23/11/2024

Thúc đẩy quan hệ thương mại Việt Nam – Thuỵ Sĩ phát triển mạnh mẽ

Thúc đẩy quan hệ thương mại Việt Nam – Thuỵ Sĩ phát triển mạnh mẽ

‘Chúng ta trải qua nhiều thử thách, cùng nhau tiến lên như hai người bạn đồng hành đáng tin cậy với nhiều kết quả hợp tác ấn tượng trên nhiều lĩnh vực’, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc chia sẻ.

 

 

Thúc đẩy quan hệ thương mại Việt Nam - Thụy Sĩ phát triển mạnh mẽ - Ảnh 1.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Tổng thống Guy Parmelin cùng dự Diễn đàn doanh nghiệp cấp cao Việt Nam – Thụy Sĩ – Ảnh: VIỄN SỰ

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã chia sẻ như vậy trong bài phát biểu tại Diễn đàn doanh nghiệp cấp cao Việt Nam – Thụy Sĩ, chiều tối 26-11 (giờ Thụy Sĩ).

Đáp từ, Tổng thống Thụy Sĩ Guy Parmelin ví von mối quan hệ 50 năm của Việt Nam và Thụy Sĩ được ví như “đám cưới vàng” và hai nước vẫn còn rất nhiều tiềm năng để thúc đẩy quan hệ sâu rộng hơn nữa.

Từ “hút” vốn FDI chuyển sang hợp tác

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho biết trong bối cảnh có nhiều biến động, đại dịch COVID-19 tác động sâu rộng, năm 2020, GDP năm 2020 tăng 2,91%, thuộc nhóm tăng trưởng kinh tế cao. Việt Nam cũng đã vượt lên khó khăn của sự “đứt gãy của chuỗi cung ứng, kim ngạch thương mại 10 tháng năm 2021 tăng 22,5%, đạt 540 tỉ USD, xuất khẩu tăng 17,5%, đạt 270 tỉ USD.

Đặc biệt, đến nay có gần 400 tỉ USD của các nhà đầu tư đến từ 140 quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam, trở thành top 20 quốc gia thu hút FDI hàng đầu thế giới.

Chủ tịch nước cho biết Việt Nam sẽ phát huy tốt nội lực để phát triển nhanh và bền vững, chuyển đổi sang nền kinh tế số, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, tạo thuận lợi cho khu vực tư, các nhà đầu tư nước ngoài. Đồng thời chủ động và tích cực hội nhập quốc tế với việc thực hiện 15 Hiệp định FTA đã ký. Đến năm 2025, GDP tăng bình quân đạt 6,5-7%/năm, kinh tế số đạt 20% GDP.

“Việt Nam đang chuyển từ chỉ đơn thuần “thu hút” vốn FDI sang “hợp tác” với các nhà đầu tư trên tinh thần bình đẳng, cùng phát triển, cùng có lợi, cùng có trách nhiệm với xã hội, người lao động, bảo vệ môi trường”, Chủ tịch nước nói.

Thúc đẩy quan hệ thương mại Việt Nam - Thụy Sĩ phát triển mạnh mẽ - Ảnh 2.

Vietjet và Công ty Kỹ thuật SR Technics (Thụy Sĩ) ký kết thỏa thuận hợp tác trị giá 150 triệu USD – Ảnh: TK

Kết quả khích lệ nhưng chưa tương xứng

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc một lần nữa nhắc lại Thụy Sĩ là một trong những nước phương Tây đầu tiên thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam tháng 10-1971, khi Việt Nam vẫn còn trong gian khó chiến tranh bảo vệ Tổ quốc.

“Chúng tôi luôn trân trọng quan hệ tình cảm này. Mối quan hệ hữu nghị, hợp tác Việt Nam – Thụy Sĩ đã trải qua nhiều thử thách, cùng nhau tiến lên như hai người bạn đồng hành đáng tin cậy với nhiều kết quả hợp tác ấn tượng trên nhiều lĩnh vực…”, Chủ tịch nước nói.

