25/12/2024

Mỹ trong thế ‘lưỡng đầu thọ địch’

Mỹ trong thế ‘lưỡng đầu thọ địch’

Các cuộc hội nghị thượng đỉnh với Trung Quốc lẫn Nga đều không đạt thành tựu đáng kể, Mỹ lại đang đứng trước thách thức lớn khi Trung Quốc và Nga thắt chặt quan hệ.

 

 

Liên tục trong 2 tháng 11 và 12, Tổng thống Mỹ Joe Biden lần lượt hội đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch nước Trung Quốc là ông Tập Cận Bình.

Hôm qua, TS Timothy R.Heath (chuyên gia nghiên cứu cấp cao, Tổ chức RAND, Mỹ) và ông Carl O.Schuster (cựu Giám đốc bộ phận điều hành của Trung tâm tình báo hỗn hợp – Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của hải quân Mỹ và đang giảng dạy tại Đại học Hawaii về quan hệ quốc tế, lịch sử) trả lời phỏng vấn Thanh Niên xoay quanh cục diện Mỹ – Nga – Trung Quốc sau các hội nghị thượng đỉnh trên.

Mỹ chưa thể khiến Nga chùn bước ?

Ông nhận định thế nào về hội nghị thượng đỉnh giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden với Tổng thống Nga Vladimir Putin vừa diễn ra trực tuyến ngày 7.12?

TS Heath: Hội nghị đã không đạt được thành tựu nào lớn hay đột phá. Hiệu quả lớn nhất là 2 nhà lãnh đạo có thể trực tiếp trao đổi các vấn đề mà họ quan tâm. Và kết quả cuộc gặp có thể tác động khiến Tổng thống Putin hành xử thận trọng đối với vấn đề Ukraine.

Ông Schuster: Chưa rõ ý định của Tổng thống Putin, nhưng việc Moscow điều động lực lượng áp sát biên giới Nga – Ukraine gây ra mối đe dọa cho Kiev lẫn an ninh châu Âu. Giữa thực tế này, thành tựu duy nhất của “hội nghị thượng đỉnh” là Tổng thống Biden thông báo với Tổng thống Putin rằng Mỹ đang theo dõi sát sao tình hình.

Mỹ trong thế 'lưỡng đầu thọ địch' - ảnh 1
Chỉ trong vòng 1 tháng, ông Biden đã lần lượt hội đàm với ông Tập Cận Bình và ông Putin CNN

Nhưng thông điệp có lẽ không đủ để thuyết phục Moscow thay đổi kế hoạch. Đó là vì Moscow chỉ lo ngại sức mạnh và những hệ lụy có thể phải hứng chịu. Trong khi đó, dường như Tổng thống Biden vẫn chưa thể hiện được chính sách hiệu quả để khiến đối phương phải nhún nhường. Tất nhiên, qua hội nghị lần này, tổng thống có thể sẽ vẫn được ghi nhận sự thành công vì đã ngăn chặn mối đe dọa đối với Kiev khi sớm phơi bày kế hoạch đảo chính ở Ukraine.

Hồi tháng trước, Tổng thống Joe Biden cũng đã có hội nghị thượng đỉnh trực tuyến với ông Tập Cận Bình – Chủ tịch nước Trung Quốc và kết quả cũng bế tắc. Ông đánh giá thế nào về chiến lược của Tổng thống Biden đối với Trung Quốc và Nga?

TS Heath: Việc hội đàm trực tiếp với lãnh đạo của Nga hay Trung Quốc khó có thể đủ sức thay đổi hành vi của 2 nước này. Tuy nhiên, đó vẫn là một phần quan trọng trong chiến lược của Mỹ vì có thể giúp ổn định quan hệ và lưu ý đối phương cân nhắc trước khi có bất kỳ hành động quyết liệt nào. Tất nhiên, Washington đang làm nhiều việc hơn là tổ chức các hội nghị thượng đỉnh. Mỹ đang theo đuổi các chiến lược quân sự và ngoại giao nhằm củng cố vị thế của nước này cùng các nước đối tác và đồng minh, đồng thời cân bằng sức mạnh của Trung Quốc và Nga.

Ông Schuster: Tôi không nghĩ Washington có chiến lược khả thi. Dựa trên các hành động của chính quyền Mỹ dưới thời Tổng thống Biden, thì nước này đang xử lý riêng rẽ từng sự vụ liên quan các hành động của Nga và Trung Quốc, chứ không thể hiện được một kế hoạch phối hợp bao gồm cả việc dự đoán “động thái tiếp theo”. Thực tế chưa thấy Tổng thống Biden thể hiện một kế hoạch rõ ràng. Các quan chức cấp cao trong chính quyền Mỹ cũng phản ứng khá tách biệt đối với các vấn đề của Trung Quốc và Nga. Chủ đề thống nhất duy nhất của các quan chức cấp cao Mỹ là công nhận Trung Quốc và Nga là mối đe dọa đối với sự ổn định của các khu vực tương ứng.

