Thấp thỏm vụ Tết: Người trồng kiệu ‘ngồi trên lửa’

Thấp thỏm vụ Tết: Người trồng kiệu ‘ngồi trên lửa’

Lo ngại dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng thị trường tiêu thụ, hàng trăm hộ chuyên trồng kiệu tại Quảng Nam đã sớm giảm diện tích gieo trồng, nhưng đến kỳ thu hoạch vẫn bị thương lái “ngó lơ”…

 

 

Xã Bình Phục và Bình Giang của H.Thăng Bình được xem là vựa kiệu lớn của tỉnh Quảng Nam. Những ngày này, trên những cánh đồng người dân đang tất bật thu hoạch kiệu TếtThời tiết cuối năm thất thường, giai đoạn cây cho củ thì gặp mưa lớn kéo dài khiến kiệu ngập úng và hư hại, năng suất giảm mạnh. Nông dân cũng chủ động giảm mạnh diện tích trồng kiệu do lo ngại ảnh hưởng của dịch bệnh… Nhưng diễn biến thị trường đang khiến nông dân lo lắng.

Thấp thỏm vụ Tết: Người trồng kiệu 'ngồi trên lửa' - ảnh 1
Vựa kiệu tết ở H.Thăng Bình (Quảng Nam) vào mùa thu hoạch  ĐỨC TÀI

Thu mua “nhỏ giọt”

Những năm trước, vào thời điểm này thương lái đã đổ xô đến tận đồng thu mua nhưng năm nay thì rất vắng và dường như cây kiệu đang bị “ngó lơ”. Ông Trần Văn Tiên (53 tuổi, ở thôn Tất Viên, xã Bình Phục) cho biết năm nay gia đình ông trồng 1.000 m2 sào kiệu Tết, giảm 500 m2 sào so với năm ngoái vì lo ngại dịch bệnh.

Bao nhiêu công đầu tư, công sức bỏ ra mà sản lượng thấp khiến người dân như đang ngồi trên đống lửa, trong khi đó Tết lại cận kề. Nếu các cánh đồng kiệu này mà không bán được thì coi như nông dân chúng tôi mất Tết

Bà Trần Thị Liên, ở xã Bình Phục, H.Thăng Bình, Quảng Nam

Ấy vậy mà vẫn chưa thể “cắt lỗ”. Bởi ngoài yếu tố sản lượng không đạt, có thêm mối lo giá thành giảm mạnh do ảnh hưởng tình hình thời tiết thất thường, mưa lớn kéo dài.

“Đã trồng ít mà còn chịu cảnh mưa gió liên miên nên ruộng kiệu của tôi năm nay mất mùa dữ lắm. Kiệu khi nhổ lên không được to và nhiều củ như mọi năm. Vì thế, giá bán cũng chỉ từ 25.000 – 30.000 đồng/kg. Nhưng điều đáng nói, dù đã vào mùa thu hoạch mà vẫn chưa thấy thương lái nào đến thu mua”, ông Tiên nói.

Thấp thỏm vụ Tết: Người trồng kiệu 'ngồi trên lửa' - ảnh 2
Kiệu phơi ngay ngoài đồng nhưng không có thương lái đến thu mua  ĐỨC TÀI

Cũng giảm 50% diện tích từ 1.500 m2 xuống còn 750 m2, bà Trần Thị Liên (52 tuổi, ở thôn Bình Hiệp, xã Bình Phục) cho biết thu nhập từ kiệu không chỉ phụ thuộc vào diện tích mà còn bới giá kiệu giống (thời điểm đầu vụ) và yếu tố cung cầu thị trường (cuối vụ).

Năm nay, vật tư trồng trọt tăng giá cộng thêm mưa lớn khiến việc trồng và chăm sóc kiệu khó khăn hơn. “Vừa xuống giống thì gặp hạn hán, đến lúc kiệu bắt đầu cho củ thì gặp mưa lớn khiến nhiều diện tích bị ngập úng, hư hại.

Bao nhiêu nguồn đầu tư, công sức bỏ ra mà sản lượng thấp khiến người dân như đang ngồi trên đống lửa, trong khi đó Tết lại cận kề. Nếu các cánh đồng kiệu này mà không bán được thì coi như nông dân chúng tôi mất Tết”, bà Liên buồn bã.

Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Phan Ngọc Bốn, Phó chủ tịch UBND xã Bình Phục, cho biết năm nay toàn xã trồng khoảng 90.000 m2 kiệu phục vụ Tết, diện tích giảm 30% so với năm ngoái. “Người dân tự giảm số lượng vì e ngại tình hình dịch bệnh. Trên thực tế, chất lượng kiệu năm nay không đạt như mọi năm do mưa lớn, bị ngâm nước lâu ngày. Người dân xã Bình Phục khá mong chờ vụ mùa này để có thu nhập dịp Tết, nhưng giá kiệu giảm mạnh, thương lái thu mua “nhỏ giọt” khiến bà con gặp khó”, ông Bốn nói.

 

MẠNH CƯỜNG – ĐỨC TÀI

TNO