Ngày Tết đi chợ quê để thấy tuổi thơ mình, thấy ba mẹ mình vẫn ở đó

Ngày Tết đi chợ quê để thấy tuổi thơ mình, thấy ba mẹ mình vẫn ở đó

Chuông nhà thờ đổ, tiếng gà gáy vọng từ phía sau. Ngoại sang nhà, gọi tôi dậy chuẩn bị đi chợ. 

 

 

Đã rất lâu, tôi không thức sớm đi chợ. Chợ quê khác với thành phố, nhộn nhịp, đông đúc nhất từ 5 giờ 30 đến 7 giờ sáng. Giờ đó, thường ngày tôi còn nằm ườn trên giường, cuộn mình trong lớp chăn bông già nua (nó hơn cả tuổi tôi nữa) mà ấm áp.

Sớm nay, đi chợ, tôi sắm sửa nguyên liệu cho mâm cơm cúng.

Ngày Tết đi chợ quê để thấy tuổi thơ mình, thấy ba mẹ mình vẫn ở đó - ảnh 1
Chợ quê lúc tờ mờ đã tấp nập, đông đúc  GIA THANH

Chợ quê lúc tờ mờ mà đông đúc, hàng hoá đã có phần vơi bớt. Đứa bạn thân từ hồi cấp II năm nay nhập hoa và trái cây về bán. Tôi ghé sạp nó ủng hộ hai bó hoa dơn và 1kg táo. Nhìn nó lại nhớ ngày trước, mẹ và tôi cũng cảnh bán buôn như thế. Dậy sớm dọn hàng, mời khách và phải “chọn mặt gửi vàng” người có duyên để ngày đó buôn may bán đắt.

Ngày ấu thơ, gia đình chuẩn bị cho ngày Tết từ 23 tháng chạp, ngày này rộn ràng, đầy đủ hơn. Cá chép, thịt heo, gà luộc… bày biện một mâm cỗ lớn tiễn ông Táo về trời. Dần dà, những lễ nghi thu hẹp lại, mâm cỗ cũng đơn giản hơn vì mọi người đều bận rộn công việc.

Ngày Tết đi chợ quê để thấy tuổi thơ mình, thấy ba mẹ mình vẫn ở đó - ảnh 2
Các bà, các mẹ tất bật những ngày cuối năm  GIA THANH

Tôi cứ nói vui: “Sao năm nào nhà mình cũng bắt ông Táo cưỡi thịt về trời vậy!”. Ngoại bảo: “Đơn giản vậy thôi, làm nhiều cũng có ai ăn đâu”. Đúng vậy, những món ăn ngày Tết bây giờ không cần chờ đến Tết mới được ăn nữa. Dư dả và tiện lợi làm mất đi phần nào háo hức và mong chờ.

Đi chợ quê, tôi ngưỡng mộ các bà, các mẹ biết trả giá. Ai cũng nhanh tay, nhanh chân, nhanh cả miệng. Tay bắt cá bỏ bịch, miệng trả giá cái vèo.

Ngày Tết đi chợ quê để thấy tuổi thơ mình, thấy ba mẹ mình vẫn ở đó - ảnh 3
Hình ảnh xe hàng cuối năm đi vào các thôn, bản xa xôi không có chợ  GIA THANH

Lượn qua hàng rau, tôi vừa ngắm vừa nghĩ thực đơn cho hôm nay. Công nhận làm bếp trưởng khổ thật. Vắt cả chất xám lẫn cảm xúc mới ra được thực đơn hợp lý, hấp dẫn. Tôi chọn mỗi thứ một chút vậy mà cũng tay xách nách mang. Chợ quê ngày Tết quả là hối hả, tấp nập.

Về nhà, tôi hỏi Ngoại cách dọn dẹp ban thờ. Bình thường, mẹ là người đảm nhận công việc này. Nhưng nay, tôi thay mẹ lo toan chuyện Tết nhất. Ngoại vừa dạy vừa giúp tôi làm. Bát hương các cụ hạ xuống, tỉa bớt chân hương, lau chùi sạch sẽ rồi sắp đúng thứ tự. Nghe tưởng đơn giản, bắt tay vào làm mới thấy vất vả.

Lau di ảnh của bà nội và bác, tôi thầm nguyện cầu hai người ở nơi xa phù hộ cho gia đình bình an. Và nhất là mẹ tôi, người vừa trải qua tiểu phẫu hai tay vì hội chứng ống cổ tay. Tết này, tôi là người thay mẹ vị trí người phụ nữ trong gia đình. Nhưng mới chỉ một ngày, tôi đã cảm nhận được những vất vả của mẹ trong dịp cuối năm. Điều này khiến tôi băn khoăn, liệu khi kết hôn, tôi cũng sẽ như mẹ? Gồng gánh, lo toan cả 1 năm mà đến những ngày cuối cùng, đáng lý phải được nghỉ ngơi thì lại càng vất vả hơn.

Ngày Tết đi chợ quê để thấy tuổi thơ mình, thấy ba mẹ mình vẫn ở đó - ảnh 4
Cá là mặt hàng đắt khách trong ngày 23 tháng Chạp  GIA THANH
Ngày Tết đi chợ quê để thấy tuổi thơ mình, thấy ba mẹ mình vẫn ở đó - ảnh 5
Một góc bàn thờ gia tiên sau khi đã dọn dẹp  GIA THANH

Những năm trước, tôi phụ mẹ được gì thì phụ. Quan trọng là tôi nghĩ mình vẫn có mẹ sẽ lo hết, nếu tôi làm không tốt, không được hay không làm. Nhưng giờ, tôi thật sự là người phải làm hết và ba tôi, em tôi ở vị trí của tôi trước đây.

Trong một vài khoảnh khắc, tôi chợt nghĩ thật bất hạnh, buồn đau và tủi thân khi cha mẹ không còn hiện diện để cả nhà cùng nhau đón năm mới. Năm qua, hơn 1.500 trẻ em mồ côi vì đại dịch Covid-19. Cái Tết này của các em chắc tủi thân và da diết nỗi nhớ mẹ cha. Viết đến đây, lòng tôi đã quặn thắt. Hy vọng những cánh tay của cộng đồng sẽ dang rộng chia sẻ với các em trong đoạn đường sắp tới.

“Tết này con sẽ về/Dẫu ở đâu con cũng sẽ về/Về đem hết chuyện kể ba nghe/Đêm giao thừa vô bếp với mẹ/Tết này con sẽ về, mẹ đừng lo và chờ con nhé/Bởi con hiểu tết với mẹ là, chỉ khi thấy con được quay trở về..

Lời bài hát Tết này con sẽ về của Bùi Công Nam vang lên thật đúng lúc. Tôi đã về nhà gần một tháng. Người thì ở nhà nhưng tâm lại chẳng vậy. Tết chỉ đơn giản là sum vầy, vui vẻ và lạc quan. Chào năm mới 2022!

 

GIA THANH

TNO