23/01/2025

Thế giới đang thích nghi với biến thể Omicron?

Thế giới đang thích nghi với biến thể Omicron?

Số ca nhiễm Covid-19 tăng cao với tác động của biến thể Omicron và các dữ liệu mới về biến thể này lại đang khiến các nước cắt ngắn thời gian cách ly.

 

 

Cắt ngắn thời gian cách ly

Từ khi được phát hiện vào tháng 11.2021 đến nay, biến thể Omicron của SARS-CoV-2 đang khiến số ca nhiễm Covid-19 tăng nhanh ở nhiều nơi. Tại châu Âu, tổng số ca nhiễm Covid-19 vừa vượt mốc 100 triệu và biến thể Omicron đang tỏ ra vượt trội hơn các biến thể khác. Ở Mỹ, biến thể Omicron cũng đang nổi lên.

Lý giải cho việc số ca Covid-19 bùng phát toàn cầu, giáo sư y khoa Jonathan Reiner, thuộc Đại học George Washington (Mỹ) đồng thời là chuyên gia phân tích của CNN, nhận định Omicron là biến thể lây lan mạnh nhất của SARS-CoV-2 tính đến nay và chỉ cần một lần lướt qua người nhiễm hoặc kéo nhanh khẩu trang xuống là đủ để bị nhiễm. Thực tế này khiến giới chức y tế nhiều nơi lo ngại số ca nhiễm tăng cao đặt ra mối đe dọa cho các dịch vụ thiết yếu như giao thông, bệnh viện… và càng có thêm người cách ly thì càng gây hậu quả trầm trọng.

Trước những xáo trộn lớn đặc biệt là ngành hàng không trong thời gian gần đây, một số nước như Anh, Pháp, Mỹ đã quyết định cắt ngắn thời gian cách ly đối với người nhiễm xuống còn 5 – 7 ngày nhằm giảm áp lực cho nền kinh tế. Pháp và Anh yêu cầu người nhiễm phải có kết quả xét nghiệm âm tính để kết thúc cách ly, trong khi Mỹ chỉ cần hết triệu chứng sau 5 ngày và đeo khẩu trang trong 5 ngày tiếp theo.

Lý giải cho việc áp dụng các quy định trên, các nước giải thích rằng người nhiễm bệnh hầu như chỉ có khả năng lây lan mạnh cho người khác trong 1 – 2 ngày trước khi có triệu chứng và 2 – 3 ngày tiếp theo. Nguy cơ này được cho là giảm xuống nhanh trong những ngày sau đó, theo The Guardian.

Thế giới đang thích nghi với biến thể Omicron? - ảnh 1
Một điểm xét nghiệm Covid-19 tại New York, Mỹ  AFP

Có thêm kỳ vọng

Đến nay, giới chuyên gia vẫn chưa có đầy đủ dữ liệu về độc lực của Omicron nhưng nghiên cứu mới nhất của các nhà khoa học Mỹ và Nhật trên chuột cho thấy Omicron gây triệu chứng nhẹ hơn so với các biến thể khác vì tải lượng vi rút ở mũi, họng và phổi ít hơn, theo tờ The Hill. Số liệu của Reuters về tình hình dịch trên toàn cầu cũng như báo cáo của Nam Phi về đợt sóng mới nhất cũng cho tín hiệu rằng có thể biến thể Omicron ít gây bệnh nặng và tử vong hơn các biến thể khác.

Tại Israel, Tổng giám đốc phụ trách chuyên môn thuộc Bộ Y tế Nachman Ash hôm qua dự báo Omicron có thể đẩy số ca nhiễm đạt mức kỷ lục trong 3 tuần tới và giúp nước này đạt miễn dịch cộng đồng, dù ưu tiên vẫn là đạt mục tiêu này thông qua tiêm chủng. Đến nay, khoảng 60% dân số Israel đã được tiêm đầy đủ. Tuy nhiên, lãnh đạo tổ chuyên trách chống Covid-19 Salman Zarka tỏ ra thận trọng khi lưu ý trong 2 năm qua, nhiều người đã khỏi bệnh nhưng vẫn bị tái nhiễm.\

Trong một thông tin liên quan, nhà khoa học Michinori Kohara tại Viện Khoa học y khoa vùng đô thị Tokyo (Nhật Bản) mới đây tuyên bố loại vắc xin Covid-19 có tác dụng suốt đời do ông nghiên cứu đã chứng minh hiệu quả trên chuột và loài linh trưởng. Tờ The Japan Times dẫn lời vị chuyên gia cho biết đây là loại vắc xin công nghệ véc tơ vi rút, dựa trên một loại vắc xin từ thế kỷ 18 giúp loại trừ bệnh đậu mùa.

Kết quả nghiên cứu trên chuột cho thấy vắc xin duy trì hiệu quả hơn 20 tháng sau một mũi tiêm. Hai mũi tiêm cách nhau 3 tuần giúp lượng kháng thể tăng 10 lần. Dự kiến, vắc xin sẽ được thử nghiệm lâm sàng trên người trong năm 2023 và sản xuất đại trà vào năm 2024

COVAX hụt chỉ tiêu

Năm 2021, cơ chế chia sẻ vắc xin COVAX do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) dẫn đầu đã chuyển hơn 900 triệu liều vắc xin Covid-19 đến 144 nước. Tuy nhiên, kết quả này chưa đạt 50% mục tiêu 2 tỉ liều được đề ra trước đó, theo The Hill. Trong tháng 12.2021, COVAX phân phối lượng vắc xin nhiều kỷ lục là 309 triệu liều, nhưng vẫn không đủ để bù vào phần hụt của kế hoạch. Tuy nhiên, các quan chức cho hay một số thách thức thời gian đầu về nguồn cung và thời gian thông báo trước khi nhận vắc xin đã được giải quyết.

Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus lạc quan rằng sẽ có đủ vắc xin để tiêm cho toàn bộ người trưởng thành trên toàn cầu và liều tăng cường cho người có nguy cơ cao trong quý 1/2022.

 

VI TRÂN

TNO