Những đứa con xa rồi sẽ quay về

Những đứa con xa rồi sẽ quay về

Trời đã bắt đầu hiu hiu gió bấc. Trong những cuộc gọi đầy nỗi niềm, bà nói: “Ông nhớ tụi nhỏ lắm”, ông nói: “Biết chừng nào mới gặp tụi con?”, thằng cháu nói: “Con nhớ nội nhiều nhiều, mà khi nào hết dịch ba mới về đưa con về thăm nội được”.

 

Những đứa con xa rồi sẽ quay về - Ảnh 1.

Ảnh minh họa của QUANG ĐỊNH

Nội nén tiếng thở dài, màn hình điện thoại run run như cũng nhòa đi. Chưa đầy trăm cây số, đâu xa xôi chi lắm mà đã gần tròn năm chưa được sum họp, tính từ hồi Tết.

Tính cả trai gái, dâu rể, cháu chắt, đại gia đình có gần ba mươi người. Vậy mà sớm chiều ra vô chỉ có hai ông bà tóc đã như sương. Vợ chồng anh ba quần quật ngày đêm với mấy ao cá ven sông cái, chiều muộn ghé nhà “thăm chừng” ba má chốc lát rồi lại đi.

Chắc con không về…

Nhà các chị chỉ cách ba má 5, 7 cây số nhưng bận rộn luôn tay nên cũng chẳng thể ghé được thường xuyên. Thằng út lập nghiệp cách nhà gần trăm cây số. Mấy đứa cháu, đứa gần, đứa xa vài trăm cây cũng quay cuồng trong cuộc mưu sinh. Thành ra gia đình ít khi sum vầy đủ mặt, trừ dịp Tết.

Nhưng đó là mấy cái Tết trước nữa. Chứ Tết năm rồi thằng cháu lớn phải trực biên giới không về kịp, thằng cháu kế đêm giao thừa gọi về ngậm ngùi: “Chắc con không về. Con tranh thủ chạy ba ngày Tết chứ mấy tháng nay xe chỉ nằm bãi”. Thằng con út mới về được mấy hôm, sớm mùng một đã nhận lệnh cơ quan làm nhiệm vụ…

Đó, cái Tết Tân Sửu của nội đã không trọn vẹn vì không đủ mặt cháu con, còn nhiều lo lắng vì COVID vẫn rình rập đâu đó, nó đe dọa sức khỏe đám con cháu làm nội lo, nó làm rỗng túi những người xung quanh làm nội rầu.

Đâu chỉ riêng nhà nội ăn cái Tết tiêu điều. Nhà bác bảy, cô tám cạnh bên, chú sáu, chú năm trong xóm ai cũng có người thân lỡ hẹn không về. Vì đại dịch, làng trên xóm dưới có một cái Tết lặng lẽ, thơ thẩn khác thường.

Những năm trước xóm làng vui như hội. Từ hai mấy Tết là ngoài lộ đã tấp nập dòng người xe nối nhau từ Đồng Nai, Bình Dương, Sài Gòn… bao nhiêu đứa con xa xứ lũ lượt kéo về với ba má, với quê hương.

Ở nơi xứ người dù có được sự sẻ chia cũng đâu thể nào bằng về nơi chôn nhau cắt rốn, hít bầu không khí nuôi mình khôn lớn, ăn khoanh bánh tét chứa hương vị ấu thơ, nương mùi hương trầm tưởng nhớ người thiên cổ… những điều bình dị mà đắt giá chỉ có thể tìm được ở quê hương.

Về quê sum họp ngày Tết, ăn với ba má bữa cơm, mừng tuổi nội ít tiền, sắm cho con cháu vài bộ đồ mới. Nhiêu đó là đủ nạp lại năng lượng, đủ tiếp thêm động lực để ra giêng từ biệt làng quê trở về những thành phố thợ tiếp tục cuộc viễn du, hẹn lòng cố “cày sâu cuốc bẫm” năm sau trở về với cái Tết no đủ đầm ấm hơn.

Thời buổi ruộng đất không còn đủ để nuôi phận người nên gần như nhà nhà đều có người dạt xứ lập nghiệp, mưu sinh.

Những đứa con phiêu bạt tranh thủ dịp sum vầy thăm nom khắp làng trên xóm dưới giữ sợi dây thâm tình không dứt mối, hàn huyên chén rượu ly trà chia sẻ những khúc quanh đã qua, tương lai sắp tới để hiểu nhau, để thấy mình chưa bao giờ lạc nhau giữa cuộc sống xô bồ.

Đi đâu cũng nghe những lời thăm hỏi động viên: “Thưa bác ba con mới về”, “Khỏe không con? Làm ăn sao rồi?”. Tình làng nghĩa xóm chưa bao giờ xa cách dù người xóm người làng có phải xa cách nhau mấy trăm cây số buổi mưu sinh.

