23/11/2024

Bài học gì từ cách đại dịch năm 1918 kết thúc?

Bài học gì từ cách đại dịch năm 1918 kết thúc?

Học giả John M.Barry thuộc trường Y tế công và y khoa nhiệt đới thuộc Đại học Tulane (Mỹ) mới đây chỉ ra những bài học từ cách đại dịch cúm năm 1918 kết thúc và cách ngăn chặn đại dịch Covid-19 tái bùng phát.

 

 

 

Trong bài bình luận do báo The New York Times đăng ngày 31.1, ông Barry viết rằng hầu hết lịch sử về đại dịch cúm năm 1918 mà đã cướp đi sinh mạng của ít nhất 50 triệu người trên toàn cầu khẳng định đại dịch kết thúc vào mùa hè năm 1919, khi làn sóng thứ 3 đã giảm.

Bài học gì từ cách đại dịch năm 1918 kết thúc? - ảnh 1
Bệnh nhân tại một bệnh viện cấp cứu tại Doanh trại Funston, bang Kansas (Mỹ) trong đại dịch cúm năm 1918  MEDICALMUSEUM.MIL

Tuy nhiên, virus cúm vẫn tiếp tục gây chết người. Một biến thể xuất hiện vào năm 1920 gây chết người đến mức đủ để tính đó là làn sóng thứ tư. Khi đó, một số thành phố ở Mỹ như Detroit, Milwaukee, Minneapolis và Kansas City, số người chết vì cúm vượt con số tử vong trong làn sóng thứ 2. Tình trạng này xuất hiện dù Mỹ đã có phần lớn dân số đạt miễn dịch tự nhiên từ virus cúm sau hai năm hứng chịu một số làn sóng của dịch bệnh và sau khi tỷ lệ số người chết do cúm trong làn sóng thứ 3 đã giảm.

Hầu hết các thành phố ở Mỹ đã áp dụng những biện pháp hạn chế trong làn sóng thứ 2, đạt đỉnh vào mùa thu năm 1918. Mùa đông năm đó, một số thành phố đã tái áp đặt các biện pháp kiểm soát khi làn sóng thứ 3 bùng phát dù ít gây tử vong hơn. Tuy nhiên, gần như không có thành phố nào ứng phó trong năm 1920, nhiều người không còn quan tâm đến cúm và giới chức cũng vậy. Nhiều tờ báo vẫn tiếp tục đưa tin về virus cúm, nhưng không ai quan tâm. Nhiều người lúc đó đã phớt lờ về làn sóng thứ tư và các sử gia cũng thế. Virus đã biến đổi thành cúm mùa thông thường vào năm 1921, nhưng trước đó đã hoành hành thế giới, theo ông Barry.

“Chúng ta không nên lặp lại sai lầm đó”

Trong bài bình luận, ông Barry viết: “Chúng ta không nên lặp lại sai lầm đó”. Ông cho rằng với tình hình dịch bệnh hiện nay, Mỹ có lý do để lạc quan. Ông chỉ ra trước tiên số ca nhiễm biến thể Omicron đang giảm ở nhiều khu vực của Mỹ và thứ 2 là toàn bộ dân số nước này đã và sẽ nhiễm hoặc được tiêm vắc xin, làm tăng hệ miễn dịch chống lại Covid-19. Thứ 3 là tuy có khả năng lây lan nhanh, nhưng biến thể Omicron dường như ít gây tác động lớn đến phổi hơn so với những biến thể trước đó nên ít gây chết người hơn. Ông cho rằng rất có khả năng biến thể Omicron có thể tiếp tục giảm khả năng gây chết người.

