27/12/2024

Từ lúa tôm ST25 nghĩ về nàng thơm Chợ Đào

Từ lúa tôm ST25 nghĩ về nàng thơm Chợ Đào

Nhà nông Cà Mau trúng lúa – tôm, thêm một thực tế thúc đẩy sự thay đổi thói quen làm nông, gìn giữ thương hiệu đặc sản gạo và tìm hướng làm giàu cho người trồng lúa.

 

Từ lúa tôm ST25 nghĩ về nàng thơm Chợ Đào - Ảnh 1.

Lúa nàng thơm Chợ Đào được Trường đại học Cần Thơ trồng để thực nghiệm gene tại Mỹ Lệ, Cần Đước – Ảnh: AN LONG

Bài viết này là tâm tư của bạn đọc Tú Nguyên, người có 50 năm gắn bó với cây lúa, hạt gạo nàng thơm Chợ Đào nức tiếng một thời từ Long An.

Qua thời hoàng kim

Gia đình tôi ở ấp Cầu Chùa, xã Mỹ Lệ, huyện Cần Đước, tỉnh Long An, có hơn 50 năm trồng lúa nàng thơm chợ Đào (NTCĐ). Mấy hôm nay, vui cho nhà nông Cà Mau khấm khá với mô hình lúa – tôm.

Chỉ riêng việc trồng lúa thơm ST24, ST25 với năng suất 6 – 7 tấn/ha, giá bán từ 8.000 – 9.000 đồng/kg, lãi 5 triệu đồng/công ruộng. Nông dân quê tôi với đặc sản NTCĐ có nằm mơ cũng… chưa thấy.

Vụ đông xuân hằng năm, xã Mỹ Lệ, huyện Cần Đước, tỉnh Long An có khoảng 400ha lúa NTCĐ trồng ở các ấp: Cầu Chùa, Rạch Đào, Vạn Phước, Cầu Làng, Cầu Nhỏ…

Ảnh hưởng biến đổi khí hậu những năm gần đây, thiếu nước trong thời kỳ cây lúa trổ chín (giữa tháng 11 đến đầu tháng 1 năm sau), NTCĐ phải… khóc ròng.

Mới đây, có 2 khu dân cư ấp Cầu Chùa, xã Mỹ Lệ và ấp 6, Tân Trạch nằm chắn ngang đường nước tưới tiêu, nông dân ở đây không lấy nước vào ruộng được.

Một số nông dân phải bơm nước từ sông Cầu Bà Tượng thuộc xã Tân Trạch, sông Rạch Đào cách ruộng hàng cây số. Có năm lúa mới trổ, đất khô nứt nẻ, thất thu từ 30 – 40% sản lượng. Nông dân làm lúa NTCĐ ngày càng gặp khó khăn hơn.

Mấy thập niên trước, lúa NTCĐ vẫn còn dùng phân hữu cơ, không phun xịt bất cứ loại hóa chất thuốc nào. Khi lúa trổ chín thì đã có hương thơm rồi. Gạo đem về nhà nấu cơm sau bếp, cơm sôi thì đã bốc mùi thơm tới trước sân nhà.

Rồi đặc tính thơm và dẻo của gạo NTCĐ giảm đi rất nhiều. Thoái hóa của giống do cách chọn giống thiếu khoa học của nông dân và lượng phù sa bồi lấp hằng năm trên đồng ruộng ngày càng ít đi. Nhà nông bón phân hóa học, không cày lật đất, dưỡng chất thiên nhiên bị mất đi, phèn mặn tích tụ ngày càng nhiều trên đồng…, gạo NTCĐ mất dần mùi thơm.

Nông dân không còn mặn mà

Mấy năm nay, doanh nghiệp không còn hợp đồng với nông dân trồng lúa NTCĐ nữa. Họ chỉ mua lúa theo giá thị trường đối với nông dân nào mua lúa giống do họ cung cấp. Người xã Mỹ Lệ “khóc ròng” với đặc sản NTCĐ.

Tết Nhâm Dần, vụ đông xuân 2022 cũng không là ngoại lệ. Năm nay, tôi canh tác 4 công lúa NTCĐ ở ấp Cầu Chùa với giống lúa được Đại học Cần Thơ phục tráng, năng suất chỉ có 3,8 tấn/ha. Như mọi năm, trừ hết chi phí tính ra tôi chỉ lời khoảng 1,2 triệu đồng/công.

