NHÂN

TNO