24/11/2024

‘Chiêu thức’ của phương Tây khiến Nga không tấn công Ukraine?

‘Chiêu thức’ của phương Tây khiến Nga không tấn công Ukraine?

Giới phân tích cho rằng phương Tây cố ý công khai thông tin tình báo để Nga mất đi yếu tố bất ngờ nếu có ý định tấn công Ukraine.

 

 

 

‘Chiêu thức' của phương Tây khiến Nga không tấn công Ukraine? - ảnh 1
Ảnh vệ tinh cho thấy xe cộ của một nhóm tác chiến ở Yelnya, Nga vào ngày 19.1  REUTERS

Tờ The Guardian ngày 17.2 dẫn lời giới quan sát cho rằng Mỹ và Anh tìm cách ngăn chặn Nga tấn công Ukraine một phần bằng cách liên tục công khai thông tin tình báo khiến Tổng thống Vladimir Putin mất yếu tố bất ngờ.

Trong thời gian gần đây, nhiều cuộc họp báo được tổ chức tại Washington và London, đôi khi từ những quan chức an ninh quốc gia rất ít khi tiếp xúc báo giới.

Những quan chức này mô tả chi tiết về các chiến thuật quân sự, âm mưu lật đổ chính quyền Kiev và chiến dịch “cờ giả” nhằm tạo cớ tấn công được cho là của Nga.

“Gậy ông đập lưng ông”

Theo cố vấn Bộ Ngoại giao Mỹ Derek Chollet, Mỹ và các đồng minh muốn cảnh báo về khả năng Nga tiến hành những chiến dịch trên ở Ukraine “nhằm cản trở khả năng họ làm thế”.

“Chúng tôi cố gắng thông báo điều sắp xảy ra nhất, để nói rằng đó là kịch bản của họ và những gì có thể xảy ra”, theo ông Chollet.

Bằng biện pháp đó, Mỹ và Anh có thể đang “đánh bại” Nga bằng chính phương thức mà Moscow từng áp dụng trong những năm gần đây, hay ít nhất nhằm tạo lợi thế.

Chuyên gia kỳ cựu John Sipher tại cơ quan mật của CIA cho rằng phương Tây đang khôn khéo hơn trong việc sử dụng tình báo một cách thực dụng.

“Đó là điều mà chúng tôi thường gọi là chiến tranh thông tin khi người Nga tiến hành, và cũng là điều mà chúng tôi chưa bao giờ giỏi”, ông cho biết.

Theo ông, điều thú vị là thông tin này không phải dành cho người Mỹ hay Anh mà chỉ dành cho một người là Tổng thống Nga Vladimir Putin.

“Ông ấy là người biết nó đúng hay sai. Do đó nếu chúng tôi đưa ra thông tin tình báo mà người Nga nghĩ rằng là bí mật và ông Putin biết là đúng, ông ấy phải quyết định về hậu quả của điều mà ông ấy cố làm, và nó ảnh hưởng đến chiến lược ra sao”, ông Sipher phân tích.

Giới chức Mỹ và Anh nhiều lần nói rằng quyết định sau cùng về việc Nga tấn công Ukraine hay không là do Tổng thống Putin, và thậm chí ông Putin có thể chờ đến phút chót mới ra quyết định nhằm tạo bất ngờ.

Con dao 2 lưỡi

Việc công khai thông tin tình báo cũng có thể có mục đích chính trị trong nước, nhất là đối với Mỹ khi chính quyền bị chỉ trích về việc không dự báo trước việc chính phủ Afghanistan sụp đổ nhanh chóng và Taliban nắm quyền vào năm ngoái.

Trong trường hợp Nga tấn công Ukraine, không ai có thể chỉ trích Washington không nắm bắt trước.

Tuy nhiên, nếu Nga không tấn công, giới tình báo Mỹ và Anh sẽ bị cáo buộc về việc báo động không chính xác và lại sai lầm.

Một mặt trái khác là việc cảnh báo ảnh hưởng đến Ukraine, khi chính phủ nước này lo ngại rằng điều đó sẽ gây hoảng loạn đối với người dân, nhà đầu tư, bảo hiểm, đối tác thương mại.

“Tình trạng này đang khiến Ukraine thiệt hại 2-3 tỉ USD hằng tháng. Chúng tôi không thể vay từ thị trường nước ngoài vì tỷ giá thật điên rồ. Nhiều nhà xuất khẩu đã từ chối”, theo ông David Arakhamia, người đứng đầu đảng Người Phục vụ Nhân dân Ukraine.

 

KHÁNH AN

TNO