Ông Nguyễn Phát Đạt, cùng ấp với tôi, làm 8 công lúa NTCĐ, thu hoạch trước ngày 20 tháng chạp chỉ bán được 8.000 đồng/kg lúa, tính ra lời khoảng 1 triệu đồng/công. Những nông dân thu hoạch cận Tết thì giá bán chỉ còn 6.000 – 7.000 đồng/kg. Và sau Tết chắc chắn NTCĐ sẽ có giá khác, bèo hơn.

Còn mấy ai thiết tha với giống lúa thơm NTCĐ nữa? Có người chuyển sang trồng giống khác. Dù sử dụng công nhà từ khâu gieo sạ tới trổ chín cũng chỉ kiếm được khoảng 500.000 – 1 triệu đồng/công.

Cần mạnh dạn thay đổi cơ cấu giống

Vùng đất xã Mỹ Lệ là cái nôi của lúa NTCĐ, một giống lúa thơm đã tồn tại hàng trăm năm nay và hiện tại không còn được nông dân ưa chuộng nữa. Thực tế canh tác nhiều năm nay với năng suất NTCĐ không quá 4 tấn/ha, kém xa so với ST24, ST25 là 6 – 7 tấn/ha. Hạt gạo không còn như xưa và giá hiện tại chỉ từ 22.000 – 25.000 đồng/kg.

Vừa qua, Trung tâm Nông nghiệp và dịch vụ huyện Cần Đước cho trồng thử nghiệm giống ST24 và ST25 ở 3 xã Phước Đông, Tân Lân và Long Hựu Tây. Tuy bước đầu năng suất từ 4,5 – 5 tấn/ha và giá bán từ 5.500 – 7.000 đồng/kg thôi; nhưng người nông dân ở đây rất vui mừng và phấn khởi.

Tôi nghĩ địa phương nên mạnh dạn thay NTCĐ bằng ST24, ST25 bằng những bước đi có căn cơ và bền vững để tăng thu nhập cho nông dân xã.

Trên bản đồ hành chính, xã Mỹ Lệ cách TP.HCM khoảng 30km về hướng bắc, nằm trên các đường giao thông lớn như: quốc lộ 50 và đường 826 (tỉnh lộ số 18 cũ), có con sông Rạch Đào thông ra sông Vàm Cỏ Đông.

Với vị trí địa lý huyện Cần Đước như hiện nay thì chuyện áp dụng “mô hình con tôm ôm cây lúa” cho những xã có điều kiện tương tự như Cà Mau là có thể.

Gìn giữ đặc sản ruộng đồng

Ngày ST25 thành gạo ngon nhất thế giới, tôi nghĩ không biết bao giờ giống lúa này được trồng nhiều nơi (không chỉ Sóc Trăng), bán được nhiều nơi và bà con được ăn gạo ngon hơn, ngon nhất thế giới. Tại sao không?

Hai năm qua, ST24 và ST25 được trồng nhiều hơn. Và đầu xuân này hay tin bà con Cà Mau và nhiều nơi khác đã trồng và “trúng” với lúa mới, càng khấm khá hơn khi kết hợp với nuôi con tôm trên ruộng. Gạo lúa – tôm Bạc Liêu, Cà Mau về thành phố nhiều hơn.

Thời thế đã khác rồi. Giờ người ta chọn ăn ngon chứ không ăn nhiều. Nhà nông làm lúa hai vụ nhưng giống mới, canh tác tốt khấm khá hơn những năm vắt kiệt đất ruộng với ba vụ lúa.

Gạo làm ra nhiều thật đó nhưng bữa ăn của bà con đất lúa vẫn là thứ gạo cũ giá rẻ. Mạnh dạn làm khác mới mong khấm khá hơn nữa. Lúa gạo làm ra có thể ít hơn nhưng là gạo ngon, nông dân vẫn có lợi nhuận cao hơn trên đất lúa.

Nhân giống ST25, gìn giữ cho được chất lượng hạt gạo thương hiệu quốc gia không chỉ là chuyện của riêng nhà nông hay riêng một vùng đất nào. Thành công của mô hình lúa – tôm là một điển hình cho cách làm mới, cây lúa được chăm chút khoa học hơn.

Nhà nông khá giả hơn. Bữa cơm mỗi nhà ngon hơn khi có cả niềm tự hào đặc sản Việt và niềm tin vào sự đổi thay phương cách làm nông nghiệp. Rồi sẽ có những giống lúa gạo ngon khác nữa. Không nhất thiết có giải quốc tế, có giải trong lòng người Việt là có ấm no muôn nhà rồi.

MINH ĐỨC

TÚ NGUYÊN
TTO