23/01/2025

WHO: vắc xin giảm 40% khả năng lây truyền của biến thể Delta

WHO: vắc xin giảm 40% khả năng lây truyền của biến thể Delta

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết vắc xin COVID-19 làm giảm khả năng lây truyền của biến thể Delta khoảng 40%, cảnh báo rằng mọi người vẫn nên thực hiện các biện pháp an toàn dù đã tiêm vắc xin.

 

WHO: vắc xin giảm 40% khả năng lây truyền của biến thể Delta - Ảnh 1.

Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus – Ảnh: REUTERS

Ngày 24-11, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nói nhiều người đã sai lầm khi nghĩ rằng không cần thực hiện các biện pháp phòng ngừa khi đã tiêm vắc xin.

Ông Tedros nhấn mạnh người được tiêm chủng đầy đủ vẫn phải tuân thủ các biện pháp phòng dịch. Biến thể Delta dễ lây lan hơn cũng đồng nghĩa với việc hiệu quả giảm lây truyền dịch của vắc xin giảm sút.

“Vắc xin cứu được nhiều mạng người nhưng không hoàn toàn ngăn chặn dịch lây lan”, ông Tedros nói. “Trước khi có biến thể Delta, vắc xin giảm khả năng lây truyền của virus khoảng 60%. Với Delta, con số này giảm xuống còn 40%”.

Theo tổng giám đốc WHO, một người đã tiêm vắc xin có nguy cơ mắc bệnh nặng và tử vong thấp hơn nhiều nhưng vẫn có nguy cơ mắc bệnh và lây nhiễm cho người khác.

“Ngay cả khi đã tiêm phòng, hãy tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng ngừa để bản thân không bị nhiễm bệnh và lây nhiễm cho người khác”, ông Tedros kêu gọi.

Điều đó có nghĩa là tiếp tục đeo khẩu trang, giãn cách, tránh tụ tập và nên để không gian trong nhà thông thoáng.

Theo Hãng tin AFP, WHO từ lâu đã nhấn mạnh rằng vắc xin COVID-19 có mục đích chủ yếu là giảm nguy cơ bệnh nặng, nhập viện và tử vong, thay vì giảm lây truyền.

Bà Maria Van Kerkhove – trưởng nhóm kỹ thuật thuộc bộ phận dịch bệnh khẩn cấp của WHO -cho biết biến thể Delta đang biến đổi và WHO đang cố gắng theo dõi sát.

“Chúng tôi đang lập kế hoạch, xem xét các kịch bản trong tương lai về mức độ biến đổi của virus, về khả năng lây truyền hay thoát vắc xin”, bà Maria nói.

Bà Soumya Swaminathan, nhà khoa học chính của WHO, nói rằng khả năng bảo vệ của vắc xin trước biến thể Delta là không cao bằng các biến thể khác, nhưng mức độ giảm tỉ lệ bệnh nặng vẫn trên 80% trong phần lớn các trường hợp.

WHO cũng cho biết trẻ em và thanh thiếu niên có nguy cơ mắc COVID-19 nặng thấp hơn, nên các quốc gia hãy ưu tiên vắc xin cho người lớn và chia sẻ vắc xin với các nước nghèo hơn thông qua COVAX.

Thay vào đó, WHO cho rằng cần dành nguồn lực vắc xin hạn chế để bảo vệ các nhóm có nguy cơ nhập viện và tử vong cao.

“Nhiều nơi trên thế giới phải đối mặt với tình trạng thiếu vắc xin nghiêm trọng. Các quốc gia có tỉ lệ phủ vắc xin cao nên ưu tiên chia sẻ cho nước khác trước khi tiêm cho trẻ em, thanh thiếu niên.

MINH KHÔI
TTO