23/01/2025

Phân 3 vùng đồng bằng sông Cửu Long theo độ mặn, đến 2030 hạ tầng giao thông phát triển vượt bậc

Phân 3 vùng đồng bằng sông Cửu Long theo độ mặn, đến 2030 hạ tầng giao thông phát triển vượt bậc

Vùng đồng bằng sông Cửu Long sẽ được xây dựng quy hoạch theo phân vùng độ mặn và theo hệ sinh thái nông nghiệp, gắn với xây dựng đồng bộ hệ thống hạ tầng giao thông.

 

Phân 3 vùng đồng bằng sông Cửu Long theo độ mặn, đến 2030 hạ tầng giao thông phát triển vượt bậc - Ảnh 1.

Họp thẩm định Quy hoạch vùng đồng bằng sông Cửu Long – Ảnh: VGP

Ngày 25-11, Phó thủ tướng Lê Văn Thành – chủ tịch Hội đồng Thẩm định quy hoạch – đã chủ trì hội nghị thẩm định Quy hoạch vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Phân vùng theo độ mặn, hệ sinh thái nông nghiệp

Theo cơ quan tư vấn quy hoạch – liên danh Haskoningdhv (Hà Lan) và GIZ (CHLB Đức), đến năm 2050, ĐBSCL hướng đến nơi đáng sống và làm việc; hấp dẫn du khách và nhà đầu tư với trọng tâm “bảo vệ người dân, cải thiện sinh kế, phát triển cân bằng, bảo vệ môi trường”.

Để hỗ trợ chuyển đổi sản xuất nông nghiệp, sẽ phân theo độ mặn thành 3 vùng (vùng ngọt quanh năm, vùng chuyển tiếp ngọt-lợ, vùng mặn-lợ). Phân vùng theo sinh thái nông nghiệp thành 14 vùng, bao gồm 6 tiểu vùng trong vùng ngọt quanh năm, 5 tiểu vùng trong vùng chuyển tiếp ngọt-lợ, 3 tiểu vùng trong vùng mặn-lợ.

Bổ sung cách tiếp cận quản lý tổng hợp tài nguyên nước, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Trần Quốc Phương cho hay đây là tài nguyên cốt lõi, bảo đảm an ninh nguồn nước, an ninh lương thực, chủ động thích nghi, sống chung với lũ, ngập, nước lợ, nước mặn, coi nước mặn, nước lợ là nguồn tài nguyên thiên nhiên theo nghị quyết 120 của Chính phủ.

Để phân vùng chức năng của nguồn nước, theo ông Phương, đòi hỏi phải có sự thay đổi trong tư duy, quan điểm về quản lý, khai thác sử dụng tài nguyên nước và thay đổi cách thức vận hành hệ thống công trình thủy lợi phù hợp với chuyển đổi mô hình sinh kế nông nghiệp tại từng tiểu vùng sinh thái.

Nhiều ý kiến góp ý cũng chỉ ra tài nguyên quan trọng nhất là nước nên phải chủ động thích ứng, tập trung xử lý nút thắt lớn hạ tầng giao thông, việc hình thành trục logistics quan trọng không kém việc lập các trung tâm (hub) sản xuất của vùng.

TS Đặng Kim Sơn, nguyên viện trưởng Viện Chính sách chiến lược, Bộ NN&PTNT, đặt ra vấn đề phải có quan điểm thích nghi hay khống chế trước ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, nước biển dâng.

Nếu thích nghi phải tăng giao thông thủy, cần sự đột phá về cảng biển, chuyển đổi mô hình sản xuất theo hướng tăng sản xuất thủy hải sản. Còn nếu khống chế thì phải chủ động các giải pháp, học hỏi các mô hình như của Hà Lan.

Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh đồng tình việc tái cơ cấu nông nghiệp thay vì sản xuất “phó mặc cho trời”. Lưu ý hệ thống giao thông quá tải, các tuyến cao tốc như TP.HCM – Trung Lương – Cần Thơ hiện thường xảy ra tắc nghẽn.

“Đẩy mạnh sản xuất nhưng lại kết nối vào nút thắt cổ chai thì có nên không?”, theo ông Khánh, đẩy mạnh xuất khẩu trái cây, thủy sản rất cần có cảng biển xứng tầm với tiềm năng phát triển của vùng, quy hoạch đường bộ, thủy logictics gắn với cảng biển.

Phân 3 vùng đồng bằng sông Cửu Long theo độ mặn, đến 2030 hạ tầng giao thông phát triển vượt bậc - Ảnh 2.

Phó thủ tướng Lê Văn Thành nhấn mạnh từ nay đến 2030 hạ tầng giao thông vùng sẽ phát triển vượt bậc – Ảnh: VGP

Giao thông đồng bộ, thông suốt

Kết luận, Phó thủ tướng Lê Văn Thành nhấn mạnh lại quan điểm phát triển ĐBSCL theo hướng “thuận thiên”. Đây là vùng có vị trí đặc biệt quan trọng, có tiềm năng nhưng chưa được đầu tư xứng tầm, đặc biệt là giao thông. Vì vậy, việc lập quy hoạch phải đặc biệt chú trọng hệ thống hạ tầng giao thông, bảo đảm kết nối đồng bộ, thông suốt.

“Giai đoạn tới đây, từ nay đến 2030, hệ thống hạ tầng giao thông của ĐBSCL sẽ có bước phát triển đột phá, vượt bậc”, Phó thủ tướng đề nghị rà soát, cập nhật đầy đủ các quy hoạch hạ tầng giao thông, mạng lưới đường bộ, đường sắt, cảng biển, cảng hàng không, sân bay, đường thủy nội địa… vào quy hoạch vùng.

Bao gồm phát triển hệ thống đường cao tốc đến năm 2025 gồm Cần Thơ – Cà Mau; Sóc Trăng – Châu Đốc – Cần Thơ – Trần Đề (khoảng 400km). Mở rộng cảng hàng không quốc tế Cần Thơ, đầu tư, khai thác hiệu quả hệ thống đường bộ ven biển, cảng biển (trong đó có cảng Trần Đề) và giao thông thủy, hạ tầng hàng không, hệ thống các công trình dịch vụ – hậu cần…

Gắn với đó là phát triển hạ tầng năng lượng, đặc biệt năng lượng tái tạo, hạn chế tối đa đầu tư đường dây truyền tải. Giảm nguồn năng lượng truyền thống, không tính nguồn điện mặt trời vào tổng hệ thống, thay vào đó khuyến khích phát triển điện mặt trời theo hướng tự sản xuất, tự tiêu dùng.

Ông nhấn mạnh quy hoạch phải có giải pháp ứng phó biến đổi khí hậu, nước biển dâng, gắn với xây dựng hệ thống thủy lợi, chống xâm nhập mặn, sạt lở bờ sông – bờ biển, đặc biệt hệ thống các hồ, các điểm dự trữ nước chiến lược, các tuyến đường ven biển phải được chú trọng cả về quy hoạch, cả về cơ chế, chính sách thu hút đầu tư, phát triển.

Gắn với đó là hệ thống phúc lợi xã hội (y tế, giáo dục), bảo tồn, tôn tạo và phát triển bản sắc văn hóa, các công trình văn hóa, di tích lịch sử cách mạng.

Sau cuộc họp này, Phó thủ tướng yêu cầu Bộ Kế hoạch và đầu tư khẩn trương hoàn thiện các hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ để có thể phê duyệt trong tháng 12-2021.

N.AN
TTO