26/12/2024

Xu hướng sống chung với Covid-19 bất kể Omicron

Xu hướng sống chung với Covid-19 bất kể Omicron

Một số nước châu Âu đang thúc đẩy kế hoạch mở cửa để sống chung với dịch Covid-19 và coi như bệnh đặc hữu bất kể biến thể Omicron đang lây lan mạnh.

 

 

Coi Covid-19 như cúm

Tây Ban Nha được xem là nước đi đầu trong việc xem Covid-19 như bệnh cúm hoặc sởi bất kể cảnh báo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho rằng động thái này còn quá sớm. Trong một phát biểu mới đây, Bộ trưởng Y tế Tây Ban Nha Carolina Darias khẳng định nước này muốn tiên phong trong cuộc thảo luận về việc tái xếp loại Covid-19 vào nhóm bệnh đặc hữu và yêu cầu Trung tâm phòng dịch châu Âu nghiên cứu chiến lược mới, theo AFP.

Xu hướng sống chung với Covid-19 bất kể Omicron - ảnh 1
Người dân Anh sắp được hủy bỏ yêu cầu “giấy thông hành Covid-19”  REUTERS

Tại quốc gia láng giềng Bồ Đào Nha, Tổng thống Marcelo Rebelo de Sousa tuyên bố trong bài phát biểu năm mới rằng Covid-19 tại nước này đã bước sang giai đoạn bệnh đặc hữu.

Tại Anh, Thủ tướng Boris Johnson ngày 19.1 thông báo các quy định như đeo khẩu trang hay “giấy thông hành Covid-19” sẽ bãi bỏ từ ngày 26.1, trong khi quy định làm việc tại nhà đã được hủy bỏ ngay lập tức, theo Reuters. Quy định về cách ly vẫn giữ nguyên, nhưng ông Johnson nói sẽ cân nhắc hủy bỏ vào tháng 3 nếu số liệu về dịch cải thiện.

Tại nhiều nước châu Âu khác như Estonia, Iceland, Slovenia, Na Uy, Hà Lan hay Thụy Điển, các quy định hạn chế liên quan Covid-19 cũng đã dần được nới lỏng.

Có thể thấy, các nước đi đầu xu hướng sống chung với dịch đều có tỷ lệ tiêm chủng cao. Một trong những yếu tố góp phần thúc đẩy xu hướng này là vì quan niệm rằng sự lây lan của biến thể Omicron gần như không thể ngăn chặn hoàn toàn bằng việc phong tỏa hay vắc xin. Điều này đã được chuyên gia y tế hàng đầu tại Mỹ cũng như lãnh đạo Israel thừa nhận khi họ cho rằng hầu hết dân số đều sẽ nhiễm biến thể này.

Tuy số ca nhiễm trong làn sóng do Omicron gây ra là rất cao, nhưng số tử vong hoặc bệnh nặng đến mức phải nhập viện lại không tăng tương ứng. Tại Nam Phi, nơi Omicron được phát hiện đầu tiên, tỷ lệ tử vong trong làn sóng vừa qua chỉ bằng 15% so với làn sóng do biến thể Delta, tạp chí Fortune dẫn số liệu của Viện Bệnh truyền nhiễm quốc gia Nam Phi cho biết.

Nhiều nơi dè dặt

Tuy vậy, cuộc bàn luận về kế hoạch chuyển sang giai đoạn bệnh đặc hữu hầu như chỉ ở những nước giàu, có tỷ lệ tiêm chủng cao và đủ khả năng chống chịu với thách thức tồi tệ nhất trong đại dịch. Các nước này tiếp cận được với nguồn vắc xin, thuốc trị và có hệ thống y tế công vững mạnh mà nhiều nước đang phát triển mơ ước, theo AP.

Số ca Covid-19 giảm mạnh tại châu Phi

WHO hôm qua thông báo số ca nhiễm mới và tử vong vì Covid-19 tại châu Phi lần đầu tiên giảm xuống từ khi biến thể Omicron xuất hiện. Trong tuần từ ngày 10 – 16.1, số ca nhiễm mới giảm 20% và tử vong giảm 8% so với tuần trước đó. Giám đốc Văn phòng WHO tại châu Phi Matshidiso Moeti nói đợt tăng ca nhiễm kéo dài 56 ngày này là đợt bùng phát ngắn nhất, nhưng châu lục vẫn cần mở rộng tiêm chủng, gia tăng tiếp cận với thuốc điều trị. Đến nay, chỉ 10% dân số châu Phi được tiêm chủng đầy đủ.

Ngay cả tại Đức, nền kinh tế hàng đầu châu Âu với 73% dân số đã tiêm 2 liều vắc xin, việc so sánh với Tây Ban Nha hay bất cứ nước nào khác đều bị gạt bỏ. “Chúng ta vẫn có quá nhiều người chưa tiêm vắc xin, đặc biệt là người lớn tuổi”, phát ngôn viên Andreas Deffner của Bộ Y tế Đức nói hôm đầu tuần. Tại Áo, nước có 72% dân số đã tiêm đủ liều vắc xin, hạ viện vừa thông qua dự luật bắt buộc tiêm vắc xin Covid-19 đối với tất cả người từ 18 tuổi trở lên. Gần đây Ý cũng ra quy định tương tự với người từ 50 tuổi trở lên.

Một số chuyên gia WHO cho rằng để tuyên bố đại dịch chấm dứt hay chưa không chỉ phụ thuộc vào số ca nhiễm mà còn là mức độ nặng của bệnh và tác động. Mặt khác, dù Covid-19 có trở thành bệnh đặc hữu thì nguy cơ vẫn hiện diện như bệnh lao, sốt rét hay HIV khiến hàng trăm ngàn người chết mỗi năm.

 

BẢO VINH

TNO