23/12/2024

Chỉ 7,14% doanh nghiệp ngành dược đánh giá tình hình kinh doanh tốt hơn

Chỉ 7,14% doanh nghiệp ngành dược đánh giá tình hình kinh doanh tốt hơn

Bức tranh kinh doanh của ngành dược Việt Nam 9 tháng đầu năm 2021 có sự phân hoá rất rõ nét trái ngược với suy nghĩ chung. Hơn một nửa doanh nghiệp cho biết tình hình kinh doanh xấu đi vì ảnh hưởng của dịch COVID-19.

 

Chỉ 7,14% doanh nghiệp ngành dược đánh giá tình hình kinh doanh tốt hơn - Ảnh 1.

Ngày 14-12, Công ty cổ phần Báo cáo đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) đã công bố Top 10 công ty dược uy tín năm 2021, đồng thời cũng nêu bật được bức tranh toàn cảnh của ngành này trong năm qua.

Kết quả khảo sát của Vietnam Report gần đây với các doanh nghiệp dược về tác động của COVID-19 đến ngành dược trong năm 2021, được công bố cho thấy 57,14% doanh nghiệp đánh giá tình hình kinh doanh xấu đi một chút; 14,29% doanh nghiệp đánh giá không bị ảnh hưởng và chỉ có 7,14% doanh nghiệp đánh giá tình hình kinh doanh tốt hơn một chút.

Trong làn sóng COVID-19 lần thứ tư, khi mà nhiều tỉnh thành phải thực hiện giãn cách xã hội, có nhiều doanh nghiệp vẫn đạt công suất 100-120%, thậm chí gần 140%, nhưng có những doanh nghiệp lại có kết quả kinh doanh thụt lùi, do phải đóng cửa, tạm ngưng sản xuất và công suất chỉ đạt 60-80%.

Trong 20 doanh nghiệp dược niêm yết trên sàn chứng khoán đã công bố báo cáo tài chính, có khoảng 50% doanh nghiệp có sự tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận so với cùng kỳ năm 2020.

Đánh giá về động lực và tiềm năng tăng trưởng của ngành dược trong năm 2022, các chuyên gia nhìn nhận khả năng kiểm soát dịch bệnh vẫn là yếu tố hàng đầu ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh dược trong năm tới.

Mặc dù dịch bệnh hiện nay vẫn đang diễn biến phức tạp, xuất hiện thêm những chủng mới nhưng với việc Chính phủ thúc đẩy hoàn thành bao phủ vắc xin vào cuối năm 2021, bổ sung gói kích thích kinh tế mới, chuyển chiến lược từ Zero COVID sang “sống chung an toàn với dịch” sẽ giúp cho nền kinh tế nói chung và ngành dược nói riêng phục hồi và tạo đà tăng trưởng trong năm 2022.

Tuy vậy, các doanh nghiệp còn đối mặt với chuỗi cung ứng nguyên liệu sản xuất dược phẩm, giá thành tăng cao so với cùng kỳ năm ngoái, nhất là thời điểm dịch bùng phát mạnh tại hai đất nước cung cấp chính nguồn nguyên liệu dược là Trung Quốc và Ấn Độ.

Hiện một số công ty dược đầu ngành tại Việt Nam đã hướng tới tự chủ động trong nguồn nguyên liệu đầu vào từ việc xây dựng cơ sở cung cấp nguyên liệu trong nước.

Các doanh nghiệp đã dự báo về khả năng các chuỗi cung ứng bị đứt gãy, sản xuất và phân phối có thể bị gián đoạn nếu các khu vực, các nhà máy bị phong tỏa trong trường hợp có ca nhiễm COVID-19, từ đó tăng sản lượng sản phẩm, tăng mạnh hàng tồn kho.

Việt Nam đã cấp phép sử dụng cho 9 loại vắc xin

Theo thông tin từ Tổ chức Y tế thế giới (WHO), đến ngày 26-11, trên thế giới có 326 loại vắc xin đang được nghiên cứu, trong đó 132 loại vắc xin đang được thử nghiệm lâm sàng bằng các công nghệ khác nhau,

Báo cáo cũng cho thấy đến nay, có 24 loại vắc xin đã được phê duyệt sử dụng ở các nước, trong đó có 8 loại được WHO cấp phép. Có hơn 25 phương pháp điều trị đã và đang được tiếp cận.

Riêng tại Việt Nam, đến thời điểm này, đang có 9 loại vắc xin COVID-19 được Bộ Y tế cấp phép sử dụng khẩn cấp và Chính phủ cũng đang thúc đẩy việc tăng tốc sản xuất vắc xin COVID-19 trong nước.

Bên cạnh đó, quy trình phê duyệt nhiều loại thuốc khác cũng đang diễn ra nhanh hơn nhiều so với trước đây. Theo thống kê, số lượng phê duyệt thuốc đã tăng lên từ 171 trường hợp trong 8 tháng năm 2020 lên 335 trường hợp trong 8 tháng năm 2021 và thời gian phê duyệt trung bình đối với một số loại thuốc đã giảm từ 22 tháng xuống 18 tháng.

N.BÌNH
TTO