Bài học gì từ cách đại dịch năm 1918 kết thúc? - ảnh 2
Biến thể Omicron được xác nhận lần đầu tiên ở phía nam châu Phi trong tháng  11.2021  AFP

Tuy nhiên, ông Barry cảnh báo rằng những tình trạng như trên đang khiến nhiều người quá tự tin, thờ ơ với đại dịch Covid-19 dẫn tới mối nguy hiểm. Những dấu hiệu không quan tâm đến đại dịch xuất hiện khắp nơi. Dù hơn 70% số người trưởng thành ở Mỹ đã được tiêm vắc xin đầy đủ, nhưng tiến độ tiêm chủng đang chậm lại và tính đến ngày 27.1.2022, chỉ có 44% nhận tiêm mũi vắc xin tăng cường. “Hầu hết trong chúng ta, đặc biệt là phụ huynh, muốn các trường học mở cửa, nhưng chỉ có khoảng 20% trẻ em từ 5-11 tuổi được phụ huynh cho tiêm vắc xin đầy đủ. Như năm 1920, nhiều người đang ngán ngẩm với việc cảnh giác”, ông Barry viết.

“Đây là tình trạng nhường sự kiểm soát cho virus (gây Covid-19). Hậu quả là dù biến thể Omicron dường như ít gây chết người hơn, số ca Covid-19 tử vong trung bình 7 ngày ở Mỹ bây giờ đã vượt qua (số ca Covid-19 tử vong) lúc biến thể Delta đạt đỉnh vào cuối tháng 9 (2021). Tệ hơn nữa là virus này có thể chưa kết thúc với chúng ta. Dù có khả năng các biến thể trong tương lai sẽ ít nguy hiểm hơn, nhưng các đột biến mang tính ngẫu nhiên. Chỉ có điều chắc chắn rằng nếu thành công, các biến thể tương lai sẽ tránh được sự bảo vệ của hệ miễn dịch và có thể trở nên nguy hiểm hơn”, ông Barry viết.

“Tùy thuộc vào virus…”

Tình trạng mệt mỏi, phớt lờ đại dịch dẫn tới hậu quả xảy ra không chỉ trong năm 1920 mà còn trong các đợt dịch cúm vào các năm 1957, 1968 và 2009. Trong năm 1960 ở Mỹ, sau khi phần lớn dân số đã có được sự bảo vệ từ việc nhiễm bệnh và vắc xin, một biến thể đã gây ra số ca tử vong lúc dịch đạt đỉnh vượt mức trong các đợt dịch vào năm 1957 và 1958. Trong đợt bùng phát năm 1968, một biến thể ở châu Âu đã gây chết chóc nhiều hơn trong năm thứ 2, dù vắc xin luôn có sẵn và nhiều người đã nhiễm bệnh, theo ông Barry.

Bài học gì từ cách đại dịch năm 1918 kết thúc? - ảnh 3
Một đứa trẻ được tiêm vắc xin Covid-19 ở Đức  AFP

Cũng theo ông Barry, trong đại dịch cúm khởi phát vào năm 2009, các biến thể đã xuất hiện và gây nhiễm cho những người đã tiêm vắc xin. Một nghiên cứu ở Anh đã phát hiện “gánh nặng lớn từ những ca bệnh nặng trong năm sau đại dịch”, nhưng dân chúng “ít quan tâm tới bệnh cúm hơn”. Các nhà nghiên cứu đổ lỗi cho cách ứng phó của chính quyền. Trong năm đầu, giới chức y tế chủ yếu cung cấp thông tin, không thực hiện các biện pháp phong tỏa và hậu quả là trong năm thứ 2, số lượng lớn ca tử vong, ca bệnh nặng và ca nhập viện xuất hiện, trong đó có nhiều người khỏe mạnh trong độ tuổi lao động, theo ông Barry.

“Những tiền lệ như thế buộc chúng ta phải cảnh giác. Vắc xin, thuốc kháng virus Paxlovid và những loại thuốc khác có thể kết thúc đại dịch (Covid-19), một khi hàng tỉ liều vắc xin được cung cấp cho toàn cầu và nếu virus không trở nên kháng (thuốc hay vô hiệu hóa vắc xin). Nhưng đại dịch sẽ không kết thúc sớm. Tương lai trước mắt vẫn còn phụ thuộc vào virus và cách chúng ta sử dụng kho vũ khí hiện nay: vắc xin, khẩu trang, thuốc chống virus remdesivir, giãn cách xã hội…”, ông Barry viết.

VĂN KHOA

TNO