Học trực tuyến kiểm tra trực tiếp: Học sinh cần chuẩn bị gì?

Học trực tuyến kiểm tra trực tiếp: Học sinh cần chuẩn bị gì?

Hơn một tuần nữa, học sinh phổ thông TP.HCM sẽ bước vào kiểm tra cuối kỳ 1 năm học 2021-2022. Trong bối cảnh học trực tuyến nhưng có thể sẽ đến trường kiểm tra trực tiếp, học sinh cần chuẩn bị gì để đạt kết quả cao?

 

Học trực tuyến kiểm tra trực tiếp: Học sinh cần chuẩn bị gì? - Ảnh 1.

Học sinh lớp 12 Trường THPT Nguyễn Hữu Thọ trong ngày đầu trở lại trường học trực tiếp – Ảnh: MỸ DUNG

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, thầy Võ Kim Bảo – giáo viên ngữ văn Trường THCS Nguyễn Du, quận 1, TP.HCM – cho rằng đối với lớp 6, 7, 8, 9 trước tiên các em cần có tâm thế tốt, bình tĩnh ôn tập khi bước vào kỳ kiểm tra này. Về kiến thức, các em chỉ cần bám sát các bài giảng của thầy cô đã giảng qua mạng.

Nắm chắc kiến thức thầy cô đã dạy 

“Mọi năm, học sinh phải chuẩn bị nhiều bởi học trực tiếp yêu cầu kiến thức trong thi cử sẽ cao hơn. Còn năm nay học sinh học trực tuyến nên yêu cầu kiến thức sẽ không cao. Đề thi (tất cả các môn) sẽ nằm trong những kiến thức mà thầy cô đã dạy cho học sinh” – thầy Kim Bảo cho biết.

Thầy Bảo cũng khuyên học sinh không nên dựa vào tài liệu tham khảo quá nhiều mà sao nhãng nội dung thầy cô hướng dẫn trên lớp. Học sinh nên nắm chắc những kiến thức thầy cô trong trường đã dạy, sau đó mới nên mở rộng.

Ngoài ra, các em cũng có thể soạn đề cương ôn tập các môn học của mình nếu trường, thầy cô chưa có đề cương ôn tập cho các em. Hoặc học sinh cũng có thể ôn tập theo các kiến thức mà các thầy, cô dạy trên kênh truyền hình TP.HCM đã thống kê lại. Điều quan trọng nhất là học sinh phải nắm kiến thức cơ bản và có kỹ năng làm bài.

Riêng đối với môn văn, thầy Bảo cho biết, việc thi cử với môn văn trong hoàn cảnh dịch bệnh đã dần thay đổi theo hướng chỉ yêu cầu viết ở mức độ đúng, sáng tạo chỉ là khuyến khích, không bắt buộc. “Riêng phần tự luận trong môn văn sẽ giảm điểm so với năm trước. Đề thi sẽ chỉ là những kiến thức đơn giản nhất, không đánh đố học sinh”, thầy Bảo thông tin.

Yêu cầu kiến thức ở mức nhận biết

Tương tự, cô Nguyễn Thị Anh Các – giáo viên bộ môn toán Trường THCS Nguyễn Văn Tố, quận 10, TP.HCM – cũng cho biết, đề kiểm tra cuối kỳ 1 năm học này cũng sẽ nằm trong những bài học được giáo viên dạy trong chương trình trực tuyến.

Theo đó, hiện nay học sinh tại TP.HCM đều đã quen với các dạng đề thi toán trắc nghiệm hoặc tự luận. Yêu cầu kiến thức của việc thi học kỳ 1 năm nay nằm ở mức nhận biết, thông hiểu và vận dụng thấp.

“Vì thế, đề thi học kỳ 1 năm nay sẽ chỉ là chuẩn kiến thức cơ bản những vấn đề các em đã được học và thầy cô giáo đã ôn tập cho các em ở trên lớp. Quan trọng nhất là các em không nên lo lắng đề sẽ khó hoặc học trực tuyến mà thi trực tiếp sẽ khó khăn. Bởi nếu các em có tâm lý không thoải mái sẽ không bình tĩnh, khó ôn tập” – cô Nguyễn Thị Anh Các khuyên.

Tập trung củng cố lại kiến thức 

Đối với học sinh bậc THPT, thầy Lê Công Anh, giáo viên bộ môn tiếng Anh Trường THPT Nguyễn Thái Bình, TP.HCM, cho biết học sinh khối 12 đã đã đến trường học được 3 tuần. Trong 3 tuần này, thầy cô đã củng cố kiến thức, cho các em ôn tập, làm các dạng bài… nên các em đã có thời gian để chuẩn bị.

Đối với học sinh khối 10, 11, các trường cũng có thời gian một tuần học trực tiếp để củng cố và giới hạn kiến thức học sinh đã học. Mặt khác, đây cũng là giai đoạn đầu học sinh TP.HCM học trực tuyến dài đến như vậy nên đề thi cũng chỉ gói gọn trong phần kiến thức cơ bản, không có yếu tố nâng cao.  Vì thế, học sinh cần ôn đúng để bước vào kỳ thi có kết quả tốt nhất.

“Thời gian trước thi này, tôi khuyên các em nên tập trung nghe thầy cô củng cố lại kiến thức và cố gắng làm thêm bài tập. Ngoài ra, các em cần giữ sức khỏe, tuân thủ quy tắc 5K trong mọi trường hợp” – thầy  Lê Công Anh nói.

Đề thi chủ yếu căn bản, chỉ có một phần vận dụng

Khuyên học sinh không nên lo lắng về những bài thi môn văn khối 10, 11, 12, cô Nguyễn Thị Ái Vân, tổ trưởng tổ ngữ Văn, Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, cho biết:

“Sở Giáo dục – đào tạo TP.HCM đã chỉ đạo kiến thức thi học kỳ 1 chủ yếu là căn bản, chỉ có một phần vận dụng chứ không phải ở mức vận dụng cao, vận dụng khó và số điểm cho vận dụng này không quá nhiều”.

Vì thế, cô Vân cho rằng học sinh cần ôn vào trọng tâm chuẩn kiến thức, giữ tâm thế, sức khỏe, ăn uống và tập thể dục tốt để có sức khỏe làm bài thi tốt nhất.

MỸ DUNG

TTO