Vợ chồng phải chung thuỷ, nghĩa tình, cùng làm việc nhà và đóng góp tài chính

Vợ chồng phải chung thuỷ, nghĩa tình, cùng làm việc nhà và đóng góp tài chính

Theo Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình vừa được Bộ Văn hóa – thể thao và du lịch ban hành, vợ chồng phải chung thuỷ, nghĩa tình, cùng làm việc nhà và đóng góp tài chính.

 

Vợ chồng phải chung thủy, nghĩa tình, cùng làm việc nhà và đóng góp tài chính - Ảnh 1.

Một gia đình du xuân ở Khu du lịch Tràng An, Ninh Bình – Ảnh: NAM TRẦN

Trước đó, bộ này đã ban hành thí điểm Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình vào tháng 12-2017. So với bộ tiêu chí thí điểm, bộ tiêu chí vừa ban hành có các tiêu chí cụ thể, rõ ràng hơn.

Ngoài các tiêu chí ứng xử chung trong gia đình gồm tôn trọng, bình đẳng, yêu thương, chia sẻ; bộ tiêu chí đặt ra các tiêu chí riêng cho các mối quan hệ trong gia đình.

Cụ thể, giữa vợ chồng phải chung thủy, nghĩa tình. Vợ chồng cùng nhau xây dựng hôn nhân bền vững, không vi phạm chế độ hôn nhân một vợ một chồng; yêu thương, quan tâm, chăm sóc, giúp đỡ nhau; cùng nhau chia sẻ công việc trong gia đình, cùng có trách nhiệm nuôi dạy con, làm việc nhà, đóng góp tài chính gia đình.

Vợ chồng cũng phải tạo điều kiện giúp đỡ nhau lựa chọn nghề nghiệp, học tập, nâng cao trình độ, tham gia các hoạt động chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, phải lắng nghe, thảo luận, cùng quyết định những vấn đề chung của gia đình, hòa nhã với nhau.

Cha mẹ với con, ông bà với các cháu thì phải gương mẫu, yêu thương. Cha mẹ, ông bà phải làm gương tốt cho con, cháu trong cử chỉ, hành động, lời nói, có tình cảm gắn bó gần gũi với con cháu.

Phải quan tâm, nuôi dưỡng, chăm sóc, dạy bảo con cháu khi con cháu còn nhỏ; khi con, cháu không có khả năng tự nuôi sống, chăm sóc bản thân.

Ông bà, bố mẹ cũng phải có trách nhiệm trao truyền các giá trị truyền thống, kinh nghiệm sống cho con cháu, giữ gìn nền nếp, gia phong…

Còn con cái với cha mẹ, cháu với ông bà phải hiếu thảo, lễ phép, yêu thương, quan tâm, chia sẻ tình cảm, nguyện vọng với cha mẹ và các thành viên trong gia đình, giữ gìn nền nếp gia đình, phụ giúp cha mẹ và các thành viên trong gia đình những công việc phù hợp với độ tuổi, giới tính.

Con cháu cũng phải có trách nhiệm thăm hỏi, chăm sóc động viên, nuôi dưỡng cha mẹ, ông bà khi cha mẹ, ông bà ốm đau, già yếu, gặp khó khăn trong cuộc sống.

Các anh, chị, em trong nhà phải hòa thuận, chia sẻ, tôn trọng, bảo nhau điều hay, lẽ phải, cùng chia sẻ với nhau công việc chung trong gia đình, giúp đỡ nhau khi khó khăn, hoạn nạn.

Tới đây, các gia đình sẽ đăng ký thực hiện bộ tiêu chí ứng xử này theo hướng dẫn của Vụ Gia đình và cơ quan chức năng, chính quyền địa phương nơi cư trú.

Bộ tiêu chí ứng xử được khoác những mục đích lớn lao như ngăn chặn sự xuống cấp về đạo đức trong gia đình và xã hội, từng bước đưa vào cuộc sống các chuẩn mực giá trị đạo đức, văn hóa con người Việt Nam trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Tuy nhiên, cũng có người nghi ngờ sự vô ích của những văn bản hành chính này trong việc vực dậy đạo đức xã hội, giữ gìn nếp nhà trong cơn lốc phát triển nóng, hay kìm kéo tỉ lệ ly hôn vẫn tiếp tục tăng nhanh chóng từ vài thập kỷ đổi mới gần đây.

Ở chiều hướng tích cực, cũng nhiều người đặt hy vọng vào những bộ tiêu chí ứng xử mà Bộ Văn hóa – thể thao và du lịch ban hành gần đây như bộ tiêu chí này hay bộ quy tắc ứng xử dành cho những người hoạt động nghệ thuật.

Được ban hành trong bối cảnh hàng loạt vụ bạo hành con riêng của vợ, chồng hay các vụ án mạng trong gia đình gây chấn động nhân tâm; Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình cũng được kỳ vọng sẽ góp phần vào việc nhắc nhớ những giá trị của gia đình.

THIÊN ĐIỂU
TTO