24/12/2024

Rau xanh tăng giá, thịt cá ‘đứng yên’ sau tết

Rau xanh tăng giá, thịt cá ‘đứng yên’ sau tết

Do ảnh hưởng của mưa rét, sau tết, mặt hàng rau xanh tại Hà Nội tăng nhẹ, trong khi thực phẩm người dân mua dự trữ vẫn còn nhiều, nên các mặt hàng tươi sống bán khá chậm.

 

 

Rau xanh tăng giá, thịt cá ‘đứng yên’ sau tết - ảnh 1
Rau xanh là mặt hàng tăng giá nhiều nhất sau tết do ảnh hưởng của thời tiết     T.HẰNG

Sức mua chậm

Ghi nhận tại các chợ dân sinh ở Hà Nội trong ngày 6.2 (tức mùng 6 tết), phần lớn tiểu thương vẫn còn nghỉ tết, duy chỉ có một số quầy bán thực phẩm tươi sống như rau xanh, thịt, hải sản đã mở bán trở lại. Tại chợ Quỳnh Mai, Vĩnh Tuy (Q.Hai Bà Trưng), chợ Vĩnh Hồ (Q.Đống Đa)… giá rau ngày mùng 6 tết tăng hơn so với trước tết và sau tết từ 2.000 – 10.000 đồng/bó.

Trong đó, tăng giá mạnh nhất là các loại rau ăn lá như: rau cần tăng từ 3.000 – 5.000 đồng lên 15.000 đồng/bó; rau muống tăng 2.000 đồng, từ 10.000 lên 12.000 đồng/bó; cải cúc, cải xanh, mùng tơi đồng giá tăng 3.000 đồng, từ 5.000 đồng lên 8.000 đồng/bó; bắp cải từ 10.000 đồng tăng lên 12.000 đồng/kg; súp lơ xanh tăng 3.000 đồng, từ 15.000 lên 18.000 đồng/cái.

Một số loại rau củ cũng tăng giá, như cà rốt từ 15.000 đồng lên 20.000 đồng/kg; cà chua tăng 10.000 đồng lên 30.000 đồng/kg; su su từ 12.000 lên 15.000 đồng/kg; khoai tây 15.000 đồng tăng lên 20.000 đồng/kg.

Trong khi đó, các mặt hàng thịt lợn, thịt bò, tôm cá… phong phú, giá cả ngang với trước tết, không tăng cao so với ngày thường. Thịt bò giá từ 280.000 – 300.000 đồng/kg; thịt gà 130.000 – 140.000 đồng/kg; thịt ba chỉ 130.000 đồng/kg; cá trắm cắt khúc 130.000 đồng/kg; chép 160.000 đồng/kg; tôm sú loại nhỏ 280.000 đồng/kg, loại to 380.000 – 400.000 đồng/kg…

Chị Diệu Hoa, nhà ở khu tập thể 8.3 (Q.Hai Bà Trưng), chia sẻ: “Tết năm nay ai cũng sợ dịch bệnh ngại đến nhà nhau ăn uống đầu xuân nên tôi không mua bán gì nhiều. Thực phẩm mua dự trữ trước tết vẫn còn đầy trong ngăn tủ, tôi chỉ mua ít rau xanh đủ dùng cho 4 người trong gia đình. Chợ họp chưa đông nhưng hàng hóa đầy đủ không thiếu thứ gì. Giá cả tăng nhẹ cũng là điều dễ hiểu, người mua hoàn toàn có thể thông cảm”.

Lý giải nguyên nhân, chị Lê Thị Ngọc, tiểu thương bán rau xanh chợ Vĩnh Tuy, cho hay: “Do ảnh hưởng thời tiết mưa rét kéo dài từ 30 tết, các loại rau ăn lá bị úng nước, dập nát nhiều. Bên cạnh đó, lượng rau về chợ đầu mối còn ít nên giá rau xanh tăng giá”.

Theo các tiểu thương, mặc dù thực phẩm phong phú, nhưng do trời mưa rét, lượng khách mua không nhiều. Chị Nguyễn Thị Mai, bán rau tại chợ Khương Thượng (Q.Đống Đa), cho hay: “Tôi mở hàng từ ngày mùng 3 tết, năm nay giá cả sau tết có tăng nhẹ nhưng vẫn rẻ hơn nhiều so với mọi năm. Dù vậy, lượng khách mua vẫn vắng, chắc các nhà vẫn còn thực phẩm dự trữ. Kinh nghiệm từ các năm trước, cứ phải sau ngày đi làm, thị trường mới trở lại bình thường”.

