25/12/2024

Dịch Covid-19 ảnh hưởng thế nào đến việc học của học sinh lớp 12?

Dịch Covid-19 ảnh hưởng thế nào đến việc học của học sinh lớp 12?

Kế hoạch ôn tập chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT, đánh giá năng lực, xét tuyển ĐH của học sinh lớp 12 có nhiều thay đổi so với những năm học trước.

 

 

Thay đổi cách ôn tập vì dịch Covid-19

Năm học này, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và học trực tuyến kéo dài nên các bài kiểm tra học kỳ 1 của học sinh (HS) phải dời lại sau một tháng so với những năm học trước. Vì vậy, kế hoạch ôn tập chuẩn bị cho các kỳ thi quan trọng của HS cuối cấp cũng bị đẩy lùi lại thời gian tương ứng.

Thêm vào đó, theo ông Phạm Phương Bình, Hiệu phó Trường THPT Nguyễn Hữu Huân (TP.Thủ Đức), trước đây, HS học 2 buổi/ngày nên các hoạt động học tập khá thuận lợi, sáng học lý thuyết, chiều ôn tập, củng cố kiến thức và làm bài tập. Nhưng năm nay thì thay đổi, HS học trực tuyến kéo dài, đến khi đến trường trở lại thì chỉ học một buổi nên không thể tổ chức song song dạy kiến thức mới với ôn tập, củng cố. Như vậy, kế hoạch ôn tập phải điều chỉnh khá nhiều.

Dịch Covid-19 ảnh hưởng thế nào đến việc học của học sinh lớp 12? - ảnh 1
Học sinh lớp 12 tại TP.HCM trở lại trường học trực tiếp từ tháng 12.2021  ĐÀO NGỌC THẠCH

Ông Bình nói tiếp, khi TP.HCM là vùng xanh thì các trường THPT có thể tổ chức dạy học 2 buổi/ngày. Khi đó, giáo viên tập trung hoàn thành chương trình chính khóa vào buổi sáng, buổi chiều sẽ dành cho việc củng cố, nắm chắc kiến thức theo kiểu học đến đâu phải chắc đến đó. Để kết thúc chương trình học kỳ 2, tranh thủ thời gian còn lại HS củng cố kiến thức học kỳ 1, bước vào kỳ thi.

Áp lực ôn tập không còn dồn vào kỳ thi tốt nghiệp

Việc các trường ĐH dành nhiều chỉ tiêu xét tuyển cho kỳ thi đánh giá năng lực và phương thức học bạ cũng là một yếu tố để các trường THPT xây dựng phương án ôn tập cho HS lớp 12 theo hướng tiệm cận các kỳ thi nhất có thể.

Ông Phương Bình cho hay HS sẽ tập trung vào 2 phương thức xét tuyển nêu trên và áp lực không dồn vào kỳ thi tốt nghiệp THPT vì kỳ thi này chỉ còn mục đích xét tốt nghiệp mà thôi. Chẳng hạn, qua thăm dò thì gần như 100% HS lớp 12 của Trường THPT Nguyễn Hữu Huân có nhu cầu tham gia kỳ thi đánh giá năng lực của các trường ĐH để lấy kết quả xét tuyển ĐH. Chính vì vậy, ban giám hiệu trường này đã lên phương án ôn tập để hỗ trợ HS. Dự kiến, khi bước vào học kỳ 2 sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, từ kết quả kiểm tra học kỳ 1, HS lớp 12 sẽ học buổi 2 theo tổ hợp xét tuyển, theo nguyện vọng cá nhân và kỳ thi đánh giá năng lực.

Tăng tốc ngay sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán

Cũng xác định năm học 2021- 2022 là một năm đặc biệt, có nhiều thay đổi, bà Võ Thị Bình Minh, Hiệu phó Trường THPT Hiệp Bình (TP.Thủ Đức), cho hay việc ôn tập cho HS phải thực hiện theo hình thức cuốn chiếu chứ không phân chia rạch ròi như những năm trước. Ngay sau tết, HS đi học trở lại thì giáo viên vừa bổ sung, củng cố và nạp kiến thức mới của học kỳ 2 thông qua các chuyên đề bài giảng. Vì vậy, đòi hỏi HS cần tăng cường, nâng cao ý thức tự học.

