24/01/2025

WHO nói biến thể Omicron có mặt ở hầu hết các nước, đừng nghĩ kiểu chỉ ‘gây bệnh nhẹ’!

WHO nói biến thể Omicron có mặt ở hầu hết các nước, đừng nghĩ kiểu chỉ ‘gây bệnh nhẹ’!

Ngày 14-12, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo biến thể Omicron đang lây lan với tốc độ chưa từng thấy, và hiệu quả ngừa bệnh nặng và tử vong của vắc xin giảm nhẹ song vẫn cung cấp sự ‘bảo vệ đáng kể’.

 

 

WHO nói biến thể Omicron có mặt ở hầu hết các nước, đừng nghĩ kiểu chỉ gây bệnh nhẹ! - Ảnh 1.

Tính đến ngày 14-12, có hơn 70 quốc gia/vùng lãnh thổ ghi nhận ca mắc biến thể Omicron – Ảnh: NEW YORK TIMES

“Biến thể Omicron đang lây lan với tốc độ chúng ta chưa từng thấy ở mọi biến thể trước đó. Ngay cả khi Omicron gây ít bệnh nặng hơn, số lượng lớn ca bệnh có thể gây quá tải các hệ thống y tế lần nữa”, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nói.

Ông Tedros cho biết biến thể Omicron (xác định lần đầu tại nam châu Phi tháng 11) hiện đã lan ra 77 quốc gia/vùng lãnh thổ, và có lẽ đã có mặt ở hầu hết các nước trên toàn thế giới mà chúng ta chưa phát hiện.

Tổng giám đốc WHO nói không nên nghĩ Omicron chỉ gây bệnh “nhẹ”.

“Ngày càng nhiều bằng chứng cho thấy có sự suy giảm nhẹ hiệu quả của vắc xin trong ngừa bệnh nặng và tử vong, và giảm hiệu quả ngừa lây nhiễm hay bệnh nhẹ”, ông Tedros nói nhưng không cung cấp thông tin chi tiết.

Ông Michael Ryan – giám đốc điều hành Chương trình y tế khẩn cấp của WHO – khẳng định vắc xin vẫn hiệu quả, và cung cấp sự bảo vệ đáng kể trong ngừa bệnh nặng và tử vong.

“Câu hỏi là các vắc xin hiện tại hiệu quả bao nhiêu, và chúng ta giảm khả năng bảo vệ chống bệnh nặng và tử vong ở mức độ nào đối với biến thể Omicron. Dữ liệu hiện có cho thấy vắc xin vẫn có hiệu quả đáng kể”, ông Ryan nói.

Tổng giám đốc WHO lưu ý rằng sự xuất hiện của Omicron đã khiến nhiều nước đẩy mạnh chương trình tiêm liều thứ ba cho toàn bộ dân số trưởng thành dù thiếu bằng chứng về hiệu quả của liều thứ ba đối với biến thể này.

“WHO lo ngại những chương trình như vậy sẽ lặp lại việc tích trữ vắc xin như chúng ta đã thấy trong năm nay, và làm trầm trọng thêm tình trạng bất công trong tiêm chủng”, ông Tedros nói thêm.

Ngoài ra, dù Anh đã công bố ca tử vong đầu tiên trên thế giới do Omicron ngày 13-12, song chưa có bằng chứng cho thấy biến thể này gây bệnh nặng hơn.

Ngày 14-12, WHO thận trọng nhưng lạc quan cho biết châu Phi ghi nhận sự gia tăng ca COVID-19 lớn trong tuần qua nhưng số ca tử vong vẫn thấp hơn so với các đợt bùng dịch trước đây.

Tuy nhiên, WHO thúc giục các nước nhanh chóng hành động để kiềm chế sự lây lan và bảo vệ hệ thống y tế. Đồng thời cảnh báo chống lại sự tự mãn trong phòng dịch.

WHO nói biến thể Omicron có mặt ở hầu hết các nước, đừng nghĩ kiểu chỉ gây bệnh nhẹ! - Ảnh 2.

Anh ước tính số ca mắc biến thể Omicron thật sự ở Anh có thể đã ở mức 200.000 ca/ngày – Ảnh: GETTY IMAGES

Điểm nóng châu Âu

Châu Âu đang là điểm nóng COVID-19 trên toàn cầu, ghi nhận 62% tổng số ca COVID-19 trên thế giới trong 7 ngày qua. Năm quốc gia có tỉ lệ lây nhiễm cao nhất cũng là tại châu lục này.

Ngày 14-12, Hà Lan tiếp bước một số nước châu Âu khác khi tái áp đặt các biện pháp phòng dịch. Trường học tại Hà Lan sẽ đóng cửa sớm vào tuần tới và phong tỏa vào ban đêm được gia hạn do lo ngại biến thể Omicron.

Cùng ngày, Pháp ghi nhận 63.405 ca mắc mới trong 24 giờ, mức tăng theo ngày cao nhất kể từ tháng 4 vừa qua dù hơn 77% dân số đã tiêm ít nhất một liều vắc xin.

Tại Anh, chính quyền Thủ tướng Boris Johnson có kế hoạch ban hành quy định mới về đeo khẩu trang, xét nghiệm hàng ngày, yêu cầu thẻ xanh với một số địa điểm cụ thể trong nước.

Theo Hãng tin AFP, giới khoa học Anh ước tính số ca mắc biến thể Omicron thật sự ở Anh có thể đã ở mức 200.000 ca/ngày.

Cùng ngày, Đan Mạch và Na Uy cũng công bố các biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt hơn để kiểm soát số ca bệnh đang tăng mạnh, khi các quan chức cho biết Omicron đang lây lan nhanh, và có thể sẽ trở thành biến thể thống trị tại nhiều nước châu Âu trong vài tuần, thậm chí là vài ngày tới.

Đan Mạch đã đóng cửa trường học, hạn chế hoạt động về đêm, yêu cầu làm việc từ xa, và đang tiêm liều thứ ba cho tất cả người trên 40 tuổi.

Hà Lan cấm quán bar, nhà hàng phục vụ thức uống có cồn kể từ ngày 15-12, bắt buộc làm việc từ xa nếu có thể, mở rộng khu vực bắt buộc đeo khẩu trang…

Tính đến ngày 14-12, toàn cầu có hơn 270 triệu ca bệnh, trong đó có hơn 5,3 triệu ca tử vong vì COVID-19.

Nhiều nhà đầu tư lo ngại biến thể Omicron có thể đe dọa đà phục hồi kinh tế toàn cầu.

Thuốc và vắc xin của Pfizer hiệu quả với Omicron

Cùng ngày, Pfizer cho biết các thử nghiệm lâm sàng thuốc viên trị COVID-19 của hãng dược giảm 90% nguy cơ tử vong và nhập viện. Các thử nghiệm cũng cho thấy thuốc có tác dụng với các ca mắc biến thể Omicron.

Một nghiên cứu tại Nam Phi cũng cho thấy 2 liều vắc xin Pfizer có 70% hiệu quả ngừa bệnh nặng do Omicron.

 

ANH THƯ
TTO