Theo Chủ tịch nước, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Thụy Sĩ trong 5 năm gần đây luôn duy trì ở mức khoảng 1 tỉ USD. Thụy Sĩ có 181 dự án đang hoạt động tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư đạt 1,92 tỉ USD. Thụy Sĩ cũng đã hỗ trợ 600 triệu franc (hơn 644 triệu USD) và tiếp tục cam kết 75 triệu franc (80 triệu USD) trong giai đoạn 2021 – 2024.

“Trong khi Thụy Sĩ là đối tác thương mại ngày càng quan trọng của Việt Nam, thì Việt Nam cũng là đối tác thương mại lớn thứ 4 của Thụy Sĩ trong số các nước ASEAN”, Chủ tịch nước nhấn mạnh.

Tuy nhiên, theo Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, kết quả hợp tác trên là đáng khích lệ nhưng chưa tương xứng với tiềm năng. Để tăng cường quan hệ hợp tác hai nước, Chủ tịch nước đã đề xuất đẩy mạnh trao đổi truyền thông sâu rộng về chính sách đầu tư của mỗi nước tới các doanh nghiệp, đặc biệt trong các lĩnh vực ưu tiên hợp tác như tài chính ngân hàng, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số…

Cộng đồng doanh nghiệp Thụy Sĩ thúc đẩy đàm phán, ký hiệp định thương mại tự do Việt Nam và Hiệp hội Mậu dịch tự do châu Âu (EFTA). Tăng cường trao đổi các đoàn doanh nghiệp tìm hiểu thị trường cơ hội đầu tư và kết nối kinh doanh.

Đồng thời mong muốn các doanh nghiệp Thụy Sĩ ủng hộ để Chính phủ Thụy Sĩ hỗ trợ Việt Nam được cung ứng vắc xin COVID-19 thông qua cơ chế COVAX, thiết bị y tế, chuyển giao công nghệ nghiên cứu, sản xuất thuốc điều trị.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cam kết Việt Nam sẽ nỗ lực tạo lập môi trường kinh doanh theo cam kết tại các Hiệp định FTA thế hệ mới, tiêu chuẩn cao, toàn diện. Giữ vững ổn định chính trị xã hội và kinh tế vĩ mô, tháo gỡ những điểm nghẽn của nền kinh tế về thể chế pháp luật, hạ tầng cơ sở và nguồn nhân lực, xây dựng môi trường – chính sách ổn định, có tính dự báo cao, thực thi minh bạch và trách nhiệm giải trình…

Nhiều ký kết của doanh nghiệp hai nước

Hãng hàng không Vietjet Air đã ký kết hợp tác thỏa thuận trị giá 150 triệu USD với Công ty SR Technics (Thụy Sĩ) – nhà cung cấp dịch vụ bảo dưỡng máy bay hàng đầu thế giới. Thỏa thuận này nhằm cung cấp dịch vụ bảo dưỡng cho đội tàu bay A320 và A321 của Vietjet. Thỏa thuận cũng bao gồm các dịch vụ đào tạo kỹ thuật, cung cấp và sửa chữa phụ tùng máy bay và kế hoạch hợp tác vận hành học viện hàng không đào tạo tại Việt Nam.

Vietjet cũng ký kết thỏa thuận hợp tác lâu dài và tăng cường vận hành hệ thống công nghệ quản lý kỹ thuật hàng không AMOS với Tập đoàn Swiss – AS của Thụy Sĩ.

Cũng tại diễn đàn, ông Trần Kim Chung, chủ tịch hội đồng quản trị Tập đoàn CT Group và ông Silvio Napoli – chủ tịch hội đồng quản trị Tập đoàn Shinder Holding Ldt, đã thực hiện nghi thức trao biên bản ghi nhớ hợp tác về phát triển công nghệ trong các dự án phát triển đô thị và giao thông tại Việt Nam.

Thúc đẩy quan hệ thương mại Việt Nam - Thụy Sĩ phát triển mạnh mẽ - Ảnh 4.

Chủ tịch hội đồng quản trị Tập đoàn CT Group và chủ tịch hội đồng quản trị Tập đoàn Shinder Holding Ldt trao biên bản ghi nhớ hợp tác – Ảnh: VIỄN SỰ

VIỄN SỰ (Từ Bern, Thuỵ Sĩ)
TTO