27/12/2024

Từ Vũ Hán “phong thành” đến xu thế chống dịch mới

Từ Vũ Hán “phong thành” đến xu thế chống dịch mới

Hai năm từ khi lệnh phong toả đầu tiên ngăn Covid-19 được áp dụng, cuộc chiến chống đại dịch của thế giới đã thay đổi với nhiều chiến lược chống dịch khác biệt.

 

 

Đợt phong tỏa đầu tiên

Ngày 23.1.2020, thành phố Vũ Hán thuộc tỉnh Hồ Bắc (Trung Quốc) trở thành nơi đầu tiên trên thế giới bị phong tỏa “nội bất xuất, ngoại bất nhập” nhằm ngăn vi rút Corona chủng mới (sau được đặt tên là SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19) lây lan. Theo Đài NHK, hệ thống y tế của thành phố khi đó bị quá tải vì số ca nhiễm tăng quá nhanh. Lực lượng y tế từ nơi khác tức tốc được điều đến hỗ trợ. Chính quyền địa phương xây hai bệnh viện dã chiến với sức chứa hàng ngàn giường bệnh trong thời gian kỷ lục để chuyên trị bệnh nhân.

Ngày 30.1, Tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus tuyên bố đợt bùng dịch là sự kiện khẩn cấp y tế công cộng gây lo ngại quốc tế. Ngày hôm sau, Mỹ cấm nhập cảnh đối với người nước ngoài dừng chân tại Trung Quốc trong 14 ngày gần nhất.

Đến ngày 23.2.2020, hai điểm nóng tại Ý cũng bị phong tỏa vì xuất hiện nhiều ca nhiễm và sau đó, nhiều nước khác trên thế giới tiếp bước. Tính đến tháng 4.2020 khi lệnh phong tỏa tại Vũ Hán được dỡ bỏ, thành phố này có hơn 3.800 ca tử vong vì Covid-19. Tính đến nay, tổng số ca tử vong vì Covid-19 tại Trung Quốc là 4.636 trong số hơn 105.000 ca nhiễm. Từ tháng 8.2021, không còn ca nhiễm cộng đồng nào được phát hiện tại Vũ Hán.

Có thể nói, đợt phong tỏa kéo dài 76 ngày tại Vũ Hán đã để lại tác động lớn đến việc chống dịch trên thế giới. Trong hai năm sau, hơn 5,6 triệu người trên toàn cầu đã mất mạng vì Covid-19 và từ “phong tỏa” đã trở nên phổ biến khắp thế giới.

Nhiều ý kiến trái chiều xuất hiện liên quan đến việc phong tỏa tại Vũ Hán. Một số cho rằng việc phong tỏa phải trả giá quá đắt về mặt kinh tế lẫn cuộc sống của người dân, trong khi một số khác phản biện rằng đây là điều cần thiết để có thêm thời gian chuẩn bị ứng phó với dịch, ngăn chặn lây nhiễm và tử vong.

Từ Vũ Hán “phong thành” đến xu thế chống dịch mới - ảnh 1
Người dân xếp hàng chờ xét nghiệm Covid-19 tại Bắc Kinh ngày 21.1  AFP

Xu thế mới

Hiện nay, Trung Quốc vẫn kiên nhẫn duy trì chính sách “zero Covid” (quét sạch ca nhiễm trong cộng đồng). Theo đó, lệnh cách ly, phong tỏa sẽ được áp dụng ngay tại những vùng xuất hiện ca nhiễm, các đợt xét nghiệm PCR quy mô lớn sẽ được thực hiện để bóc tách ca nhiễm ra khỏi cộng đồng. Một số thành phố tại Trung Quốc, gồm nhiều khu vực tại thủ đô Bắc Kinh, đang tuân thủ những quy định kiểm soát dịch nghiêm ngặt do xuất hiện những ca nhiễm mới, trong đó có cả người mắc biến thể Omicron. Tuy nhiên, trừ những vùng bị giới hạn, nhịp sống gần như trở lại bình thường ở những nơi khác.

Trong khi đó, việc tái mở cửa để sống chung với dịch đang dần trở thành xu thế mới trên thế giới khi mà tỷ lệ tiêm chủng vắc xin đã đạt mức cao và biến thể Omicron dần chiếm ưu thế ở nhiều nơi được cho là gây bệnh nhẹ hơn so với các biến thể trước.

Tại Anh, người dân không cần phải trình xác nhận tiêm chủng để vào hộp đêm hoặc các sự kiện lớn và việc đeo khẩu trang tại nhiều nơi cũng không còn bắt buộc. Sắp tới, người xét nghiệm dương tính không còn phải tự cách ly nếu dữ liệu về tình hình dịch bệnh cho thấy sự khả quan.

Chuyên gia nói gì về dòng phụ của Omicron ?

Tờ Hindustan Times hôm qua đưa tin 8.040 mẫu giải trình tự gien của BA.2, dòng phụ của biến thể Omicron, đã được 40 nước đăng tải lên cơ sở dữ liệu mở GISAID. Tiến sĩ Meera Chand tại Cơ quan An ninh y tế Anh nói chưa có đủ dữ liệu để xác định BA.2 gây bệnh nặng hơn dòng gốc của Omicron (BA.1). Nhà vi rút học Tom Peacock tại Đại học Hoàng gia London (Anh) dẫn dữ liệu từ Ấn Độ và Đan Mạch cho rằng không có sự khác biệt lớn về mức độ nghiêm trọng so với BA.1. Ông cũng bày tỏ tin tưởng đối với độ hiệu quả của các vắc xin hiện có trước BA.2.

Tại Tây Ban Nha, Thủ tướng Pedro Sanchez cho rằng không nên quá chú ý vào số ca nhiễm mới và với tỷ lệ tiêm chủng hơn 80%, cộng với việc biến thể Omicron gây bệnh nhẹ hơn, đã đến lúc có thể xem Covid-19 như bệnh cúm, theo Đài Deutsche Welle.

Trong khi đó, tâm lý dè dặt vẫn còn hiện diện ở nhiều nơi và hình thành những cách chống dịch riêng biệt như biện pháp “bán khẩn cấp” tại Nhật Bản, khi nền kinh tế được mở cửa để vận hành nhưng lãnh đạo địa phương được quyền áp đặt biện pháp hạn chế đối với từng khu vực cụ thể nhằm ngăn dịch.

Mặt khác, WHO vừa qua khuyến cáo các nước dỡ bỏ hoặc nới lỏng quy định phòng Covid-19 trong việc di chuyển quốc tế vì cho rằng những biện pháp này có thể gây sức ép kinh tế và xã hội. Cơ quan này cho rằng việc giới hạn không giúp hạn chế lây lan biến thể Omicron và nhấn mạnh các biện pháp an toàn đi lại như đeo khẩu trang, xét nghiệm, cách ly, tiêm chủng nên dựa trên đánh giá nguy cơ để tránh gây gánh nặng tài chính quá mức đối với hành khách.

 

VI TRÂN

TNO