Ai cũng có cái lý của mình

Đó, mấy cái Tết trước rộn ràng không kể xiết. Riêng cái Tết năm rồi xóm làng dường như ăn Tết cầm chừng. Những mái đầu bạc thấp thỏm chờ từng bóng dáng thân quen rẽ vào sân nhà, dù biết nó không về vì trong cuộc điện thoại hôm trước nó đã nghẹn ngào thông báo: “Tết này con không về được, ba má đừng buồn”.

Những mái tóc non tơ mân mê tà áo mẹ gửi về mắt ngân ngấn nước: “Con muốn mẹ về hơn”. Qua làn khói hương, tổ tiên trên bàn thờ dường như cũng nhòe mắt nhìn cháu con tề tựu không đủ đầy.

COVID tràn qua, bao nhiêu người công nhân xa xứ, bao chiến sĩ áo trắng, áo xanh nơi tuyến đầu chống dịch, bao tình nguyện viên mà người đời chẳng chịu nhớ tên… đã lặng lẽ đón Tết xa nhà.

Bao gia đình hẹn nhau một ngày đoàn viên sau đại dịch. Đón giao thừa năm Tân Sửu, nội thắp nén nhang thành kính khấn vái trời đất mong một ngày COVID không còn là nỗi ám ảnh, một ngày nhà nhà sum họp trọn Tết vẹn xuân…

Vậy mà đã gần 10 tháng, từ sớm mùng một Tết thằng út nhận lệnh về đơn vị, cả gia đình nhỏ của nó vẫn chưa được về thăm nội một lần. Cháu nội gọi về, buồn hiu: “Ba con đi chống dịch, mấy tháng rồi con không được gặp ba”.

Con dâu động viên: “Nội đừng buồn, khi nào được là tụi con về liền”. Hết giãn cách rồi chỉ thị, thằng út hết chống dịch rồi “ba tại chỗ”. Sắp nhỏ đứa báo công ty con ngưng làm, đứa nói nội đừng lo, tụi con vẫn ổn…

Thêm mấy đợt giãn cách… ngày qua ngày, tháng qua tháng, loay hoay sắp hết năm. Một năm sắp qua đi cùng bộn bề khó khăn. Sau đợt giãn cách lịch sử, bao đoàn người rùng rùng hồi hương, cũng có người mãi mãi không được về tắm dòng sông quê mẹ.

Những đứa con xa của làng xóm có người về theo đoàn hồi hương, có người vẫn quyết bám trụ lại những thành phố công nghiệp. Ai cũng có hoàn cảnh của mình, ai cũng có cái lý của mình.

Con cháu nội cũng đứa về, đứa ở. Vừa mừng, vừa lo. Bài toán giải quyết việc làm cho bao kẻ quay về xứ sở sau đại dịch vẫn còn đó. Hậu hồi hương còn là một câu chuyện dài nhưng còn người là còn tất cả.

Báo đài vẫn đưa tin COVID mỗi ngày. Nhưng những biến thể mới, số lượng ca nhiễm thôi làm nội phập phồng lo sợ như trước. Xóm làng, đất nước đang dần thích nghi với cuộc sống bình thường mới. Chưa chiến thắng được đại dịch thì chung sống với nó, lịch sử loài người chẳng phải đã trải qua bao nhiêu trận đại dịch đó sao?

Miễn là loài người đừng chủ quan, miễn là còn đoàn kết, yêu thương nhau thì cuộc sống vẫn sẽ tiếp diễn, bình yên. Nội tin vậy. Xóm làng tin như vậy.

Nội bắt đầu ngóng từng cơn gió bấc, mong từng ngày bản đồ xanh những sắc xanh. Biết đâu Tết này sắp nhỏ về với nội đủ đầy. Và con cháu của chú bảy, chú ba, của bao nhiêu gia đình trên mảnh đất hình chữ S được về sum vầy bên gia đình.

Tiếng cười lại rộn rã, xóm làng lại tưng bừng ăn Tết, hạnh phúc đoàn viên xóa đi bao nhớ mong ly biệt. Càng xót xa cho bao nhiêu gia đình không thể có một cái Tết trọn vẹn vì COVID đã cướp đi người thân của họ càng thấy trân trọng hơn từng khoảnh khắc sum vầy bên gia đình, bên những người thương yêu.

Dẫu biết nhiều người sẽ lỡ lời hẹn về một cái Tết ấm no vì bao khó khăn năm qua. Nhưng không cần giàu sang, không cần vật chất, chỉ cần gia đình có nhau, là đủ. Tết này, sau gần hai năm đầy biến động vì đại dịch, biết đâu trên bàn gia tiên, hương linh tổ tiên sẽ rưng rưng mắt lệ hạnh phúc nhìn con cháu mình tề tựu đủ mặt.

Những ai đang trong mất mát đau thương cũng xin đừng nghĩ mình cô độc, vì người thân vẫn còn đây, vẫn bên cạnh ta nếu trong tim ta còn có họ. Những yêu thương vẫn dõi mắt theo ta, xin hãy tin không một ai phải cô phải đơn côi giữa cuộc đời…

NGUYỄN NGỌC ĐÀO UYÊN
TTO