23/01/2025

Luật cho xây dựng công nghiệp văn hóa còn sơ khai

Luật cho xây dựng công nghiệp văn hóa còn sơ khai

Ở ta, sự tiếp nối các tinh hoa truyền thống không trở thành nhu cầu, nếu không muốn nói ngược lại là có cả sự chối bỏ truyền thống. Muốn xây dựng công nghiệp văn hóa nhưng về mặt kinh tế và luật cho sự phát triển ấy lại rất sơ khai…

 

Luật cho xây dựng công nghiệp văn hóa còn sơ khai - Ảnh 1.

Công chức Sở Văn hóa – thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế mang áo dài ngũ thân đến công sở làm việc vào ngày thứ hai đầu tháng – Ảnh: NHẬT LINH

Đó là những trăn trở của nhà nghiên cứu văn hóa Phan Cẩm Thượng chia sẻ với Tuổi Trẻ nhân Hội nghị văn hóa toàn quốc.

Văn hóa truyền thống bị đứt đoạn

* Ông đã từng viết: “Tâm tính con người đã cạn kiệt tính truyền thống…”. Theo ông, nó đang và sẽ gây ra những hệ lụy gì cho xã hội Việt Nam?

phan cam thuong1

Ông Phan Cẩm Thượng

– Không nên quá lo lắng về vấn đề này, mỗi thời có cách giải quyết không gian sống, nhất là trong trường hợp dân số tăng lên quá đông.

Sự tan rã của làng xã cổ thay bằng các đô thị mới từ những nhu cầu bên ngoài và bên trong.

Từ đó dẫn đến văn hóa truyền thống bị đứt đoạn đến mức không còn, nhất là trong các khu đô thị cao tầng mới, không chỉ ở cận đô thị cũ mà ngay ở nông thôn.

Đương nhiên, khi đó và sau này nhiều thế hệ sẽ xa lạ với truyền thống văn hóa xưa, hình thành văn hóa khác, tạm gọi là văn hóa chung cư, văn hóa đô thị, văn hóa toàn cầu.

Những vấn đề này là phổ biến trên thế giới, được lấy lại phần nào bằng tôn giáo, tập tục, sự học hỏi di sản chứ không còn môi trường di sản.

* Ông từng chia sẻ về những thế hệ trẻ Việt Nam hiện nay rất giỏi ngoại ngữ, piano, vi tính, lịch sử văn hóa phương Tây… thay vì các kiến thức văn hóa truyền thống Việt Nam. Theo ông, đây là vấn đề lớn và đau đầu của văn hóa Việt Nam đương đại?

– Các quốc gia Đông Nam Á mở cửa sớm hơn Việt Nam như Indonesia, Thái Lan… nên cũng nhìn nhận vấn đề này sớm hơn và họ có cách giải quyết tốt giữa văn hóa truyền thống và đương đại. Còn ở ta việc này làm chưa tốt.

Các di sản vật chất và tinh thần chưa được chọn lọc đưa vào song hành với đời sống hiện tại, vì không phải cái gì truyền thống cũng hay.

Sự tiếp nối các tinh hoa truyền thống không trở thành nhu cầu, nếu không muốn nói ngược lại là có cả sự chối bỏ truyền thống. Vấn đề cũng nằm ở cái nhìn cá nhân và gia đình thôi, khi nào người ta cảm thấy mất gốc là không hay, là dẫn con người đến hư vô thì sẽ tìm lại.

Luật cho xây dựng công nghiệp văn hóa còn sơ khai - Ảnh 4.

Vào mỗi dịp Tết, nhiều gia đình tụ họp lại, tham quan, chụp ảnh tại đường hoa Nguyễn Huệ – Ảnh: Q.ĐỊNH

Hệ thống kinh tế – văn hóa cần xây dựng lâu dài

* Ông từng chia sẻ để phát triển công nghiệp văn hóa thì ngoài tầng lớp trung lưu lớn mạnh tạo thị trường nội địa rộng lớn cho công nghiệp văn hóa thì còn cần các tác giả chuyên nghiệp. Theo ông, phải làm sao để có được các tác giả chuyên nghiệp?

– Đây là một hệ thống kinh tế – văn hóa cần xây dựng lâu dài, chi tiết, như một ngành kinh doanh hiện đại (giống một câu lạc bộ bóng đá ở Anh hay bảo tàng ở Pháp), trong đó nghệ sĩ, nhà thể thao chuyên nghiệp có cách gia nhập cơ chế chuyên nghiệp riêng. Về mặt kinh tế và luật cho xây dựng công nghiệp văn hóa của ta rất sơ khai.

Văn hóa nghệ thuật hiện nay ở ta có cái hoàn toàn chưa có, có ngành đang chết hẳn, có ngành chập chững bước vào (như ca nhạc trẻ), có ngành đã thành thị trường lâu năm (như hội họa) nhưng rất thiếu thiết chế hành nghề chuyên nghiệp và không được nhận thức đúng vị thế, cách thức hoạt động của nó.

Việc xây dựng hệ thống này, như cách mấy hôm nay người ta nói là công nghiệp văn hóa là vấn đề của quốc gia. Chúng tôi với tư cách là những nhà chuyên môn chỉ có thể đưa ra ý kiến trước tiên về ngành của mình, sau đó đến cái chung của sự kinh doanh.

Làn sóng Hallyu của Hàn Quốc

Hàn Quốc là một trong số ít quốc gia có mục tiêu trở thành nhà xuất khẩu văn hóa đại chúng hàng đầu. Vào năm 2001, cựu tổng thống Hàn Quốc Kim De Jung đã có bài phát biểu đánh giá cao vai trò của làn sóng Hallyu và xem đây là phần ưu tiên trong số các chính sách kinh tế Hàn Quốc.

Ngoài việc cho thành lập một số cơ quan nhằm phát triển văn hóa, chính phủ cũng tham gia tích cực vào hoạt động quảng bá và xuất khẩu văn hóa đại chúng Hàn Quốc ra nước ngoài, như tổ chức các buổi hòa nhạc, lễ hội, sự kiện. Tính đến hết năm 2020, có tới 42 trung tâm văn hóa Hàn Quốc đã được mở tại 32 quốc gia ở khắp nơi trên thế giới.

MINH KHÔI

 

THIÊN ĐIỂU thực hiện
TTO