23/01/2025

Nguy cơ tái lây lan rộng, người chăn nuôi ‘ngóng’ vắc xin dịch tả heo châu Phi

Nguy cơ tái lây lan rộng, người chăn nuôi ‘ngóng’ vắc xin dịch tả heo châu Phi

Số heo phải tiêu huỷ gấp 3 lần so với cùng kỳ năm 2020, nguy cơ ảnh hưởng đến dịch đang có nguy cơ lây lan trên diện rộng, gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của người chăn nuôi và cung cầu thực phẩm.

 

Nguy cơ tái lây lan rộng, người chăn nuôi ngóng vắc xin dịch tả heo châu Phi - Ảnh 1.

Tiêu hủy heo bị dịch tả heo châu Phi – Ảnh: CHÍ HIẾU

Ngày 25-11, Phó thủ tướng Lê Văn Thành vừa ký ban hành chỉ thị của Thủ tướng về việc tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống bệnh dịch tả heo châu Phi.

Theo chỉ thị, hiện nay, bệnh dịch tả heo châu Phi đang diễn biến phức tạp, đã xảy ra tại 2.275 xã của 57 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương với tổng số heo buộc tiêu hủy trên 230.000 con, gấp gần 3 lần so với cùng kỳ năm 2020, chiếm khoảng 0,8% tổng đàn.

Tại một hội nghị của Cục Thú y mới đây, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến dự báo từ nay đến cuối năm, số heo mắc bệnh buộc phải tiêu hủy có khả năng lên tới 300.000 con.

“Dịch đang có nguy cơ lây lan trên diện rộng, tác động lớn, tiêu cực đến ngành chăn nuôi, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, người chăn nuôi và cung cầu thực phẩm” – chỉ thị nêu rõ.

Để công tác phòng, chống, kiểm soát bệnh dịch tả heo châu Phi kịp thời, hiệu quả, bảo đảm nguồn cung thịt heo vào dịp Tết Nguyên đán và thời gian tiếp theo, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung các nguồn lực để xử lý dứt điểm các ổ dịch, không để phát sinh ổ dịch mới

Chỉ đạo các lực lượng chức năng giám sát, kiểm soát chặt chẽ tại cửa khẩu, đường mòn, lối mở khu vực biên giới đối với người và phương tiện vận chuyển xuất phát từ các nước có bệnh dịch tả heo châu Phi nhập cảnh vào Việt Nam và xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm.

Tại hội nghị góp ý dự thảo nghị định cơ chế quản lý, phương thức, trình tự, thủ tục kiểm tra nhà nước về chất lượng và kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu (Tổng cục Hải quan chủ trì) do Cục Thú y tổ chức ngày 23-11, chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai Nguyễn Trí Công chia sẻ, trước đây lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn có một vài lần đề cập đang thử nghiệm vắc xin dịch tả heo châu Phi và dự kiến quý 2-2021 sẽ có để “cứu” cho ngành chăn nuôi Việt Nam.

“Chúng tôi mong khi nào có và thử nghiệm đến đâu thì mong bộ thông tin để chúng tôi biết” – ông Công nói.

Bà Lương Thị Dung, phó giám đốc Công ty Công Doanh, cho biết doanh nghiệp đang đầu tư xây dựng chuỗi khép kín theo quy trình chăn nuôi cho tới chế biến xuất khẩu nhưng đang gặp vấn đề rất nan giải. Dịch tả heo châu Phi kéo dài rất lâu nhưng đến nay chưa có giải pháp nào khống chế. Đề nghị bộ có giải pháp để sớm khống chế.

Tại hội nghị này, nhiều đại biểu lo lắng nếu tổ chức thực hiện theo các nội dung như dự thảo nghị định, nguy cơ nhiều dịch bệnh nguy hiểm từ các nước xâm nhiễm vào Việt Nam là rất lớn.

Theo Cục Thú y, bệnh dịch tả heo châu Phi xảy ra tại Việt Nam đã gây tổn thất hơn 30.000 tỉ đồng, ảnh hưởng lớn sinh kế của trên 3,5 triệu hộ chăn nuôi, hàng trăm doanh nghiệp, tác động trực tiếp, rất lớn đến CPI và xuất khẩu sang các nước.

CHÍ TUỆ
TTO