11/01/2025

Xuất khẩu thanh long vào Ấn Độ cần tránh “vết xe đổ” từ thị trường Trung Quốc

Xuất khẩu thanh long vào Ấn Độ cần tránh “vết xe đổ” từ thị trường Trung Quốc

Sáng 19.1, Đại sứ quán Việt Nam (VN) tại Ấn Độ phối hợp với các đơn vị của Bộ Công thương tổ chức hội nghị xúc tiến xuất khẩu thanh long tại thị trường Ấn Độ.

 

 

Hội nghị xúc tiến thanh long tại thị trường Ấn Độ có sự tham gia của các doanh nghiệp, hiệp hội thanh long và Sở Công thương các tỉnh Bình ThuậnLong An và Tiền Giang, là những tỉnh có diện tích thanh long lớn nhất VN hiện nay.

Mở đầu hội nghị, ông Bùi Trung Thướng, Tham tán thương mại VN tại Ấn Độ cho biết, sau khi các cửa khẩu biên giới Trung Quốc giáp với VN đóng cửa thì việc xuất khẩu trái thanh long của VN sang thị trường này gặp khó khăn. Trong bối cảnh đó, Đại sứ quán VN tại Ấn Độ đã phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công thương tổ chức hội nghị xúc tiến xuất khẩu thanh long VN đến Ấn Độ nhằm kết nối các doanh nghiệp của hai nước.

Phát biểu tại hội nghị xúc tiến, đại diện Sở Công thương các tỉnh Bình Thuận, Long An và Tiền Giang đều có chung nhận định, thanh long VN thời gian qua quá phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc, nên không lường trước được rủi ro. Việc ngừng xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc những ngày qua khiến giá thanh long trong nước giảm sâu và thiệt hại lớn cho nông dân và các doanh nghiệp xuất khẩu. Các tỉnh có diện tích thanh long rộng lớn nói trên cùng kiến nghị Tham tán thương mại tại Ấn Độ làm cầu nối để việc xuất khẩu trái thanh long VN vào Ấn Độ thuận lợi hơn.

Xuất khẩu thanh long vào Ấn Độ cần tránh "vết xe đổ" từ thị trường Trung Quốc - ảnh 1
Thanh long Bình Thuận thu hoạch dịp tết nhưng thiếu đầu ra khiến nông dân bị lỗ nặng  QUẾ HÀ

Để không lặp lại ‘vết xe đổ’ từ thị trường Trung Quốc

Ông Nguyễn Quốc Duẩn, Tổng giám đốc doanh nghiệp Song Nam, đơn vị đã xuất khẩu thanh long sang Ấn Độ trong thời gian qua cho rằng, với hơn 1,3 tỉ dân, người dân rất thích quả thanh long, Ấn Độ thực sự là một thị trường hấp dẫn đối với các doanh nghiệp xuất khẩu thanh long VN. Tuy nhiên, như thế không có nghĩa là không có rủi ro nếu không tránh được những bài học khi xuất thanh long vào thị trường Trung Quốc. Theo đó, không được để cho các doanh nghiệp nước ngoài tự làm giá ngay từ trong nước (như với Trung Quốc). Mua bán phải đảm bảo chế độ thanh toán trước và phải tự bảo vệ được thương hiệu hàng hóa của mình, không để việc này cho các thương gia nước ngoài tự quyết định. Ông Duẩn đề nghị thành lập Chi hội các doanh nghiệp xuất khẩu thanh long vào Ấn Độ để chia sẻ thông tin và giúp đỡ nhau khi xuất thanh long vào thị trường này.

Xuất khẩu thanh long vào Ấn Độ cần tránh "vết xe đổ" từ thị trường Trung Quốc - ảnh 2
Các cửa khẩu biên giới giáp Trung Quốc đóng cửa khiến thanh long các tỉnh Bình Thuận, Long An và Tiền Giang không xuất được sang Trung Quốc  QUẾ HÀ

Tương tự, bà Huỳnh Thị Vy, một doanh nhân VN tại Ấn Độ khuyến cáo, các doanh nghiệp VN muốn không để mất tiền tại Ấn Độ thì phải đảm bảo chất lượng sản phẩm, bao bì phải có tiếng Anh, thậm chí là có tiếng Ấn Độ, tránh tình trạng thời gian qua thanh long VN nhưng bao bì toàn chữ Trung Quốc và “đặc biệt là không được tự hạ giá” (phá giá), bà Vy chia sẻ.

Phát biểu tại hội nghị, TS. Đỗ Thanh Hải, Tham tán Công sứ của Đại sứ quán VN tại Ấn Độ nhận định, Ấn Độ là một thị trường đầy tiềm năng đối với trái cây VN nói chung và quả thanh long nói riêng. Các địa phương và nhất là các doanh nghiệp VN cần có chiến lược lâu dài, bền vững khi xuất thanh long vào thị trường Ấn Độ. Ông Hải cũng đồng ý với kiến nghị của một số doanh nghiệp đề nghị thành lập ngay Chi hội xuất khẩu thanh long tại Ấn Độ để có được chiến lược marketing bài bản, bền vững lâu dài chứ không thể làm theo kiểu “ăn xổi ở thì” . “Mỗi người Ấn Độ chỉ dùng 1 USD để ăn trái cây thôi thì đã là một thị trường quá lớn cho thanh long của VN” – ông Hải ví dụ.

Xuất khẩu thanh long vào Ấn Độ cần tránh "vết xe đổ" từ thị trường Trung Quốc - ảnh 3
Đóng thanh long xuất khẩu tiểu ngạch tại huyện Hàm Thuận Nam, Bình Thuận QUẾ HÀ

“Phải có chiến lược lâu dài. Làm sao để khi nói đến thanh long VN ở Ấn Độ thì người dân nước này nghĩ ngay đến đó là tinh hoa của VN và sản vật quý giá này phải bán được giá cao”, ông Hải chia sẻ.

Theo thông tin từ các tỉnh Bình Thuận, Long An và Tiền Giang, hiện nay mỗi tỉnh đang thu hoạch hàng chục ngàn tấn thanh long nhưng nông dân đang thiệt hại lớn do không bán được, hoặc bán với giá rất rẻ sau khi các cửa khẩu sang Trung Quốc đóng cửa.

 

QUẾ HÀ

TNO