Washington đối mặt sự hợp tác của Bắc Kinh Và Moscow

Trong khi đó, Nga và Trung Quốc đang tăng cường hợp tác. Giữa bối cảnh như vậy, ông nghĩ thế nào về tình hình hiện tại của Mỹ và đâu là giải pháp chiến lược cho nước này?

TS Heath: Bắc Kinh và Moscow có nhiều bất đồng với Mỹ và phương Tây. Bắc Kinh lẫn Moscow đều hưởng lợi khi sức mạnh của Washington cùng đồng minh suy giảm. Washington hiểu điều này, đó là lý do tại sao chính quyền của Tổng thống Biden đã ưu tiên xây dựng các đối tác ngoại giao và liên minh. Đồng thời, Mỹ không muốn xung đột với Trung Quốc hay Nga, nên Nhà Trắng dưới thời ông Biden đang cố gắng khuyến khích hợp tác và đối thoại với từng nước. Trong khi đó, dù hợp tác được cho là hữu nghị, thì có lẽ Trung Quốc và Nga vẫn có những mối nghi ngờ sâu sắc và không tin tưởng lẫn nhau.

Ông Schuster: Trung Quốc và Nga dường như đang đánh giá chính quyền đương nhiệm của Mỹ không hiệu quả, thiếu tập trung. Phần lớn những gì Bắc Kinh và Moscow đang tiến hành là nhằm “thử lửa” Washington. Vì thế, Washington cần chứng minh có đủ chính sách đối ngoại hiệu quả trước những hành động làm bất ổn trật tự quốc tế, đảm bảo các bên phải tuân thủ các cam kết đã thỏa thuận.

Mỹ nâng tầm mối quan hệ với ASEAN

Hãng Reuters hôm qua dẫn lời trợ lý ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương Daniel Kritenbrink cho hay Tổng thống Mỹ Joe Biden cam kết nâng tầm mối quan hệ với các nước ASEAN lên mức độ “chưa từng thấy”. Phát biểu được đưa ra trước chuyến thăm của Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đến Đông Nam Á từ ngày 13 – 16.12, nhằm tăng cường hạ tầng an ninh trong khu vực để đối phó các thách thức ở Biển Đông. Bên cạnh đó, Mỹ sẽ tăng cường hợp tác với các nước ASEAN về các vấn đề môi trường, năng lượng, y tế, giao thông, bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ.

* Trong một diễn biến khác, Hạ viện Mỹ hôm qua thông qua dự luật cấm nhập khẩu toàn bộ sản phẩm từ vùng Tân Cương của Trung Quốc do lo ngại đó là các sản phẩm từ lao động cưỡng bức, dù Trung Quốc luôn bác bỏ.

Khánh An

Giải quyết vấn đề khẩn cấp

Cuộc nói chuyện giữa hai nhà lãnh đạo Joe Biden và Vladimir Putin vừa qua chủ yếu giải quyết vấn đề khẩn cấp là Nga tăng cường triển khai quân đội gần biên giới Ukraine. Kể từ khi Chiến tranh lạnh kết thúc, Moscow nhận thấy tiền tuyến an ninh của Nga đang bị đẩy lùi về phía nước này bởi NATO không ngừng mở rộng về phía đông. Trong khi đó, căng thẳng Mỹ – Trung ngày càng gia tăng được Nga coi là cơ hội để theo đuổicác chính sách quyết đoán hơn ở châu Âu.

Giữa bối cảnh như vậy, quan hệ chiến lược Trung – Nga dường như dần ổn định bất chấp một số vấn đề tiềm ẩn giữa hai bên, chẳng hạn như việc Moscow bán vũ khí cho một số bên đang có tranh chấp với Bắc Kinh.

Về phía Mỹ, nước này đã hợp tác chặt chẽ hơn với 3 thành viên còn lại trong nhóm “bộ tứ an ninh” (gồm Mỹ – Nhật Bản – Úc – Ấn Độ) và các quốc gia cùng chí hướng khác ở châu Âu. Tuy nhiên, Mỹ cùng các đồng minh vẫn chưa phối hợp hiệu quả để Nga và Trung Quốc không thắt chặt quan hệ.

GS Yoichiro Sato(Chuyên gia về quan hệ quốc tế, Đại học Ritsumeikan châu Á – Thái Bình Dương, Nhật Bản)

 

NGÔ MINH TRÍ

TNO