Khuyến khích phản biện có cần phải bỏ ‘Tiên học lễ hậu học văn’?

Khuyến khích phản biện có cần phải bỏ ‘Tiên học lễ hậu học văn’?

‘Tiên học lễ, hậu học văn không có gì sai cả. Không lẽ giờ học sinh gặp giáo viên, gặp người lớn không cần chào vì như vậy nó năng động hơn?’.

 

Khuyến khích phản biện có cần phải bỏ Tiên học lễ hậu học văn? - Ảnh 1.

Các nhà giáo dục cho rằng cần tạo điều kiện cho học sinh phát huy tính chủ động, sáng tạo và phản biện – Ảnh: NAM TRẦN

Ngày 21-11, tại hội thảo giáo dục chủ đề “Văn hóa học đường trong bối cảnh đổi mới GD-ĐT” do Ủy ban Văn hóa, giáo dục của Quốc hội tổ chức, GS Trần Ngọc Thêm (Trường ĐH Khoa học xã hội & nhân văn – ĐH Quốc gia TP.HCM) gây chú ý khi nêu quan điểm: “Xã hội muốn phát triển thì điều quan trọng là cần phải có con người sáng tạo, mà để có con người sáng tạo thì trước hết phải có con người chủ động”.

Và để có con người chủ động, theo GS: “Cần bắt đầu từ việc thay đổi quan niệm, không sử dụng những cách biểu đạt mang tính thụ động như “con ngoan trò giỏi” (ngoan theo nghĩa ‘dễ bảo, vâng lời’, giỏi theo nghĩa ‘thuộc bài’). Cần chấm dứt sử dụng khẩu hiệu ‘Tiên học lễ, hậu học văn’ để khai mở tư duy phản biện, giải phóng sức sáng tạo”.

“Chừng nào còn đề cao chữ ‘lễ’ để ràng buộc người học, còn đề cao quá mức vai trò của người thầy, của đáp án thì tư duy phản biện sẽ không thể phát triển, không thể có xã hội phát triển”, ông nhấn mạnh.

Đồng cảm với GS Thêm, bạn đọc Nam gửi đến Tuổi Trẻ Online: “Đồng ý với GS, bỏ khẩu hiệu ‘Tiên học lễ, hậu học văn’ và nhiều khẩu hiệu khác để giảm bệnh thành tích, giải phóng tư duy người học, người dạy”.

Cùng góc nhìn, bạn đọc Quan viết: “​Muốn đào tạo được con người chủ động thì phải thay đổi cách dạy và học. Không thể dạy theo kiểu nhồi nhét kiến thức, mà phải để học sinh chủ động khám phá để từ đó tìm ra kiến thức. Nói thì dễ nhưng làm được điều này đòi hỏi thời gian, nhưng quan trọng là phải có hướng đi và lộ trình. Và phải bắt đầu ngay với cấp tiểu học”.

Bạn đọc Minh Anh chia sẻ: “Thay vì một cách nhìn cũ trường học vào điểm số, luyện thi và xếp hạng, việc nhìn nhận môi trường nhà trường toàn diện và sống động hơn sẽ giúp các nhà giáo dục, nhà trường và cộng đồng chú tâm và vun đắp đúng đắn hơn”.

Tuy nhiên, nhiều bạn đọc cũng bày tỏ không đồng tình với ý kiến chấm dứt sử dụng khẩu hiệu ‘Tiên học lễ, hậu học văn’.

“Tôi rất đồng ý phải đề cao tư duy phản biện, khai phóng nhưng lại không đồng ý với ý kiến về chấm dứt ‘Tiên học lễ, hậu học văn’. Hai việc này không hề mâu thuẫn nhau, không nhất thiết chọn cái này thì bỏ cái kia, theo cái kia thì mất cái nọ.

‘Tiên học lễ, hậu học văn’ cần được hiểu theo nội hàm mới là gì, hoặc do chúng ta nói thế mà chúng ta lại không làm tốt trên thực tế. Trong bối cảnh đạo đức xã hội xuống cấp, lại muốn bỏ đi vai trò của giáo dục đạo đức là rất sai lầm. Cần phải tư duy lại nội hàm của các tuyên ngôn đạo đức và hành động của chúng ta, chứ không phải mình làm không tốt thì bỏ nó đi”, bạn đọc Đỗ Tuấn ý kiến.

Bạn đọc Trung Hiếu cũng khẳng định: “Tiên học lễ, hậu học văn không có gì sai cả. Không lẽ giờ học sinh gặp giáo viên, gặp người lớn không cần chào vì như vậy nó năng động hơn? Nói chuyện với người lớn tuổi cỡ ông nội – ông ngoại xưng tao – mày, cho thân cận?

Cái cần thay đổi không phải ‘Tiên học lễ hậu học văn‘, mà là tư duy giảng dạy 1 hướng, truyền đạt 1 hướng… Nói không đâu xa, ngay cấp 1 cứ sao phải nhất thiết giải mẹo trong khi học sinh đó hiểu được cách giải khoa học?

Phương pháp giải miễn đúng là được, còn phương pháp khác là để học sinh tham khảo thêm chứ không bắt buộc, như vậy mới là mở trói tư duy. Toán học là môn tư duy còn bị trói buộc phải giải cách này không được giải cách kia thì nói gì môn khác”.

“Giáo dục không học Lễ (đạo đức) trước thì học gì? Ông bà ta thường nói tài mà không có đức cũng vứt! Câu ‘Tiên học lễ hậu học văn’ dù khoa học tiến bộ đến… 8.0 vẫn luôn có giá trị”, bạn đọc Đoàn Hòa viết.

Bạn có ý kiến gì về quan điểm “Cần chấm dứt sử dụng khẩu hiệu ‘Tiên học lễ, hậu học văn’ để khai mở tư duy phản biện, giải phóng sức sáng tạo”? Theo bạn, cần làm gì để học sinh phát huy tính phản biện, sáng tạo? Mời bạn gửi ý kiến về hộp thư: [email protected] hoặc để lại bình luận dưới bài viết, xin cảm ơn!

TUỔI TRẺ ONLINE
TTO