Tương tự, tại các siêu thị, khung giờ mở cửa đã quay trở lại phục vụ như thường lệ. Các mặt hàng rau, thịt, cá đều đầy ắp trên kệ nhưng lượng khách mua sắm không nhiều. Giá cả bình ổn so với trước tết. Một số loại rau củ thậm chí còn rẻ hơn so với chợ dân sinh.

Đơn cử, tại siêu thị Winmart Timescity (Q.Hai Bà Trưng), cải thảo giá 17.900 đồng/kg, rẻ hơn chợ dân sinh 2.100 đồng; bắp cải 13.900 đồng/kg, rẻ hơn 1.100 đồng. Một số loại rau củ đang có chương trình trợ giá giảm 40% như củ cải trắng từ 25.900 đồng giảm còn 15.400 đồng/kg; bí xanh từ 31.500 đồng giảm còn 21.900 đồng…

Giá cả sẽ sớm ổn định trở lại

Theo đánh giá của bà Trần Thị Phương Lan, quyền Giám đốc Sở Công thương Hà Nội, những ngày gần đây, giá bán các mặt hàng tại chợ truyền thống trên địa bàn thủ đô nhích nhẹ, tuy nhiên không chênh so với dịp sát tết. Thị trường ổn định, nguồn cung các mặt hàng thiết yếu bảo đảm đầy đủ, phong phú, không có hiện tượng tăng giá đột biến.

Còn theo ông Nguyễn Thái Dũng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty bán lẻ BRG và Tổng công ty Thương mại Hà Nội, các chương trình khuyến mại, giảm giá vẫn đang được áp dụng sau tết. Các mặt hàng tăng sức mua nhiều nhất trong những ngày đầu năm mới là thực phẩm, rau xanh, hoa quả… Siêu thị sẵn sàng vận chuyển hàng hóa miễn phí, hoặc có dịch vụ bán hàng trực tuyến, để người dân tiện mua sắm.

Theo Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), hầu hết địa phương trong cả nước đã có kế hoạch dự trữ hàng hóa chuẩn bị tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022. Giá bán các mặt hàng rau củ, trái cây hầu hết tại các địa phương thời điểm trước tết cơ bản ổn định, thậm chí giảm nhẹ so với thời điểm trước do cung khá dồi dào và ổn định.

Trong khi đó, sức mua nói chung vẫn thấp hơn so với quy luật nhiều năm do những ảnh hưởng chung của dịch bệnh đến tình hình kinh tế – xã hội làm giảm thu nhập của người dân. Sang những ngày đầu năm mới, nhu cầu mua hàng hóa không cao do người dân đã mua sắm đủ trước tết. Tại các chợ đầu mối của Hà Nội và TP.HCM, lượng hàng nhập chợ khoảng 42 – 50% so ngày thường; giá các mặt hàng đa số đã trở về mức giá ngày thường. Nhiều gian hàng đã kinh doanh buôn bán trở lại, hàng hóa dồi dào, nhưng sức bán vẫn chậm và giảm 25 – 35% so với năm ngoái do ảnh hưởng dịch bệnh.

Riêng tại Hà Nội và các tỉnh phía bắc, từ mùng 4 tết, giá rau xanh biến động tăng do nhu cầu người dân tăng, cũng như thời tiết chuyển lạnh sâu tại miền Bắc. “Đây chỉ là biến động cục bộ và giá rau tươi sẽ sớm trở lại giá ngày thường trong các ngày tới khi cung cầu ổn định”, Cục Quản lý giá nhận định.

Để bình ổn giá cả thị trường, Bộ trưởng Bộ Tài chính đề nghị các địa phương tăng cường quản lý, điều hành và bình ổn giá sau tết. Trong đó, giao nhiệm vụ trọng tâm là tăng cường công tác theo dõi sát biến động giá cả các mặt hàng thiết yếu để kịp thời có các biện pháp quản lý, điều hành phù hợp, đi đôi với đó là đẩy mạnh công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả…

THU HẰNG

TNO