23/12/2024

Giáng sinh buồn vì biến thể

Giáng sinh buồn vì biến thể Omicron

Sự lây lan nhanh chóng của biến thể Omicron một lần nữa làm đảo lộn kế hoạch mừng Giáng sinh và năm mới của người dân ở nhiều nước.

 

 

Khắp nơi báo động

Theo Reuters, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ngày 18.12 cho biết biến thể Omicron đã được ghi nhận tại 89 nước và số ca nhiễm đang nhân đôi cứ sau 1,5 – 3 ngày ở những nơi có lây nhiễm cộng đồng.

Số trường hợp mắc biến thể Omicron tại Anh ngày 18.12 tăng thêm 10.000 ca so với một ngày trước đó, lên thành 25.000. Reuters dẫn lời các chuyên gia của chính phủ Anh cho biết số người nhiễm Omicron trên thực tế ở nước này có thể tới hàng trăm ngàn. Thị trưởng Sadiq Khan của London phải tuyên bố đợt dịch ở thủ đô nước Anh là “sự cố lớn” sau khi thành phố ghi nhận 26.418 ca Covid-19 ngày 18.12, mức cao nhất từ khi đại dịch bắt đầu.

Giáng sinh buồn vì biến thể Omicron - ảnh 1

Người dân Hà Lan mua sắm Giáng sinh ngày 18.12, trước khi lệnh phong tỏa có hiệu lực  REUTERS

Trong khi đó, số ca bệnh mới mỗi ngày ở Pháp trong thời gian gần đây đã vượt mốc 60.000, khiến Thủ tướng Jean Castex ngày 17.12 cảnh báo biến thể Omicron đang “lây nhanh như chớp”. AFP đưa tin ông Castex cũng cho biết Omicron sẽ là biến thể chiếm ưu thế ở Pháp từ đầu năm 2022. Những con số đáng báo động này là chỉ dấu cho năm thứ hai liên tiếp người dân châu Âu phải đón một mùa Giáng sinh buồn.

Huỷ bỏ kế hoạch Giáng sinh

Để đối phó với biến thể Omicron, Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte ngày 18.12 thông báo nước này sẽ phong tỏa nghiêm ngặt toàn quốc. Từ ngày 19.12.2021 – 14.1.2022, mọi cửa hàng và dịch vụ không thiết yếu ở Hà Lan sẽ đóng cửa.

Nước này cũng không cho tụ tập quá 2 người ở ngoài đường và người dân chỉ được tiếp tối đa 2 khách tại nhà. Đan Mạch cũng quyết định đóng cửa các nhà hát, phòng hòa nhạc, công viên giải trí và bảo tàng để ngăn vi rút lây lan.

Theo The Wall Street Journal, thủ đô Paris của Pháp đã hủy bỏ lễ hội đón năm mới truyền thống trên đại lộ Champs-Élysées và các thị trấn trên khắp nước này cũng ngừng các buổi hòa nhạc Giáng sinh. Hành khách từ Anh, trừ công dân Pháp, bị cấm nhập cảnh.

The Guardian đưa tin Đức cũng siết chặt các biện pháp kiểm soát và đưa Anh vào danh sách nước có nguy cơ cao. Từ ngày 20.12, hành khách từ Anh sang Đức phải cách ly 2 tuần bất kể tình trạng chủng ngừa. Một số bang của Đức đã đóng cửa chợ Giáng sinh truyền thống, cấm đốt pháo và tụ tập vào đêm giao thừa.

Người dân các nước cũng đang chủ động hủy bỏ kế hoạch ăn mừng Giáng sinh và năm mới của mình. Theo USA Today, nhiều buổi diễn ở Broadway và các địa điểm nổi tiếng khác ở New York (Mỹ) bị hủy vì diễn viên mắc Covid-19, khiến kế hoạch chơi lễ của du khách cũng bị ảnh hưởng.

Cơ quan quản lý du lịch của Anh cho biết số chuyến bay từ Mỹ đến Anh đã giảm 33% trong 2 tuần kể từ khi biến thể Omicron được phát hiện. Các công ty du lịch chủ yếu phục vụ khách Mỹ tại Anh cũng bị hủy một loạt chuyến đi trong tháng 12. Ngay tại thủ đô London của Anh, nhiều chuỗi nhà hàng phải đóng cửa tạm thời sau khi thực khách hủy hàng loạt yêu cầu đặt chỗ.

Giáng sinh của người Việt giữa làn sóng Omicron

Trao đổi với Thanh Niên, bạn Nguyễn Phan Bảo Việt, kỹ sư tại Frankfurt (Đức), cho biết chợ Giáng sinh nơi này vẫn diễn ra do tình hình dịch không quá phức tạp. “Tuy nhiên, các biện pháp như giảm số người tham dự, hạn chế đi lại với người chưa tiêm chủng đầy đủ đang được thực hiện do biến thể mới lây nhanh”, Việt chia sẻ. Kỹ sư này cho biết bản thân luôn có ý thức tự bảo vệ và tránh tụ tập đông người. “Kế hoạch Giáng sinh không bị ảnh hưởng nhiều do mình vẫn đi làm bình thường và chỉ tổ chức một buổi tiệc nhỏ tại nhà với vài người bạn”, Việt nói thêm. Bạn Nguyễn Minh Nghĩa, du học sinh Việt tại Moscow (Nga), cho biết chính phủ nước này không đưa ra hạn chế với các hoạt động mừng Giáng sinh. “Dịp lễ này của mình sẽ không có gì thay đổi”, Nghĩa chia sẻ.

NHƯ TRẦN
TNO