Cừu thù hoà giải
Cừu thù hoà giải
Với việc để cho các nhà ngoại giao Iran trở lại Ả Rập Xê Út, trước mắt để vận hành lại phái bộ Iran tại tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OIC), Riyadh thực chất đang bình thường hoá trở lại quan hệ với Iran sau 6 năm ngưng trệ.
Hai nước này trở thành cừu thù của nhau kể từ cuộc Cách mạng Hồi giáo ở Iran năm 1979. Họ ganh đua giành vai trò lãnh đạo thế giới Hồi giáo và sức ảnh hưởng tại khu vực, bên cạnh cuộc cạnh tranh giữa dòng Sunni (Ả Rập Xê Út) và dòng Shiite (Iran) trong thế giới Hồi giáo. Sáu năm qua là thời kỳ đặc biệt khó khăn và trắc trở trong mối quan hệ hai nước. Ả Rập Xê Út cùng Mỹ, Israel và một số nước nữa ở vùng Vịnh tập hợp nhau đối phó Iran.
Phái bộ Iran tại tổ chức Hợp tác Hồi giáo đã trở lại Ả Rập Xê Út AFP |
Cừu thù bây giờ đi vào hòa giải và quá trình này không phải bây giờ mới bắt đầu vì nguyên do và lợi ích khác nhau ở hai phía. Iran có nhu cầu mang ý nghĩa chiến lược cấp thiết hiện tại và cả lâu dài với việc phân hóa
Ả Rập Xê Út với Mỹ, với một số thành viên khác trong tổ chức Hội đồng hợp tác vùng Vịnh, với EU và với Israel. Ả Rập Xê Út cần giảm xung khắc với Iran vì hiện tại ở trong tình trạng bất lợi hơn rất đáng kể so với cách đây 6 năm cả về đối nội lẫn đối ngoại và chính trị an ninh khu vực. Ở cả Mỹ lẫn Israel và Iran đều đã có sự thay đổi chính phủ.
Ả Rập Xê Út không đạt được mục đích đề ra nhằm vào Iran với việc phát động cuộc chiến tranh ở Yemen và cô lập, bao vây, cấm vận Qatar. Ả Rập Xê Út không thể không nhận thấy Iran thúc đẩy mạnh mẽ mối quan hệ đối tác chiến lược với Trung Quốc và Nga cũng như sớm muộn thì Iran và Mỹ sẽ đạt được thỏa thuận về giải pháp cho vấn đề hạt nhân Tehran.Cho nên đối với cả hai nước này, hòa giải càng sớm và càng nhanh thì càng bớt hại.
PHẠM LỮ
TNO