Lãnh đạo Trường THPT Hiệp Bình cho rằng do dịch bệnh xuất hiện và còn tồn tại, không thể biết trước được các tình huống nên mọi kế hoạch giáo dục của nhà trường luôn chủ động, linh hoạt.

Sau khi HS đi học trở lại và từ kết quả kiểm tra học kỳ, giáo viên các bộ môn sẽ chủ động chia lớp thành 3 nhóm: Nhóm có năng lực, có ý thức học tập tốt thì đẩy mạnh những kiến thức nâng cao để chuẩn bị cho việc xét tuyển vào các trường ĐH tốp trên và kỳ thi đánh giá năng lực. Nhóm HS yếu hơn thì tổ chức phụ đạo, bổ sung kiến thức để đáp ứng ít nhất tự tin tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT và sử dụng kết quả này để tham gia xét tuyển. Riêng nhóm có năng lực ở mức độ trung bình, nhóm “lơ lửng” thì giáo viên có nhiệm vụ xác định sao cho HS biết là các em có khả năng nhưng cần chuyên tâm, ý thức hơn thì sẽ có kết quả xứng đáng.

Ông Nguyễn Anh Dũng, Hiệu trưởng Trường THPT Tân Bình (Q.Tân Phú), cũng cho hay nhà trường không tổ chức ôn tập một cách dàn trải mà dự kiến tập trung theo năng lực. Ngoài việc ôn tập, luyện tập những kiến thức ở buổi thứ 2 thì nhà trường sẽ dành thời gian cụ thể trong tuần cho 2 đối tượng HS. Trong đó với HS còn nhiều lỗ hổng kiến thức thì phụ đạo và những HS đã có sự ổn định thì nâng cao để giúp các em có sự chuẩn bị tốt nhất khi tham gia các kỳ thi tốt nghiệp, đánh giá năng lực để sử dụng kết quả xét vào các trường tốp đầu.

Tương tự, ông Lê Văn Phước, Hiệu trưởng Trường THPT Ernst Thalmann (Q.1), cho hay sau kỳ nghỉ tết, trở lại trường HS sẽ dồn lực vừa hoàn tất chương trình học kỳ 2 vừa ôn tập kiến thức đã học trong thời gian vừa qua phải học trực tuyến.

Về tâm thế chuẩn bị cho các kỳ thi quan trọng sắp tới của HS cuối cấp, theo giáo viên Lâm Vũ Công Chính, Trường THPT Nguyễn Du (Q.10), HS cần sẵn sàng và nghiêm túc, nhanh chóng thay đổi sinh hoạt cho phù hợp, cần xây dựng cho mình kế hoạch ôn tập, bổ sung kiến thức bị hổng. “Việc “vá” lỗ hổng kiến thức phải do chính các em nhìn nhận và tự tay thực hiện thì mới mang lại hiệu quả cao”, ông Chính khuyên.

Lớp 12 hoàn thành năm học trước 30.6 để kịp thi tốt nghiệp THPT

Ngày 8.2, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn có công điện gửi giám đốc các sở GD-ĐT về một số việc cần lưu ý khi học sinh trở lại trường học trực tiếp.

Riêng đối với HS lớp 12, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT yêu cầu: “Các cơ sở giáo dục xây dựng kế hoạch hoàn thành năm học 2021 – 2022 trước ngày 30.6; đối với những địa phương không thể hoàn thành trước ngày 30.6 vì lý do bất khả kháng cần kịp thời báo cáo Bộ GD-ĐT để được hướng dẫn cụ thể, đảm bảo phù hợp với kế hoạch tổ chức kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2022.

Tuệ Nguyễn

BÍCH THANH

TNO